Sân chơi khá quen thuộc với học sinh tiểu học từ 5 năm nay, Ý tưởng trẻ thơ khơi gợi sáng tạo không ngừng ở các em: Ô tô con ong, ô tô tự lái cho người khiếm thị, quạt mát sông Hàn… chỉ là một vài trong hàng trăm ngàn ý tưởng gửi về BTC. Có 30 mô hình vào vòng chung kết của các em học sinh tiểu học khắp mọi miền đất nước.
Ông Hideaki Uneno, Phó Tổng giám đốc Cty Honda Việt Nam ba năm nay đóng vai trò cầm cân nảy mực,nói: “Điều làm chúng tôi vui mừng là có rất nhiều ý tưởng và mơ ước ngộ nghĩnh phù hợp với lứa tuổi của các em, hướng đến việc tạo ra nhiều niềm vui và giá trị cho cuộc sống.
Ví dụ như ếch xử lý kim tiêm, Ngôi nhà lúc lắc bí ngô, Vòng tròn kết nối yêu thương… mà chỉ cần đọc tên cũng khiến chúng tôi tò mò và thích thú”. Ông Ueno nói thêm, các nhà tổ chức không quan tâm ý tưởng có khả thi hay không, mà trân trọng mọi ý tưởng của các em dù nhỏ hay lớn, logic hay phi logic.
Cột đèn thông minh là ý tưởng của Yến Phương học sinh lớp 3 tại Hà Nội, xuất phát từ mong muốn giảm tai nạn giao thông.
“Cột đèn thông minh gắn các con chíp điện tử, được cài đặt thời gian cố định. Cột đèn thông minh gồm có đèn đỏ - vàng- xanh. Đặc biệt, nó có hàng rào ẩn dưới lòng đất. Khi đèn vàng nhấp nháy hàng rào chắn sẽ từ từ nhô lên khỏi mặt đất và chắn ngang đường. Khi đèn đỏ sáng khiến cho mọi người không thể vượt đèn đỏ được nữa, giúp đỡ ùn tắc giao thông và giảm tai nạn”, Phương lý giải.
Con số nhà tổ chức đưa ra là hơn 250 ngàn ý tưởng, chỉ 60 ý tưởng bằng tranh được chọn để hình thành mô hình.
Điều khiến nhiều người ngạc nhiên, bên cạnh những ý tưởng thiết thực như kính dành cho người khiếm thị, bóng đèn diệt côn trùng hại lúa, trẻ em ngày càng quan tâm đến những thứ lớn lao: Máy điều hòa lòng đất của Trần Lộc Quang Anh bắt nguồn từ ý thức muốn làm dịu trái đất; Xe ô tô con ong của Đào Vũ Hà Phương là giải pháp bớt ùn tắc giao thông; Guồng lọc nước thiên nga của Nguyễn Thị Ngọc Hà có thể trả lại môi trường nước sạch cho Hồ Gươm, cùng nhiều điểm ao hồ có thể thành nơi vui chơi cho các em.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa trong vai trò giám khảo nhận xét. “Sân chơi này cho thấy trẻ con Việt Nam không ngây thơ, không như chúng ta nghĩ. Nhiều khi chính những cái ngô nghê làm cho mình thích.
Xem mô hình của các em như bước vào thế giới cổ tích từ những vật liệu như hộp giấy, vỏ lon bia”. Ông nói thêm, không nhất thiết các nhà sản xuất phải tạo ra sản phẩm ngay từ ý tưởng này, nhưng sân chơi cho các em cơ hội tạo ra những trái táo Newton.
Ngoài nhà thơ Trần Đăng Khoa và ông Hideaki Ueno, hội đồng giám khảo hội đủ các lĩnh vực từ hội họa cho đến khoa học.
PGS.TS. Lê Anh Tuấn Phó Viện trưởng Viện Cơ khí Động lực, ĐH Bách Khoa Hà Nội đồng hành với Ý tưởng trẻ thơ 4 năm nay chia sẻ bên lề cuộc chấm mô hình chung khảo: “Sau 4 năm tôi thấy suy nghĩ của các cháu vẫn ngây thơ, trong sáng tuy nhiên ý tưởng đỡ viển vông hơn. Tính khoa học cao hơn, dần dần mang tính khả thi hơn”.