Nữ họa sỹ nghiện vẽ tranh nude

Nữ họa sỹ nghiện vẽ tranh nude
TP - Việc đàn ông vẽ đàn bà nude (khỏa thân), không lạ nhưng đàn bà tụng ca vẻ đẹp của đàn bà như Kim Thái, chắc là trường hợp hy hữu. Hiện nay, nữ họa sỹ bước qua tuổi thất thập cổ lai hy đã có gần 600 bức tranh vẽ đàn bà trong vẻ đẹp nguyên thủy.

> Sách Tranh, tượng khỏa thân: Vượt qua nhạy cảm

Họa sĩ Kim Thái
Họa sĩ Kim Thái.

Một nam họa sỹ tài danh đã khen: “Tranh của Thái rất chi là tuyệt. Bà không theo trường phái nào cả, cứ vẽ rất vô tư, không có ý vẽ để phô bày, như một đứa trẻ con thích vẽ”. Kim Thái không có ý định làm triển lãm riêng, cũng không định giá tranh của mình, ai thích thì mua, tùy tâm trả giá.

Vẽ người đàn bà nguyên thủy

Kim Thái đã tốt nghiệp ĐH Mỹ Thuật Hà Nội trong những năm chiến tranh. Bà từng làm công việc của công chức bình thường trong ngành mỹ nghệ. Con đường đến với nude đàn bà của Kim Thái hết sức tự nhiên “Thấy đẹp thì vẽ chơi”, vẽ lâu đâm… nghiện.

Khi viết về một điêu khắc gia nổi tiếng, chuyên tạc, nặn “bống bang, cam bưởi” của chị em, tôi hỏi vì sao ông lại dành phần lớn đời mình cho một việc nhạy cảm khiến người ta đỏ mặt ngại ngùng như thế, ông đáp lại bằng câu thơ dạng văn xuôi: “Về già, tôi không canh đền đài họ tộc, chỉ đặt bàn tay mình lên nơi chốn ấy, nơi chốn đã sinh tôi ra và nay mai cũng chính từ nơi ấy tôi sẽ bước vào đời”.

Hỏi nữ họa sỹ đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm, vì sao lại vẽ đàn bà khỏa thân thì bà đáp giản dị: “Tôi không vẽ khỏa thân, tôi chỉ vẽ người đàn bà nguyên thủy”. Nếu ai đã từng say mê người đẹp trong nhạc Trịnh “vai em gầy guộc nhỏ, như cánh vạc…”, hẳn sẽ thất vọng khi xem tranh Kim Thái.

Người đàn bà trong tranh của bà, đẹp lồ lộ, hồn nhiên, những tấm thân dù đang xuân thì hay đã trải qua cơn vượt cạn đều có vẻ phì nhiêu trong sáng.

Có người nói rằng, vẽ đàn bà thường có hai dạng: hoặc dịu dàng (theo lối không khỏa thân) còn đã khỏa thân thì lại hay sa vào… trắng trợn. Là đàn bà nên Kim Thái thương đàn bà chăng mà bức tranh nào cũng ấm áp, yên bình. Ngay cả bức về thân phận đàn bà cũng vẫn cứ thấy nâng niu, nhẹ nhàng đến lạ.

Họa sĩ Kim Thái

Một tác phẩm của họa sỹ Kim Thái.

Họa sỹ Lê Đình Nguyên (Nguyên trâu) một lần đến thăm Kim Thái đã ngạc nhiên: “Ở tuổi này hiếm có nữ họa sỹ nào sáng tác dồi dào như chị”. Tuy nhiên, người làm điêu khắc động đầu tiên ở Việt Nam đã góp ý Kim Thái một chi tiết nhỏ, giảm bớt tông màu ở “đầu nhũ hoa” trong bức tranh.

Kể cũng đúng, bộ ngực phụ nữ dẫu đang độ e ấp, trinh nguyên cũng khó mà đỏ rực như son giống như tranh Kim Thái. Nhưng nữ họa sỹ 70 tuổi chỉ cười, không sửa: “Nếu cần người đàn bà giống như đời thực thì nhiếp ảnh đã làm rồi, cần chi đến hội họa”.

Bà từng vẽ người đàn bà trong lao động, trong chiến tranh và hơn mười năm trở lại đây, Kim Thái quay sang vẽ phụ nữ khỏa thân, việc sử dụng màu sắc trong tranh bà cũng thay đổi theo chiều hướng tươi sáng hơn.

Càng già tranh của Kim Thái càng trẻ, đó mới là điều lạ: “Tranh tôi không u tối, bởi cuộc đời dù thế nào thì cái đẹp vẫn là cái đẹp”. Trong tranh của bà cũng thấp thoáng bóng dáng đàn ông nhưng sự xuất hiện của họ cũng chỉ làm nền cho sự tỏa sáng và đam mê của đàn bà. “Vẻ đẹp của đàn bà ai cũng phải ca ngợi, đừng phân biệt nam họa sỹ hay nữ họa sỹ”, Kim Thái nói vậy.

Chẳng lẽ sự đố kỵ bản năng của bà không tồn tại hay sao? Bà cười: “Phải vượt lên, đừng mang con mắt đàn bà quá khi nhìn đồng loại”. Nhưng ngắm tranh Kim Thái người tinh vẫn nhận ra, những người đàn bà phơi bày phồn thực ấy không mang màu nhục cảm. Đúng kiểu đàn bà vẽ đàn bà.

Kim Thái tâm sự, cũng mời mẫu nude tới nhà nhưng mẫu nude cộng tác với bà cực nhàn. Bà chỉ cần ngắm nghía cơ thể của họ, trò chuyện với họ, chụp vài kiểu ảnh… là xong, không cần họ ngồi hàng giờ làm mẫu: “Tôi vẽ bằng tưởng tượng”. Thế nên, có thể nói tranh của Kim Thái không có nguyên mẫu. Bà cóp nhặt trong cuộc đời những ánh mắt, bờ môi, những đôi tay, bờ vai… gợi cảm và thổi vào tác phẩm của mình trong mỗi cuộc thăng hoa.

Không cần đánh bóng

Sở hữu gia tài gần 600 bức nude, con số “khủng” đối với một họa sỹ, ở tuổi 70 Kim Thái vẫn miệt mài với nghề. Bà vẽ để khuây khỏa, vẽ vì cảm hứng về cái đẹp. Nói chuyện cùng Kim Thái thấy bà ít suy tư nặng nề, không hằn học, không ganh đua… Bà vẽ tranh như một đứa trẻ vô tư, không nặng tư tưởng, không theo trường phái.

Một tác phẩm của họa sỹ Kim Thái
Một tác phẩm của họa sỹ Kim Thái.

Thắc mắc: “Sao chị không làm một triển lãm cá nhân, hẳn sẽ gây tiếng vang?”. Bà lắc đầu: “Để làm gì cơ chứ. Tôi không muốn phô bày”. Không gian sống của bà nhỏ lại vì những tác phẩm nghệ thuật nối hàng, bà vừa phải thuê thêm một căn hộ nhỏ để có nơi sáng tác và chuẩn bị “chỗ ở’ cho những đứa con tinh thần sắp chào đời.

Phần nhiều những tác phẩm của các họa sỹ nổi tiếng đều tìm đường ra nước ngoài. Còn Kim Thái cứ để tác phẩm của mình “hữu xạ tự nhiên hương”, không cần “đánh bóng”, ai biết thì đến mua, không bao giờ đặt giá, khách tùy tâm mà trả.

Khách nước ngoài hay trong nước bà đều đối đãi như nhau, miễn là họ thực sự yêu nghệ thuật. Khi tình hình kinh tế khó khăn, cách làm không toan tính của Kim Thái có khi lại là hướng đi hay.

Có những họa sỹ tên tuổi suốt hai năm trời chưa bán nổi một bức tranh, có những họa sỹ trẻ đã phải đổi nghề để mưu sinh dù vẫn mê cây cọ. Tranh của Kim Thái vẫn bán được túc tắc, đủ để bà hồn nhiên vẽ đàn bà khỏa thân.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG