Kỳ thị người thân?

Kỳ thị người thân?
TP - Y như rằng, mỗi khi kêu gọi giúp đỡ một nhóm người đặc biệt nào đó trong xã hội, người ta thường phải viện đến câu cổ động: “Thiệt thòi này không chỉ xảy đến với những ai xa lạ, mà có thể xảy đến với người thân, bạn bè của bạn”.

> Lửng lơ chấm hỏi tình yêu ‘bóng kín’

Chẳng hạn, trong một hội thảo về chủ đề bảo vệ trẻ em đồng tính gần đây, người đứng đầu một tổ chức xã hội nói: “Người đồng tính không phải là những ai xa lạ, mà có thể sống đâu đó quanh bạn, là người thân, bạn bè, đồng nghiệp của bạn”.

Anh muốn thông điệp đó được báo chí truyền tải đến nhiều người hơn. Xem chuyện của người như chuyện của mình, đại loại thế, lúc đó mới đồng cảm được.

Nói vậy không thừa.

Bởi chúng ta vẫn chứng kiến những nhân vật đồng tính gây hài trong phim, kịch Việt Nam, như Hội trong Để mai tính lại thành công đến thế trong việc lấy được những tràng cười của khán giả?

Người ta chỉ cười được khi nghĩ chuyện đó chẳng liên quan đến mình. Rằng nhân vật đồng tính gây hài trên màn ảnh chỉ là ai đó xa lạ thôi.

Bởi vậy, mới cần nhắc nhở khán giả rằng người họ đang cười nhạo có thể là “người thân” của họ ngoài đời đấy.

Đến lúc đó họ tính sao?

Vì người thân thì… thân thương lắm. Người ta chẳng phải luôn muốn dành những gì tốt đẹp cho người thân của mình đó sao?

Chẳng lẽ chỉ đến lúc một chuyện bất thường/không đáng mong đợi xảy đến với người thân của mình, người ta mới bận tâm, thấy mình cần phải làm gì đó?

Có lẽ. Hầu hết là vậy.

Nhưng với đồng tính thì hơi khác. Người thân đồng tính? Vấn đề khó nghĩ thông suốt đây.

Tôi thấy nhiều người vui vẻ tuyên bố ủng hộ cộng đồng LGBT trên truyền hình, nhưng khi được hỏi “Nếu một người thân của bạn đồng tính thì sao?” liền khựng lại. Nụ cười trên môi cũng tắt.

“Kêu gọi đừng kỳ thị đồng tính? Được thôi. Đồng ý. Đừng kỳ thị đồng tính! Hãy để họ sống cuộc sống bình thường!”. Nhưng thực ra…

“Mọi việc vẫn ổn khi người đồng tính nào đó không phải là mẹ tôi/em tôi/con tôi/bạn tôi. Nhưng nếu, chẳng may, lại là mẹ tôi/em tôi/con tôi/bạn tôi… thì khoan đã”.

Tâm lý rất phổ biến là: “Trời ơi sao chuyện không may/tai họa này lại xảy ra với tôi/gia đình tôi?”.

“Trước tôi gây nên tội tình gì mà giờ con tôi phải khổ thế này?”, một bà mẹ nói với đứa con đồng tính trong một vở kịch. Ngoài đời, mọi người thủ thỉ tâm sự: “Ủng hộ thì cũng được, nhưng chỉ mong đừng có người thân nào của mình “bị”.

Hoặc, vài người xem phim “Hot boy nổi loạn và câu chuyện về chàng cười, cô gái điếm và con vịt”, xuýt xoa về đôi tình nhân Lam và Khôi: “Đẹp đôi nhỉ! Lãng mạn nhỉ!”. Ra khỏi rạp lại bảo: “Ngoài đời mà biết một đôi như thế thì thấy ghê ghê”.

Kiểu suy nghĩ đó dù phổ biến, nhưng cũng may không phải là duy nhất. Cũng có trường hợp người ta trở nên bao dung hơn, nhưng ở đây tôi đang nói đến đa số.

Cũng phải nói thêm, về phía thiểu số còn có những người sẽ cực kỳ tự hào. Tự hào, bạn đọc không nhầm đâu. Nữ ca sĩ Mỹ Jennifer Lopez từng nói: “Hoàn toàn không có vấn đề gì nếu các con tôi đồng tính”.

Nữ giám khảo xinh đẹp của American Idol có một cặp song sinh. Trước đến giờ cô toàn yêu và cưới đàn ông, nhưng cũng nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ và yêu quý đối với người đồng tính.

Vài người sẽ bảo: “Đó là do tác động của nền văn hóa thôi. Chứ ở Việt Nam, tôi không nghĩ có ông bố bà mẹ nào vui nổi nếu con mình đồng tính”.

Nhưng, ngay ở Mỹ hay phương Tây hay bất cứ một nước “cởi mở” nào, vẫn có những người kỳ thị đồng tính song song tồn tại với những người ủng hộ đấy thôi. Vấn đề chẳng phải là văn hóa, mà là nhận thức và tình người, thế đấy.

Vì thế, tôi vẫn hy vọng, liệu người ta sẽ làm gì đó tốt cho cộng đồng, mà không nhất thiết phải liên quan đến người thân của họ chứ? Vẫn còn những người như thế chứ? Nhiều người như thế chứ?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG