> Lỗ Khê: Gian nan giữ nghiệp ca trù
Nghệ nhân Hoàng KỶ. Ảnh: Bình Minh. |
Đã bước vào tuổi 85, lại đang có căn bệnh khớp hành hạ không đi lại được, phải nằm trên giường, nhưng, khi nghe tin có khách tới thăm nhà để tìm hiểu về ca trù, cụ Hoàng Kỷ liền bật dậy, nhiệt tình, sôi nổi, quên cả bệnh tật, say sưa nói về nguồn gốc của điệu hát đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Cụ Hoàng Kỷ tự bạch rằng: cuộc đời tôi chia làm hai khúc rõ rệt, khúc đầu, hơn 40 năm tôi cầm súng bảo vệ biên cương. 17 tuổi(1945) tôi đã tham gia cách mạng, 21 tuổi được kết nạp vào Đảng rồi nhập ngũ đi khắp mọi miền biên giới, bao phen trực diện với cái chết, ăn bờ ngủ bụi để tiễu phỉ, xây dựng củng cố các cơ sở biên giới, cho tới năm 1988 được Nhà nước cho nghỉ hưu với hàm Đại tá Biên phòng. Kể từ đây bắt đầu là khúc thứ hai, tôi dành hết thời gian và tâm trí để nghiên cứu, tìm hiểu về ca trù.
Các bạn biết đấy, nơi tôi sinh ra là đất tổ của ca trù. Ngay từ thời còn nhỏ tôi đã rất thích theo mẹ đi xem và nghe hát ca trù. Mẹ tôi cũng là một đào nương cự phách của làng. Từ năm 12 tuổi, tôi đã theo học đánh trống chầu. Thời chinh chiến, có những đêm trên vùng biên giới, nằm nghe tiếng mưa rơi, tôi lại nôn nao nhớ điệu ca trù nơi quê nhà… Nói về ông Tổ ca trù ở Lỗ Khê, nghệ nhân Hoàng Kỷ cho hay, hiện tại ở Lỗ Khê vẫn còn nhà thờ Ca Công thờ tổ sư ca trù là Đinh Dự.
Trong nhà thờ, còn lưu giữ bản Ngọc phả do Đào Cử - hộ bộ Thượng thư, tiến sĩ khóa Bính Tuất (1466) biên soạn năm Hồng Đức thứ 7 (1476) có ghi rõ: “ông Đinh Lễ là bố ông Đinh Dự - Tổ sư ca trù ở Lỗ Khê. Đinh Lễ quê ở Động Hoa Lư, huyên Gia Khánh phủ Tràng An (nay thuộc Ninh Binh - PV). Vợ ông là bà Trần Minh Châu.
Đinh Lễ tòng Lê Lợi chống Minh, được Lê Lợi giao chỉ huy một đạo quân ra Bắc phòng thủ đánh chặn quân Minh ngay từ đầu khi chúng qua biên giới sang nước ta. Đinh Lễ đóng đồn ở Lỗ Khê. Hai vợ chồng đã sinh con trai tại Lỗ Khê vào ngày mùng 6 tháng 4 năm Quý Ty (1413), đặt tên con là Đinh Dự. Nối truyền nghề cầm ca của bố, từ nhỏ Đinh Dự đã say mê đàn hát. Khi mới 12 tuổi đã nổi danh trong vùng về đàn hát.
Một lần về quê cha đất tổ chơi, đến trang Đông Cứu có động Thiên Thai gặp một cô gái có nhan sắc “Trăng thẹn, hoa ghen”, Đinh Dự làm quen, được biết cô tên là Đường Hoa Tiên Hải (có tài liệu ghi là công chúa con vua Lê Thánh Tông? - PV) là người của giáo phường có nghề cầm ca, hai người hợp ý tâm đầu rồi kết duyên vợ chồng, sau đó cả hai người về Lỗ Khê mở học đường tại mảnh đất nhà thờ Ca Công bây giờ”.
- Thưa cụ, vì sao lại gọi là ca trù?
Người lính già mỉm cười rồi giải thích rất cặn kẽ: Khởi đầu điệu hát này chỉ hát ở nơi cửa đình. Các bạn có thể hiểu đó như là một “mâm cỗ tinh thần” mà những người lao động kính dâng lên các Thành hoàng, Thần linh, Trời đất. Đó là thể hiện tâm tư, nguyện vọng, lời tri ân tới các Đấng linh thiêng. Dần theo thời gian, các giáo phường phát triển thành 3 lối hát: hát cửa đình (tạm hiểu là “chính ca”), hát chơi (hát mừng nơi công sở, mừng khao cưới ở các gia đình), và hát thi (tổ chức thi hát giữa các giáo phường gồm có 3 công đoạn: chầu thi - chầu cầm - chầu phúc hạch, giải nhất thì gọi là thủ khoa, giải nhì gọi là á nguyên).
Sở dĩ gọi là ca trù, bởi vì theo thủ tục hát cửa đình thì khi làng nào có đám,hội, muốn mời giáo phường đến hát, trước hết phải mang lễ đến trình Tổ ở nhà thờ Ca Công rồi sau đó nêu nội dung với quản giáp (người đứng đầu giáo phường).
Quản giáp sẽ cử ông trùm đưa đào kép đến hát phục vụ. Phương thức thanh toàn bằng cách thướng (tính - đo đếm) thẻ tre, không bao giờ mặc cả tiền. Mỗi thẻ tre dài từ 25 - 30 cm, rộng 3cm một mặt ghi 3 chữ“Phúc - Lộc - Thọ”, mặt kia ghi số tiền.
Khi hát thì có một hương lý hoặc quan đám (tạm hiểu là “gia chủ”) cầm chầu (trống cái) và một quan đám đánh chiêng. Khi nghe một tiếng “cắc” trên tang trống và dơ dùi thẳng thì viên quan đám bỏ một thẻ tre vào mâm đồng, hai tiếng “cắc” liền thì bỏ 2 thẻ tre. Kết thúc buổi hát múa thì ông trùm kiểm lại số thẻ tre để làng trả tiền. Còn quan viên và khán thính giả, ai thưởng (tiền “bo”) thì đưa tiền mặt chứ không thướng bằng thẻ tre. Chính vì vậy, lối hát của đình còn gọi là hát thẻ hoặc là ca trù (trù trong tiếng Hán là thẻ tre).
Ngày trước, ca trù chỉ hát ở nông thôn, nhưng cho đến đầu thế kỷ 20 thì ca trù dần lan ra các đô thị, nhất là những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định v..v. Khi ra đến thành phố thì nội dung - ý nghĩa - hình thức của ca trù cũng dần biến dạng.
Thứ nhất về tên gọi cũng chuyển thành nhiều kiểu khác nhau như: hát nhà tơ (ám chỉ cây đàn có 3 dây bằng tơ được bôi sáp ong), hát nhà trò (vừa hát vừa gây trò), hát gõ, hát cô đầu… Ngay cả các “đào” cũng biến dạng, chủ yếu gồm: “Đào chủ” để chỉ những “Đào” vừa là chủ nhà hát, vừa tham gia hát để tiếp khách.
Thứ hai là “Đào mảnh” là những “Đào” có nhà riêng, có chồng con đàng hoàng, chỉ đến hát xong rồi về nhà.
Dạng thứ ba là “Đào rượu” vừa hát vừa “phục vụ” khách và sinh sống luôn tại nhà hát… Như vậy, từ một điệu hát ở các làng quê với ý nghĩa thanh cao vinh danh các Đấng Thành hoàng, Thần linh, khi ra đến chốn đô thành, ca trù đã phát triển theo nhiều xu hướng, thuận theo thời thế, thị trường…
- Nhắc đến ca trù, không thể không nhắc đến bài “Hồng Hồng - Tuyết Tuyết”. Cụ nghĩ sao?
Đắn đo một lát, lão nghệ nhân mỉm cười rồi nói: Tôi dám chắc là không nhiều người hiểu hết nội dung của bài hát này. Để tôi đọc nguyên văn ca từ của bài hát rồi ta cùng phân tích nhé:
“Hồng Hồng - Tuyết Tuyết
Mới ngày nào còn chưa biết cái chi chi
Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì
Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu
Ngã lang du thời quân thượng thiếu
Kim quân hứa giá ngã thành ông
Cười cười nói nói sượng sùng
Mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại
Riêng một thứ Thanh Sơn đi lại
Khéo ngây ngây dại dại với tình
Đàn ai một tiếng dương tranh?
Lời bài hát này vốn là của nhà nho, tiến sĩ Dương Khuê, nội dung đại để nói về chuyện tình của một ông già thích chơi trống bỏi (Đào Hồng, Đào Tuyết). Tác giả viết lời với hàm ý đả kích một tệ nạn. Tuy nhiên về mặt hình thức, đây có thể là một bài kinh điển của ca trù, thậm trí có người nói không sai rằng” phi Hồng Hồng Tuyết Tuyết, bất thành ca trù”.
Nếu chỉ để “hát chơi” thì tốt, nhằm phục vụ cho người nghe những giai điệu mượt mà, nức nở của ca trù. Thế nhưng, có lần người ta đem ra làm “chính ca” trong một cuộc thi do Nhà nước tổ chức về hát ca trù thì tôi thấy không ổn, tựa như trong cuộc thi tiếng hát Sao Mai điểm hẹn trên truyền hình, Ban tổ chức không bao giờ lại yêu cầu thí sinh hát những bài kiểu như “Tôi xa Hà Nội năm em mười sáu trăng tròn đắm say. Đôi tay ngọc ngà nâng đưa tình ái, em đong thật đầy…”.
- Vừa rồi, hình như có một học trò của cụ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về ca trù?
- Phải rồi, đó là cô sinh viên người Pháp Aliénor Anisensel. Cô ấy sang đây từ 2007, đến Lỗ Khê nằm cả tháng trời, cực kỳ chịu khó học từng nhịp phách, lời ca, nghiên cứu lịch sử ra đời từng giai đoạn thăng trầm của ca trù.
Về nước rồi, cô ấy vẫn gọi điện sang nhiều lần để hỏi thêm từng chi tiết, địa danh… Dạo tháng 1 vừa qua, cô ấy đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ đầu tiên về ca trù. Nhận được tin này, tôi rất mừng.
Nhưng không biết có phải vì tuổi già lẩn thẩn hay không mà sau đấy tôi lại lo lo, ngộ nhỡ sau này, con cháu muốn tìm hiểu về ca trù, lại phải sang tận bên Pháp để “ tham khảo” luận án tiến sĩ của cô sinh viên ấy…