Nữ họa sĩ hơn một thập kỷ đi dọc Bắc - Nam để vẽ 3.000 bức chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 11/4 tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (TPHCM), Thành đoàn, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM tổ chức ra mắt website Chân dung mẹ Việt Nam Anh hùng, giới thiệu hơn 3.000 bức chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng đã được số hóa.
00:00
/
Có lỗi xảy ra!.
Error code: 4

Clip giới thiệu website "Chân dung Mẹ Việt Nam Anh Hùng"

Website Chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng được Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý, thuộc Sở Khoa học Công nghệ TPHCM xây dựng từ tháng 1/2020, là một thư viện số lưu giữ hơn 3.000 bức chân dung do chính hoạ sĩ Đặng Ái Việt thực hiện trong suốt hơn một thập kỷ qua.

Sự kiện ra mắt website diễn ra vào sáng 11/4 là một trong những hoạt động thiết thực nhằm giáo dục truyền thống gắn với kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) đến đoàn viên, thanh thiếu nhi TPHCM.

Phát biểu tại chương trình, hoạ sĩ Đặng Ái Việt chia sẻ bà mong rằng những bức chân dung này không chỉ để ngắm, mà còn để nhớ, để biết ơn, và để thế hệ trẻ hiểu rằng độc lập - tự do hôm nay được đánh đổi bằng máu, nước mắt và cả cuộc đời của bao người mẹ.

Nữ họa sĩ hơn một thập kỷ đi dọc Bắc - Nam để vẽ 3.000 bức chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng ảnh 1

Hoạ sĩ Đặng Ái Việt kể lại hành trình hơn 10 năm rong ruổi từ Nam ra Bắc để phác họa chân dung những người Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Kể về chặng đường đặc biệt của mình, người họa sĩ sinh năm 1948 không giấu nổi xúc động khi nhắc lại ngày 19/2/2010 - cột mốc khởi đầu cuộc hành trình xuyên Việt đầy cảm xúc. Trên chiếc xe Chaly cũ kỹ, rồi sau này là chiếc Super Honda, bà đã lặn lội khắp mọi miền đất nước, từ Nam ra Bắc, để phác họa chân dung những người Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Với mức lương hưu 10 triệu đồng mỗi tháng, bà bảo: “Từng đó là đủ cho tôi đi khắp đất nước này rồi. Tôi chưa từng xin hỗ trợ từ bất kỳ ai. Mỗi lần gặp các mẹ, tôi đều gửi tặng họ cái ôm và nụ hôn".

Một câu hỏi mà họa sĩ Đặng Ái Việt luôn nhận được chính là câu chuyện của Mẹ Việt Nam anh hùng nào là đáng nhớ nhất?’.

Với bà, cuộc đời của mỗi mẹ đã là những trang sử bi hùng, không thể so sánh ai đau khổ hơn ai, mỗi câu chuyện là mỗi miền ký ức trong lòng bà. Hầu hết mẹ tuổi đã cao, không còn minh mẫn, nhưng nỗi nhớ con là điều không thể quên đi.

Nhắc về mẹ Đặng Thị Huề, họa sĩ chia sẻ cứ chiều chiều mẹ lại ra bờ tre trông con trở về. "Làm sao kể cho hết nỗi đau mất con ấy?" - người họa sĩ trăn trở.

Bên cạnh đó, để bày tỏ cho sự chân thành trong hành trình vẽ chân dung, họa sĩ Đặng Ái Việt kiên quyết không nhận tài trợ từ bất kỳ nguồn nào. Trong các chuyến đi, bà luôn dùng lương hưu của mình để trang trải. Bà mong rằng hành trình này là hành trình chạm đến trái tim, giúp an ủi vong linh các chiến sĩ đã ngã xuống. Nếu có khó khăn, thì bà xem đó như những thách thức để có thể rèn luyện, củng cố bản thân nhiều hơn.

Nữ họa sĩ hơn một thập kỷ đi dọc Bắc - Nam để vẽ 3.000 bức chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng ảnh 2

Chiếc xe đã gắn bó với họa sỹ Đặng Ái Việt xuyên suốt cuộc hành trình.

Tại chương trình, Trung tướng Phạm Văn Dỹ - Nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chính uỷ Quân khu 7, đại diện gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Xuyến - đã có những khoảnh khắc lắng đọng khi chia sẻ cảm xúc của gia đình khi được họa sĩ Đặng Ái Việt vẽ lại chân dung người Mẹ đáng kính.

Ông bày tỏ: "Việc số hóa những bức chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng không chỉ là cách gìn giữ hình ảnh, mà còn là cách lưu truyền những trang sử thi hào hùng của dân tộc. Qua nét vẽ đầy chiều sâu và cảm xúc của họa sĩ Đặng Ái Việt, gia đình như được nhìn lại chặng đường 50 năm trước đầy gian lao của Mẹ - người đã âm thầm nuôi dạy con giữa những năm tháng trường kỳ kháng chiến, để rồi lần lượt chứng kiến các con mình ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc".

Đối với Trung tướng Phạm Văn Dỹ, những nỗi đau tưởng chừng không thể nguôi ngoai ấy, qua thời gian và trong ký ức của gia đình, đã phần nào được xoa dịu khi có một niềm tự hào lớn lao - sự trọn vẹn khi đất nước được hòa bình, thống nhất.

Nữ họa sĩ hơn một thập kỷ đi dọc Bắc - Nam để vẽ 3.000 bức chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng ảnh 3

Trung tướng Phạm Văn Dỹ - Nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chính uỷ Quân khu 7, đại diện gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Xuyến - đã có những khoảnh khắc lắng đọng, chia sẻ cảm xúc của gia đình khi được họa sĩ Đặng Ái Việt vẽ lại chân dung người Mẹ đáng kính.

Ông Phạm Quốc Phương - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Hệ thống Thông tin Địa lý (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM) - kể rằng trong lần đầu gặp gỡ họa sĩ Đặng Ái Việt, khi ông đề xuất ý tưởng số hóa các bức chân dung, họa sĩ đã thẳng thắn nói: “Tôi không có tiền trả đâu nhé!”. Tuy nhiên, khi phía Trung tâm khẳng định đây là hoạt động tri ân, hoàn toàn phi lợi nhuận, bà đã đồng ý.

Từ cuộc gặp đó, trang web Chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng chính thức được xây dựng và ra mắt vào tháng 1/2020, trở thành bảo tàng trực tuyến lưu giữ những bức chân dung đặc biệt.

Sau 5 năm triển khai, Trung tâm đã số hóa khoảng 3.000 tác phẩm chân dung do họa sĩ thực hiện, đồng thời lưu trữ nhiều tư liệu liên quan đến hành trình bà đã đi qua.

Ông Phạm Quốc Phương cho biết mỗi khi họa sĩ Đặng Ái Việt di chuyển đến địa phương mới để vẽ, bà sẽ chủ động liên hệ. Trung tâm cử người đến xác định vị trí, thu thập dữ liệu, sau đó cập nhật lên hệ thống.

Về phía mình, họa sĩ Đặng Ái Việt bày tỏ sự xúc động khi nhận được sự hỗ trợ của thế hệ trẻ, đặc biệt là các cán bộ và đoàn viên thanh niên. Bà cho rằng chính sự đồng hành này đã giúp bà thêm vững lòng, tiếp tục theo đuổi con đường tri ân.

Nữ họa sĩ hơn một thập kỷ đi dọc Bắc - Nam để vẽ 3.000 bức chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng ảnh 4

Hành trình của họa Đặng Ái Việt luôn nhận được sự hỗ trợ của thế hệ trẻ, đặc biệt là các cán bộ và đoàn viên thanh niên.

MỚI - NÓNG
Bình luận