> Bộ nên làm rõ hơn việc sáp nhập
Vở “Bà chúa tuyết”- đạo diễn Tuấn Hải- từng lập kỷ lục diễn 6 suất/ngày dịp 1-6 và Trung thu 2010. |
Trong diễn biến mới, NSƯT Tuấn Hải, đạo diễn- diễn viên Nhà hát Kịch VN (ảnh nho) bày tỏ nỗi niềm quanh vụ sáp nhập vừa qua.
Cụ thể anh băn khoăn nhất chuyện gì?
Nhiều vấn đề lắm, nhưng tôi chỉ nói trước hết hai việc.
Thứ nhất là cách đặt cái tên khi sát nhập: “Nhà hát Kịch quốc gia” theo tôi chưa chính xác. Nhà hát kịch Việt Nam (tên cũ) bản thân nó đã là của quốc gia rồi. Bây giờ buổi biểu diễn gần đây nhất giới thiệu là “Nhà hát Kịch VN” thuộc “Nhà hát Kịch quốc gia”, nghe vừa lủng củng, vừa rối rắm vừa buồn cười.
Sao không lấy tên là “Nhà hát Nghệ thuật Quốc gia” chẳng hạn. Bởi trong thành phần của nó có cả Đoàn ca nhạc kịch câm của Nhà hát Tuổi trẻ ?
Các đoàn quốc tế sang làm việc có lẽ sẽ chẳng hiểu, tại sao lại có một loại hình sân khấu khác nằm trong Nhà hát Kịch quốc gia. Ngay cái tên đã chọn không chính xác nói gì việc khác.
Thứ hai là vụ bầu bán. Nếu Bộ đã áp đặt anh Lê Hùng làm giám đốc Nhà hát Kịch quốc gia, thì xin cứ tiếp tục áp đặt. Đừng bắt chúng tôi phải bày tỏ bằng phiếu tín nhiệm với các cuộc tiếp theo.
Nói thẳng ra là nếu có lấy phiếu tín nhiệm Ban giám đốc Nhà hát Kịch quốc gia thì anh Lê Hùng chưa chắc đã trúng, mà người đắc cử rất có thể là anh Vinh hoặc anh Nhuận kia (Thế Vinh, Trương Nhuận- NH Tuổi Trẻ).
Hiện nay theo “trát” của Bộ đưa xuống, BGĐ Nhà hát Kịch quốc gia có 4 người. Nhà hát Tuổi trẻ vừa bầu hôm 2-5 được 4 người nữa. Nhà hát Kịch VN bầu xong thì cũng được khoảng 4 người nữa (hoặc ít nhất 3 người).
Nếu cuộc bầu bán mấy lượt này mà xong thì số người thuộc Ban giám đốc Nhà hát Kịch quốc gia sẽ lên tới 12 người.
Đúng là một màn hài kịch! Mấy nhà hát đang chết ngơ chết ngắc, thê thảm chả bán được vé, mà Ban giám đốc mới lại những 12 người. Chả hiểu nghĩ thế nào mà lại “kiện toàn” bộ máy như thế ?
Nhiều nghệ sĩ đã bày tỏ thái độ và nguyện vọng với Bộ chủ quản, bản thân anh cũng vậy?
Tôi đề xuất Bộ VHTTDL giải thích công khai trước dư luận hai vấn đề:
Thứ nhất, nếu anh Lê Hùng vẫn quyết định như anh nói trên báo, là sẽ về hưu đúng ngày đúng tháng “giữ tôi lại khó lắm”, thì chúng tôi yêu cầu không sáp nhập nữa, bởi chỉ còn 4 tháng thì anh Hùng - chủ đề án sáp nhập này, về hưu và có tài thánh cũng không xoay sở được trong 4 tháng.
Thứ hai, nếu muốn sáp nhập, xin Bộ cho biết định giữ anh Hùng bao lâu? 5 năm, 3 năm hay Bộ dám phá luật công chức- giữ 1 năm, thì nói rõ để chúng tôi có niềm tin mà theo cái đề án “Nhà hát quốc gia”.
Ngoài ra, NSND Lan Hương và dư luận cho rằng việc tách nhập là thẩm quyền của Bộ Nội vụ, nhưng mới đây lại nghe một quan chức Bộ Văn hóa bảo Bộ Văn hóa cũng có quyền.
Trong khi chờ phân giải đúng sai thì phải chăng nên dừng tất cả lại không sáp nhập nữa? Giống như ngôi nhà đang có tranh chấp thì không được phép xây dựng tiếp, chờ quyết định đúng sai.
Đề cương, kế hoạch chưa có mà cứ lo đi bầu bán là nghĩa làm sao? Sao không làm cho xong đi đã, có đầu có đuôi.
Lâu nay đời sống và biểu diễn của nghệ sĩ Nhà hát anh thế nào?
Từ ngày anh Hùng về làm nhiệm vụ kiêm giám đốc hai nhà hát đến nay, không có gì thay đổi, thậm chí có phần ngao ngán hơn. Cả năm anh ấy đi dựng vở cho đoàn khác.
Với Nhà hát thì dựng được vài hôm rồi lại đi, thời gian sau quay trở về làm tiếp. Cứ đi đi về về như thế một vở dàn dựng đến bốn, năm tháng mới xong.
Diễn viên mỗi người được lĩnh tiền bồi dưỡng từ vài trăm ngàn đồng đến hơn một triệu đồng cho bốn năm tháng trời luyện tập, thử hỏi họ sống bằng gì? Các diễn viên trẻ trong diện hợp đồng còn khổ hơn nhiều. Nghệ sỹ kêu trời kêu đất.
Một năm Nhà hát dựng 3 vở thì anh Hùng làm cả 3. Dựng 4 vở anh ấy làm 4. Nếu dựng 5 vở thì anh ấy làm cả 5. Không chia bát cơm cho ai cả. Chỉ có anh ấy là thu nhập nhiều mà thôi.
Theo tôi, anh Hùng là người có tài, trước đây có những vở làm vô cùng tài hoa, xem hay lắm. Nhưng hiện nay không phải vở nào làm cũng hay, có vở phải nói là “tệ của tệ” bởi không đầu tư công sức thời gian và chất xám. Có vở làm chỉ trong 4 buổi, sửa chữa đầu chẳng dính với đuôi, xem thấy xấu hổ.
Trước đây Nhà hát Kịch Trung ương, sau đổi thành Nhà hát Kịch VN có niềm tự hào, hãnh diện vô cùng, ấy là hầu như các đoàn nghệ thuật trong cả nước đều đến xin bản quyền để dựng lại những vở lừng lẫy như: Nila, Nhân danh công lý, Vụ án Eroxtrat, Đôi mắt, Người mẹ trước vành móng ngựa…
Từ ngày anh Hùng về, anh ấy đem vở của các đoàn nghệ thuật địa phương (Hải Dương, Nghệ An) dựng lại cho Nhà hát, đáng buồn là còn không bằng của họ- theo những nghệ sỹ rất có uy tín nhận xét.
Việc làm này- dựng lại vở của đoàn tỉnh- không phải truyền thống đáng tự hào của Nhà hát Kịch VN.
Đạo diễn Lê Hùng nói rằng đề án sáp nhập hai nhà hát của anh ấy là cuộc trốn chạy xu hướng xã hội hóa của Nhà nước, rằng nếu không sáp nhập thì số phận Nhà hát Tuổi trẻ nguy to?
Nếu đúng như thế, nhà nước đã có chủ trương mà anh ấy cố tình đi ngược lại?
Điều này trước tiên để Nhà hát Tuổi trẻ trả lời.Việc sáp nhập hai nhà hát tôi thấy như một cuộc hôn nhân cưỡng bức mà hai bên chả ai thấy vui.
Người nào cũng thấy mình bị xúc phạm, bị coi thường, thấy mình thiệt thòi, “tao phải gánh mày mày phải gánh tao”. Thử hỏi có nên không?
“Hôm 5-4 nghệ sĩ hai nhà hát tập trung lại để nghe quyết định sáp nhập. Nhìn các gương mặt thất thần ngơ ngác, ối giời ơi buồn cười quá! Nếu là nhu cầu tất yếu, xu hướng tất yếu sáp nhập để lớn mạnh lên thì phải vui sướng, rộn ràng, tràn trề hy vọng chứ. Đằng này buồn thỉu buồn thiu chả ai nói câu nào. Đây là cuộc hôn nhân cưỡng bức mà không ai thích cả, may ra có một người thỏa mãn là anh Hùng. Trót đăng ký kết hôn nhưng ai vẫn ở nhà ấy, cơ sở vật chất không có thì kết hôn để làm gì?” - NSƯT Tuấn Hải |