“Sắp diễn một vở kịch mà không biết mình sẽ diễn cái gì là một cảm giác thật kỳ lạ”, hai diễn viên Phan Ý Ly và Hồ Ngọc Bảo Khiêm phát biểu cảm tưởng trước đêm diễn đầu tiên của vở Người lạ. Với sân khấu không kịch bản, diễn viên cũng có thể coi là tác giả kịch bản, và kịch bản được viết ngay khi đang diễn.
Vở diễn không kịch bản
Tối 5-4, hai diễn viên vào vai hai nghệ sĩ múa, một nam một nữ, cùng nhau tập luyện cho một buổi diễn. Những va chạm và hấp dẫn giới tính đã xảy ra trong khoảng thời gian làm việc chung này. Rất nhiều xung đột, cãi vã nhen nhóm, đưa tới cao trào và cuối cùng dẫn đến một kết thúc lãng mạn với nhiều tình huống hài hước.
Đến xem kịch, khán giả được phát một loạt tờ giấy ghi câu hỏi và yêu cầu viết câu trả lời trước khi buổi diễn bắt đầu. “Điều gì không thể thay đổi ở một người đàn ông/ đàn bà?”, “Điều gì gây ra xung đột giữa đàn ông và đàn bà?”… là những đề bài mà người thực hiện đưa ra, để khán giả trả lời. Và các câu trả lời chính là chất liệu để diễn viên sử dụng cho phần diễn xuất ngay sau đó.
Sau khi đọc các câu trả lời, Phan Ý Ly và Bảo Khiêm ngay lập tức động não và tìm ra ý tưởng diễn xuất. Kết quả của quá trình này chính là vở kịch được hai diễn viên mang đến cho khán giả, chỉ vài phút sau khi được cung cấp chất liệu diễn.
Có một cảnh đầu vở, Bảo Khiêm bước ra sân khấu và dán đầy băng dính lên mặt, che hết mắt, mũi, tai… Giải thích cho cảnh này, anh nói vừa đọc một câu hỏi về khuyết điểm của đàn ông và có một câu trả lời là tính ích kỷ. Đoạn diễn dán băng dính chính là cách diễn viên phản hồi về câu trả lời này, ý nghĩa là: “Chỉ khi người đàn ông bịt kín mọi giác quan của mình, không nghe, không thấy, không cảm nhận, tức là hoàn toàn vô cảm, thì anh ta mới hết ích kỷ”.
Nhiều câu trả lời khác như “Điều không thể thay đổi ở người đàn ông là tình yêu dành cho mẹ” hay “Điều gây ra xung đột giữa đàn ông và đàn bà là thói muốn sở hữu” đã trở thành cảm hứng cho hai diễn viên khi xây dựng tính cách nhân vật.
Chẳng hạn, nhân vật nam bày tỏ ý định sở hữu, kiểm soát nhân vật nữ sau khi được bật đèn xanh trong chuyện yêu đương, khiến cô gái, vốn cá tính và thích độc lập, trở nên tức giận và quát tháo anh ta. Cô gái, lớn tuổi hơn chàng trai và thường xưng hô bỗ bã, nói: “Mày không đẻ ra tao, việc gì mà mày đòi sở hữu tao?”.
Sân khấu không kịch bản đặc biệt chú trọng sự tham gia của khán giả. Không chỉ theo dõi và cảm nhận nội dung vở diễn giống như kịch thông thường, khán giả còn tham gia xây dựng nội dung, phản hồi trực tiếp, đối thoại với nhân vật trên sân khấu và thực sự ảnh hưởng nhân vật và câu chuyện. Khi nhân vật của Phan Ý Ly nói về thành công trong cuộc sống của bản thân và liên tục yêu cầu vỗ tay, khán giả thể hiện sự không phục bằng cách không làm theo. Tiếng vỗ tay lác đác nói lên chính kiến của người xem, và bản thân Ý Ly sau đó cho rằng cách phản ứng đó vô cùng thú vị.
“Điều khác biệt ở sân khấu không kịch bản là khán giả sẽ sống với cảm xúc của diễn viên trong từng khoảnh khắc một, chứ không phải xem diễn viên diễn trên sân khấu và cảm nhận theo cảm xúc của họ”, Bảo Khiêm nói.
Nội dung thay đổi liên tục
Tất nhiên, chất liệu của một vở diễn không chỉ đến từ những câu trả lời chớp nhoáng của khán giả. Trải nghiệm của diễn viên đóng vai trò quan trọng, và họ sẽ bộc lộ bản thân mình rất nhiều trong vở diễn. Bảo Khiêm thừa nhận, những ham muốn tình dục của nhân vật nam cũng tương tự ham muốn của anh ngoài đời thực.
Nhân vật của anh có một cảnh nhảy múa khi mặc chiếc quần lót đính dương vật giả, thể hiện khao khát về tình dục, và đó là câu trả lời của anh cho câu hỏi của đạo diễn về tâm tưởng người đàn ông.
Các diễn viên diễn gì trong những buổi tập cho một vở diễn không kịch bản là điều nhiều người thắc mắc. Chính là rèn luyện khả năng ứng tác và khám phá trải nghiệm của chính mình, của bạn diễn để đưa chính những trải nghiệm đó lên sàn diễn.
“Chúng tôi đã cắp sách đi học về chính mình, trả lời những câu hỏi như ‘Từ khi nào anh/ chị cảm thấy mình thực sự là đàn ông/ đàn bà?’, lấy chính đó làm đề tài để tạo nên câu chuyện khi tập”, Phan Ý Ly cho biết.
Nói về các vở diễn thông thường có kịch bản viết sẵn, nữ nghệ sĩ từng sáng lập sân khấu thử nghiệm Nháp cho rằng: “Việc phải ghi nhớ kịch bản, lời thoại, chạy theo thứ tự đã choán hết mọi sự sáng tạo”. Quyết định diễn ngẫu hứng toàn bộ được ê kíp đưa ra vào 11h đêm 4-4, chỉ một ngày trước buổi diễn đầu tiên, sau nhiều suy tính.
Bản thân Người lạ cũng là một vở kịch sống, mỗi đêm diễn là một câu chuyện mới. Đêm đầu tiên, hai nhân vật là nghệ sĩ múa, còn khi tập, theo tiết lộ của diễn viên, các vai đã liên tục thay đổi, lúc thì là một cặp vợ chồng mâu thuẫn, lúc thì tình yêu thời thơ ấu giữa hai đứa trẻ.
Mỗi ngày, ê kíp đều thay đổi kho đạo cụ, kho nhạc, âm thanh để làm mới cảm xúc, ý tưởng, bởi không thể nào không có sự lặp lại qua những lần diễn, dù có cố tránh. Chỉ có chủ đề, vẫn không thay đổi, là đàn ông - đàn bà và vai trò giới tính mà họ nhận lãnh.
Vở Người lạ do nghệ sĩ sân khấu người Anh Robert Hale và Phan Ý Ly đồng đạo diễn, diễn ra trong ba đêm từ 5 đến 7-4, mở cửa tự do nhưng phải đăng ký trước. Không gian diễn là sân khấu Black Box của Phan Ý Ly ở tầng hai số 56 Nguyễn Khuyến, Hà Nội. Mỗi đêm diễn có gần 100 khán giả, ngồi chật kín phòng. Sau khi ra mắt tại Hà Nội, các nghệ sĩ mong muốn tiếp tục đưa vở diễn đến nhiều nơi khác.