> Thu hồi 'Sát thủ đầu mưng mủ'
như Nguyễn Trọng Tạo, Đoàn Tử Huyến, Trần Thị Trường, Phạm Lưu Vũ, Đặng Thân, Đào Bá Đoàn… Nhưng rất ít người biết tác giả của cuốn “thành ngữ sành điệu bằng tranh” này là ai.
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng. |
Cuốn sách Sát thủ đầu mưng mủ mới ra đời đã trở thành một hiện tượng xuất bản với giới trẻ và sau đó lan ra cả xã hội. Xuất hiện nhiều tranh cãi, người xem kẻ chê, nhưng điều có thể ghi nhận là nhiều bạn trẻ thích thú chuyền tay nhau xem vì cuốn sách phản ánh một phần cuộc sống của họ.
Tôi gặp Nguyễn Thành Phong trong một cuộc bia hơi gần “hồ quan hệ” (tên vui vui của cái hồ đối diện với Học viện Quan hệ quốc tế - đường Chùa Láng, Hà Nội). Cùng bàn là nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh, nhà văn Hoàng Tô.
Trước đó, xem Sát thủ đầu mưng mủ và thử tưởng tượng ra tác giả của nó, có thể nghĩ đến một chàng trai láu lỉnh, nổ như liên thanh, tất nhiên là toàn những câu kiểu “đã ngu còn cố tỏ ra nguy hiểm” hay “nếu không yêu hãy tỏ ra yếu sinh lý”, tóm lại là rất “tào lao bí đao” và dĩ nhiên bề ngoài thì phải “sành điệu củ kiệu”. Nhưng rất khác với hình dung kiểu đó, khi gặp Thành Phong, chỉ thấy một anh chàng thư sinh có hàm răng hơi khểnh, vẻ kín đáo, mang ba lô dáng bận rộn.
Điều bất ngờ là Phong học khoa Hội họa - ĐH Mỹ thuật Việt Nam và vừa tốt nghiệp năm 2009 với bằng giỏi. (Nói bất ngờ là vì nhiều người nghĩ vẽ tranh vui tranh biếm thì dễ và không học cũng xong). Chàng trai sinh năm 1986 này là “con nhà nòi”, bố là nhà điêu khắc còn mẹ là họa sĩ, họ đều đang dạy ở các trường mỹ thuật uy tín tại Hà Nội.
Nói về sự nghiệp hội họa, Phong đã tham gia triển lãm nhóm 5-6 lần trong nước và tham gia triển lãm cả ở Singapore, Tây Ban Nha. Nhưng anh nói: “Hội họa ở Việt Nam có phần đang loay hoay, hoặc là chính mình đang chưa tìm ra hướng. Nhưng truyện tranh, hí họa, biếm họa thì mình lại thấy rất gần gũi và cảm thấy có con đường rõ rệt hơn”. Anh càu nhàu khi kể chuyện ông bố đã lấy tranh của anh gửi đi dự một cuộc thi ở Thủ đô, và “nó được một cái giải gì đó, nhưng mình có thích triển lãm ấy đâu?!”
Nguyễn Thành Phong, sinh năm 1986, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật; Hiện sống và làm việc tại Hà Nội; Đã đoạt giải đặc biệt trong cuộc thi truyện tranh và phim hoạt hình châu Á; Tham gia một số triển lãm hội họa nhóm trong nước và quốc tế. Ảnh: Lê Lan. |
Nói về cuốn sách đang bị nhà xuất bản Mỹ thuật tạm thời thu hồi để thẩm định, Phong có vẻ lạc quan: chỗ nào còn thiếu sót thì sửa thôi mà. Anh buồn rầu với việc vi phạm bản quyền khi nhiều trang mạng copy toàn bộ nội dung sách đưa lên. Các câu thành ngữ mới đều từ đời sống mà ra.
Để thực hiện cuốn sách, có một nhóm do Công ty Nhã Nam lập ra tư vấn cho Phong trong việc chọn những câu thành ngữ mới hot nhất bằng cách dùng google để tìm xem có bao nhiêu kết quả trên mạng. Chính vì thế nên cũng có những câu Phong chưa thích lắm khi “công việc đơn giản chỉ là diễn họa từ câu chữ”, kiểu như “ngon lành cành đào”, “khôn như con chồn”, “dốt như con tốt”... nhưng có những câu đã làm Phong cảm hứng và có những tác phẩm rất tốt như: “dã man con ngan” (gợi hứng từ việc bảo mẫu hành hạ trẻ con), “lạnh lùng con thạch sùng” (từ việc cảnh sát giao thông mãi lộ).
Bản thân Phong cũng rất thích những tranh này, thêm cả “ác như tê giác”, “ăn chơi sợ gì mưa rơi”, “cái khó ló cái ngu”, “đâu có đó thịt chó có mắm tôm”, “ngốc như con ốc”... Anh tiết lộ, một trong những trợ thủ đóng góp nhiều ý tưởng là... người yêu (nick Gà Ry, trên trang đầu cuốn sách) và cô ấy cũng là họa sỹ. Để làm cuốn sách, Phong nói phải mất 3 tuần tìm ý tưởng, và vẽ trong 10 ngày làm ngày làm đêm.
“Hài không phải là phóng đại, bóp méo gây cười, mà hài nằm ngay trong thực tế đời sống. Có những cái hài cười xong rồi chảy nước mắt. Tôi nghĩ hài không phải là gây cười hời hợt mà phải có nội dung gần với đời sống xã hội thì mới đi được vào lòng người”. - Họa sĩ Nguyễn Thành Phong. |
Vào trang blog của Thành Phong, xem các phản hồi thấy nhiều bạn trẻ rất hào hứng với cuốn sách. Nick Cày Cuốc nói: Hay như đang quay tay, nick KLBC viết: cuốn này lót gối đầu giường được quá à nha… Có nhiều nhà nghiên cứu cũng ghi nhận thành công bước đầu của cuốn sách, như PGS - TS Phạm Văn Tình thấy “thú vị với mảng tục ngữ mới được sưu tầm ở đây”, GS Trần Trí Dõi nhận định hiện tượng ngôn ngữ được ghi nhận trong cuốn sách “là bình thường” và khẳng định đây là biểu hiện “sức sản sinh từ ngữ trong tiếng Việt”…
Phong thì nói, anh thích gọi cuốn sách là “thành ngữ đương đại bằng tranh” thay cho dòng chữ “thành ngữ sành điệu bằng tranh”. Và khi vẽ một trang này cũng như viết một trang nhật ký, lưu giữ những ký ức trong những câu nói thân thuộc. Để một vài năm sau, nhìn lại lát cắt nhỏ đã cũ của cuộc sống ấy, và thấy cuộc sống đã chảy trôi...
Cách đây ít lâu, hai tập của bộ truyện tranh Orange dày 400 trang của Thành Phong được ấp ủ, đầu tư công phu từ năm 2005 đã ra mắt và được độc giả trẻ đón nhận (cuốn sách phản ánh cuộc sống của người trẻ xung quanh môn thể thao bóng rổ). Thậm chí, cuốn sách còn góp phần tạo ra một cơn sốt màu cam (màu của trái bóng rổ) trong giới trẻ.
Trước đó, Thành Phong cũng đã bắt đầu nổi danh trong giới trẻ qua các truyện tranh như: Long thần tướng; Phù thủy sợ ma; Bốn anh tài; Nhi và Tũn; Cậu bé và máy bay giấy…
Phong yêu thích truyện tranh từ lâu. Năm 2004, ngay lúc vào đại học năm thứ nhất, anh cùng với một người bạn lập ra một nhóm tham gia cộng tác với công ty Phan Thị (một công ty chuyên làm truyện tranh với phong cách sáng tạo, hài) và ấn bản Truyện tranh trẻ (nxb Trẻ).
Đang sôi nổi, bỗng Phong buồn buồn: “Chỉ tiếc là phong trào vẽ truyện tranh không được dài hơi”. Nhưng Phong và một số ít họa sỹ trẻ vẫn đam mê và kiên trì đi theo dòng truyện tranh. Anh đã có nhiều tập truyện tranh được xuất bản, trong đó nhiều truyện được đưa đi triển lãm, được xuất bản ở các tạp chí nước ngoài. Truyện Người hóa hổ của anh đã đoạt giải đặc biệt trong cuộc thi truyện tranh và phim hoạt hình châu Á.
Gặp Nguyễn Thành Phong mà hỏi về truyện tranh là “gãi đúng chỗ ngứa”. Anh đau đáu vì thị trường Việt Nam còn bỏ ngỏ mảng sách tranh dành cho độc giả tuổi mới lớn. Trong khi các nước phát triển như Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp… đều rất phát triển rất mạnh. Hậu quả là nhiều bạn trẻ phải tìm đọc truyện tranh online của nước ngoài.
“Khá thú vị và thiết thực nhưng vẫn có những chỗ chưa phù hợp về văn hóa khiến không ít phụ huynh tá hỏa. Việc của chúng tôi là làm những truyện tranh phù hợp với bạn trẻ người Việt, phong tục tập quán Việt”.
Chọn đường khó cho mình
Một hướng đi mà Phong đang trăn trở là làm truyện tranh dành cho người lớn. Anh chia sẻ: “Ở nước ngoài, với người lớn, truyện tranh cũng được chia ra theo lứa tuổi, giới tính…, rất khoa học”. Trong lĩnh vực này, Thành Phong thích làm những truyện tranh cho người lớn đề cập đến các vấn đề xã hội, không phải thứ vui vui giải trí. Anh còn làm những truyện tranh ngắn có tính châm biếm. Một con đường không hề dễ dàng. Chưa nói đến việc phải rèn để giỏi tay nghề là chuyện đương nhiên, vẽ kiểu này là dễ sinh ra kẻ thù. Người xem tranh thì thích với những nét tinh tế biểu ý sâu cay, nhưng người bị đả động đến thì ghét cay ghét đắng. Vậy là Phong đã chọn con đường khó cho mình. Người họa sỹ ở đây đã làm một thứ nghệ thuật có thái độ, dĩ nhiên đó là thái độ đứng về phía chính nghĩa, đứng về phía tiến bộ xã hội. Nhiều tác phẩm của Phong đã đưa lên mạng được rất nhiều người xem và ủng hộ. Thành Phong còn đang nuôi kế hoạch sáng tác “tiểu thuyết bằng tranh”, Nếu kế hoạch này thành công thì văn hóa đọc cũng phong phú thêm một bậc (hay phải gọi là “văn hóa xem”?). Anh cũng chia sẻ, anh bắt đầu có cảm hứng khi đọc Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh và truyện ngắn Vũ trụ khôn cùng của Bùi Ngọc Tấn, đọc xong cứ nao nao, xót xa, xuất hiện ý tưởng, muốn vẽ… Nhưng để thể hiện ra không hề đơn giản. Anh nói, cũng đã tìm đọc những cuốn sách của vài tác giả trẻ được PR rầm rộ xem họ viết về cái gì. Nhưng anh thất vọng, vì chúng nhạt nhẽo, “lều phều” quá, không gợi nổi một chút cảm hứng nào. |