Dân thường Nguyễn Long - Tác giả  bài thơ 'Thường dân':

“Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân”

“Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân”
TP - Tác giả của Thường dân trở thành nhân vật của “Hỏi chuyện một người dân”, nhưng không hề nói về thơ mà lại nói về Thường dân nguyên nghĩa.
“Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân” ảnh 1

Trong cuộc thi thơ lục bát năm 2003 có bốn vạn bài thơ dự thi. Một  dân thường tên là Nguyễn Long ở  tỉnh Thái Bình dự thi bài Thường dân và được trao giải nhất.  Ngày ấy, người ta chuyền tay nhau bản phôtô để đọc. Tác giả của Thường dân trở thành nhân vật của “Hỏi chuyện một người dân”, nhưng không hề nói về thơ mà lại nói về Thường dân nguyên nghĩa.

+ Khi bài thơ “Thường dân” của ông  được trao giải nhất báo Văn nghệ trẻ, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, thành viên ban giám khảo cuộc thi có lời bình: “Bài thơ nói những điều ai cũng thấy, cũng biết mà không biết nói thế nào cho thành thơ và... không sai chính trị”. Theo ông, thường dân làm thế nào để nói về nỗi khổ của mình mà không sai chính trị?

- Tôi nghĩ chỉ có những lời nói cũng như những việc làm chống lại Nhà nước, chống lại quyền lợi của dân tộc thì mới gọi là sai chính trị, chứ nếu dân còn đói, còn khổ, cuộc sống còn những bất công... mà nói đúng như vậy thì không thể gọi là sai chính trị.

Trường hợp có người nói không đầy đủ hay chưa đúng là phản ánh sai thực tế chứ không phải sai chính trị. Còn nếu như những ai không hiểu hoặc cố tình quy chụp thì lại là chuyện khác.

+ Nhưng  thường dân rất khó nói về những nỗi khổ của mình mà thường phải có người khác nói hộ?

- Thường dân là lớp người thấp cổ bé họng, có khổ thì chỉ biết kêu trời chứ biết nói với ai, mà có nói chắc gì người ta đã nghe. Chỉ những kẻ sĩ, những nhà báo, nhà văn... có lương tâm và trách nhiệm với dân thì mới có điều kiện nói thay họ thôi.

+ Viết bài thơ “Thường dân” chắc ông thấm nỗi khổ và  muốn nói hộ nỗi khổ  thường  dân. Theo ông, nỗi khổ của thường dân bây giờ là gì?

+ Tôi thấy hầu như đã là người thì ai cũng đều thấm nỗi khổ của dân thường, bởi thường dân là những người không có quyền chức gì trong xã hội. Và ai cũng phải có lúc, có thời phải làm dân. Chỉ có điều cái sự thấm ấy ở mỗi người khác nhau mà thôi.

Bản thân tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn, tuổi thơ đã phải gánh phân, cắt cỏ, bốc bùn, đã từng ăn đói mặc rách. Lớn lên đi bộ đội rồi về làm anh cán bộ nhà nước nhưng cuộc sống và tình cảm vẫn gắn với quê nên những nỗi khổ, vất vả của người dân, nhất là nông dân vẫn gắn với mình.

Còn nỗi khổ của người thường dân thời nay chủ yếu vẫn là sự nghèo khó. Cuộc sống vật chất của mọi người dân nếu so với vài chục năm về trước thì đã khấm khá hơn nhiều nhưng so với mặt bằng xã hội rộng lớn thì lại có sự chênh lệch quá xa.

Đất nước ta 70-80% dân số vẫn là nông dân và không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập đầu người sống bằng nghề nông ở nhiều nơi chỉ vài ba triệu đồng một năm. Anh thử hình dung người ta sống ra sao với mức thu nhập ấy khi ốm đau bệnh tật, thiên tai bão gió... ập đến bất cứ lúc nào.

Tôi nghĩ, bây giờ chẳng phải đi đâu xa, ai ốm đau phải một lần vào bệnh viện, phải đưa con đến trường học không ở diện lắm tiền thì đều thấm nỗi khổ của thường dân.

+ Nói thường dân khổ, nhưng thường dân họ cũng có nhiều cái sướng hơn khối quan chức. Ông có thấy vậy không?

- Sướng, khổ là quan niệm và cuộc sống riêng của từng người nên rất khó nói cho chính xác. Nhưng tôi ít thấy có ông bà quan chức nào vất vả, khổ ải theo nghĩa thông thường hơn dân cả.

Hầu như đã là người thì ai cũng đều thấm nỗi khổ của dân thường, bởi thường dân là những người không có quyền chức gì trong xã hội.

+Vậy nếu được lựa chọn, chắc ông sẽ muốn làm quan hơn là thường dân?

- Tôi tin mọi người cũng vậy, nếu được chọn chẳng ai lại không chọn làm quan. Những bậc thánh nhân ngày xưa như Khổng Tử , hay kẻ sĩ, mưu sĩ như Nguyễn Trãi... cũng đều muốn làm quan. Đó là mong muốn đẹp đẽ và cao cả. Chỉ có điều làm quan thế nào và làm quan trong thời thế nào mà thôi.

+ Làm quan phải phấn đấu nhiều, nhưng muốn là thường dân  đích thực cũng không  dễ. Vì sao ông lại viết “Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân”?

-  Thường dân là lớp người chịu thiệt thòi và vất vả nhất trong xã hội. Cứ nhìn người ta sống thì thấy, họ đi làm quần quật, lam lũ suốt ngày, ráo mồ hôi là hết tiền. Thế mà đại bộ phận họ sống vẫn an nhiên vui vẻ, vẫn ăn ngon ngủ yên, khỏe mạnh. Ở một khía cạnh nào đó họ sướng bởi tâm nhàn hơn cả những người có quyền, có tiền đấy thôi.

MỚI - NÓNG