Thời Tây thì đã đành, khi Lưu Hữu Phước viết ca khúc yêu nước Người xưa đâu tá liền bị sở kiểm duyệt cấm. Ngay cả khi người bạn của nhạc sĩ mách nước đổi tên thành Cầu nguyện Hai Bà và đặt lời khác thì buổi trình diễn tại giảng đường ĐH vẫn nhận được lệnh cấm trước lúc biểu diễn.
Nhạc trưởng Trần Văn Khê đã có sáng kiến cứ chơi nhạc mà không hát, “vì chỉ cấm hát lời chứ không cấm tấu nhạc”. Nhưng sau buổi đó, cả hai ông vẫn bị sở mật thám làm rầy rà. Kịch thơ Kiều Loan của Hoàng Cầm cũng bị ách lại như vậy.
Đến thời ta tuy không có chủ trương kiểm duyệt, nhưng do những ấu trĩ về chính trị của một số người nên ngay trong những ngày Nam Bộ kháng chiến, nhạc sĩ Lê Trực mang theo những bài hát của mình, trong đó có Tiếng còi trong sương đêm từ Sài Gòn ra với chiến khu, liền được nghi là “phản động”, bắt giam ngay và mất 3 tháng ròng đi “lao động cải tạo”. May có anh em đồng nghiệp phát hiện và bảo lãnh, Lê Trực mới được tha và trở về tổ quân nhạc.
Ngoài cái hận của người nô lệ da vàng, chắc cũng có cả một chút cái hận không ai hiểu lòng yêu nước của mình, Lê Trực đã lấy bút danh là Hoàng Việt Hận để sáng tác.
Sau do anh em khuyên mãi, Hoàng Việt đỡ căng đi, mới xóa chữ Hận, để lại bút danh Hoàng Việt thơm phức trong lịch sử tân nhạc VN. Sau những Lá xanh, Lên ngàn, Nhạc rừng, Mùa lúa chín, khi tập kết ra Bắc, học Trường Âm nhạc VN khóa đầu tiên, Hoàng Việt viết Tình ca mà ca từ được hoàn thiện từ những dòng tâm huyết anh viết lại cho vợ ngày chia tay ở biển Cà Mau.
Vậy mà khi Tình ca được Quốc Hương trình diễn lần đầu tiên tại HN, đã có ý kiến của những nhạc sĩ - trong đó có cả nhạc sĩ thời Tây đã bị kiểm duyệt bài hát và bị cấm kể trên - rằng ca từ bài hát có vẻ bi lụy, yếu đuối...
Vậy là Tình ca lại được lưu kho khá lâu. Mãi tới khi Hoàng Việt học Bulgary về với giao hưởng Quê hương, rồi vào chiến trường và hy sinh cuối 1967, Tình ca mới dần dà được giải tỏa theo cách “loang dần”.
Cũng thời kỳ này, trước Hoàng Việt và nặng nề hơn Hoàng Việt là Đoàn Chuẩn. Mừng HN giải phóng và góp phần kêu gọi đồng bào miền Bắc không di cư vào Nam, Đoàn Chuẩn đã viết một tình khúc về mùa xuân HN rất đặc sắc là Gửi người em gái miền Nam.
Bài hát đã được tài tử Ngọc Bảo thu thanh tại Đài Tiếng nói VN. Khi phát trên làn sóng điện, lập tức Gửi người em gái… nhận được những ý kiến phê bình rằng lời lẽ vừa ủy mị vừa vô chính trị(!), vì muốn có thống nhất thì phải đấu tranh, không làm gì có chuyện “rồi ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngờ” viển vông như thế.
Sự phê phán này đã khiến nhạc sĩ Đoàn Chuẩn không còn đủ cảm xúc để tiếp tục con đường sáng tác âm nhạc nữa. Ông đã dừng hẳn sáng tác.
Cũng thời kỳ này, sau Hoàng Việt, Phạm Tuyên viết hợp xướng Miền Nam anh dũng và bất khuất cho Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói VN trình diễn trên làn sóng hồi mùa thu 1960. Một hợp xướng hừng hực tinh thần cách mạng như vậy mà có cán bộ lãnh đạo khi nghe ca từ Máu thắm máu kêu trả máu/ Đầu oan kêu trả đầu cũng đặt ra câu hỏi: “Cái ấy định đòi ai để trả nợ máu đây?” May cho Phạm Tuyên, ca từ nói trên là lấy từ diễn ca 30 năm đời ta có Đảng của Tố Hữu.
Cũng vì những nhận định “lửng lơ” về ca từ như thế mà Tình em của Huy Du sau công diễn cũng “bỏ xó” hơn chục năm. Cũng vì những ám chỉ ác nghiệt như vậy mà những sáng tác của Vũ Ngọc Quang như Nón bài thơ, Gửi người em gái An-giê, hay của Thái Quý như Tiếng hát trên tiền tiêu Tổ quốc đều bị liệt vào loại có vấn đề.
Vũ Ngọc Quang vì uất quá mà bỏ hẳn đam mê âm nhạc, chuyển sang dịch tiếng Pháp. Thái Quý thì từ đó ít cảm hứng đi, không thể thăng hoa như Tiếng hát trên tiền tiêu Tổ quốc được nữa.
Cũng vì những cái án không thành văn như thế mà Bài ca tâm tình người thủy thủ của Hoàng Vân - thơ Hà Nhật, đã bị cấm như cấm nhạc vàng. Hoàng Vân đã lao đao, Hà Nhật sống ở Quảng Bình còn lao đao hơn nữa suốt một thời chống Mỹ.
Sau ngày thống nhất đất nước ít lâu, thời điểm nổ ra chiến tranh biên giới, cái sự suy xét về ca từ vẫn cứ rất nặng nề, tuy không làm ảnh hưởng nhiều tới người sáng tác nhưng cũng vẫn làm họ buồn. Lại nghe những lời thầm thì về Đợi anh về của Hoàng Việt - thơ Lê Giang, Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui của Trịnh Công Sơn và Đi qua vùng cỏ non của Trần Long ẩn…
Đến thời kỳ Đổi mới, một loạt những sáng tác của Trần Tiến trong chương trình Trần trụi 87 đã khiến anh khá vất vả. Tất cả những ý kiến này nọ đều bắt đầu từ ca từ.
Ngay gần đây, khi chương trình Nhật thực I của nhạc sĩ Ngọc Đại ra mắt, cũng bị ách lại một số ca khúc với ca từ là thơ Vi Thùy Linh, trong khi đầy rẫy ca từ vô lối của nhiều nhạc sĩ trẻ cứ rầm rập diễu hành qua các sàn diễn và các phương tiện thông tin đại chúng.
Đến bây giờ, việc xét nét này đã bớt đi nhiều thì buồn thay cho những nhạc sĩ hôm nay, đa số họ đã không có đủ vốn văn học cần thiết để làm ca từ hay cho những thứ rock-rap mà họ đang “gào” lên có vẻ hiện đại, trẻ trung. Những nhạc sĩ đủ vốn văn học hoặc đã già, hoặc có thể đã bị những ám ảnh kia...
Và cứ thế, nhìn chung ca khúc Việt nếu không phổ hoặc phỏng thơ thì ít ai có thể tạo ra những ca từ hay như Văn Cao, Trịnh Công Sơn… Nếu có chỉ là một vài bài giữa biển ca khúc Việt mênh mông.