Nghe Ái Vân cập nhật về bản thân thấy chị vẫn dịu nhưng lần gặp này, thoáng thấy hoang mang hơn. Có phải vì nhan sắc Hà Nội ấy vẫn chưa chịu già đi, đến đâu vẫn “sáng một góc trời” như ngày còn là mỹ nhân phố Huế.
Sau chừng ấy năm ca hát, nay chị mới có DVD đầu tiên, có phải là quá muộn màng? DVD này chỉ một dòng hay “hợp lưu”- pha trộn các phong cách của chị?
Ra DVD bây giờ là đúng lúc đấy bởi trước kia Vân không hề thu xếp được thời gian cho một album của riêng mình, bây giờ là thời điểm thích hợp để thực hiện DVD Ái Vân - Về lại chốn xưa như một lời tri ân đến người hâm mộ. Album này gồm nhiều thể loại nhạc sở trường của Ái Vân, kể cả Dạ cổ hoài lang được hát với giọng Nam kỳ “chánh hiệu”.
CD Tình cầm mới nhất tập hợp những bài hay và hợp với giọng chị (Tình cầm, Mùa thu cho em, Niệm khúc cuối, Lời cuối cho em, Bài Tango cho em…), nhưng trình bày chưa mỹ thuật lắm nhất là ảnh- photoshop quá lộ trong khi chân dung Ái Vân chụp mộc, “để yên” chắc hay hơn nhiều. Ái Vân đơn giản từ bao giờ vậy?
Tình cầm là album đầu tiên tôi thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam trong một lần về thăm nhà. Chỉ với khoảng thời gian hẹp nên khó tránh khỏi vài chi tiết nho nhỏ chưa thật ưng ý hoàn toàn. Nhưng cách chọn bài và phần hòa âm của nhạc sĩ Vĩnh Tâm đã nhận được những lời khen ngợi và đó chính là động lực để tôi tiếp tục thực hiện những album tới.
Chị hẳn yêu Hà Nội nên từng gọi sự ra đi của mình là liều lĩnh. Nhưng Hà Nội ngày nay dường như quá xô bồ?
Hà Nội bây giờ phố phường sầm uất, nhộn nhịp hơn, tiện nghi hơn và người thì đông hơn xưa nhiều lắm, cuộc sống hiện đại thì phải vậy thôi, nhưng trong ký ức của tôi hơn 18 năm về trước thì hình như có một Hà Nội nên thơ hơn, dung dị hơn...Có lẽ tôi đã thuộc lớp người “hoài cổ” mất rồi chăng???
Phụ nữ Tràng An hôm nay cũng được hình dung là những người khá cứng rắn. Ái Vân đã bao giờ đanh đá?
Đanh đá thì không nhưng cũng không dễ bị bắt nạt nữa đâu nhé. Nếu bị dồn tới chân tường thì cũng sẵn sàng “liều mình như chẳng có” đấy.
Ngày xưa ai cũng biết một nghệ sĩ như Ái Vân được ưu đãi. Nào là những chương trình biểu diễn quan trọng trong nước, những chuyến lưu diễn nước ngoài, được cử tham dự cuộc thi âm nhạc quốc tế lớn, phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vào loại sớm nhất, vân vân. Nhưng thân phận nghệ sĩ cũng mong manh đến nỗi khi cuộc sống bị đe dọa, kêu cứu mà chẳng được ai bảo vệ. Giờ nghĩ lại, chị có tủi thân hay oán hờn?
Trên đời, ai cũng muốn đi con đường bằng phẳng và êm ái. Từ nhỏ tôi đã được hưởng sự yêu thương chăm sóc của gia đình, dù cuộc sống thời chiến tranh thật thiếu thốn nhưng bao giờ tôi cũng được ba má chiều nhất nhà và sau này vào đời, tôi cũng nhận được những ưu ái như vậy.
Nhưng bên cạnh đó là những nỗ lực phấn đấu không ngừng của chính bản thân để xứng đáng với những ưu ái ấy. Tôi đã được nếm trải vị ngọt ngào của vinh quang và yêu thương nhưng cũng lại thấm thía chất đắng chát của đau đớn và tuyệt vọng.
Dù trong trạng thái nào, tôi cũng đều phải trải qua những cảm xúc mãnh liệt đến tận cùng để thấm thía hết vị ngọt hay vị đắng của nó. Cuộc đời tôi như đã được một sự sắp đặt vô hình để thử thách nối tiếp thử thách, đủ để hiểu được rằng trên đời này không có điều gì dễ dàng cả.
Nhưng qua mỗi thử thách như vậy, tôi đã vượt qua để hiểu đời, hiểu người và hiểu mình hơn. Sau tất cả những điều đó, tôi đã có bên mình những người thân yêu nhất, khán giả và những người bạn chí tình. Tôi tôn trọng những giá trị tinh thần, đã thanh thản để nhìn đời với cái nhìn khách quan hơn, lạc quan hơn. Tôi đã sẵn sàng để chấp nhận và tha thứ.
Thỉnh thoảng chị có bị nhà báo hỏi cắc cớ?
Thời gian đầu của cuộc sống mới, thỉnh thoảng tôi cũng nhận được những câu hỏi mà câu trả lời của mình có lẽ không làm thỏa mãn họ. Dù sao mình cũng chỉ là một nghệ sĩ... Có lần cách nay khoảng hai năm, tham gia một chương trình, đang tập trên sàn thì có cậu phóng viên cứ kéo ra phỏng vấn, những câu như:
Ở bên kia chị có bị các ca sĩ khác chèn ép không? Mình trả lời là không hề, như từng trả lời nhiều báo, rằng có lẽ vì mình cũng không thuộc loại bon chen. Thế rồi sau đó bài báo ra, có phát biểu của Ái Vân: “Tôi thường xuyên bị chèn ép”. Thế đấy.
Người ta thường nói về cái giá phải trả với những người tài sắc? Là người thường thì chẳng ai làm tổn hại được đến cái móng chân…
Là nghệ sĩ, nếu hội được cả hai yếu tố trên thì thật là may mắn. Tuy nhiên trong tình cảm phần nhiều trắc trở bởi trong ánh hào quang của sân khấu, biết ai là người thực sự tri kỷ, tri âm. Đó là cái giá phải trả cho sự nổi tiếng, và người đàn ông bên đời tôi hay những người bạn đời của nghệ sĩ nói chung đều phải chịu rất nhiều áp lực.
Chồng chị - anh Tiến, rất hiền? Và gì nữa?
Anh ấy sinh năm 1950, đúng là một con Cọp rất hiền, tốt, không bao giờ ghen, tôi gặp anh ấy trong thời gian ở Đức. Anh ấy luôn bằng lòng với mọi chuyện và để cuộc sống trôi đi êm đềm. Đôi khi tôi hỏi: “Anh không yêu em à”.
Sau hai năm gặp lại, chị có vẻ khác khác thế nào. “Mùa thu nay khác rồi”?
Sang năm sẽ lại là một Ái Vân khác với năm nay một chút nữa đó.
Đã có gì đổi thay chăng? Cách đây hai năm tôi viết bài “Hậu vận của hồng nhan” về Ái Vân, nhưng nghĩ rằng hồng nhan sẽ khó bề yên ổn. Chị vẫn cho rằng tình yêu là thứ xa xỉ?
Tình yêu và hạnh phúc là điều gì đó thật lung linh, diệu kỳ và bí ẩn mà để vươn được tới nó, ta và người bạn đồng hành phải biết cách cho, biết cách nhận và tự hoàn thiện mình trong mắt người kia. Tôi là người rất sợ đổ vỡ, sợ phải làm lại. Mặt khác mình lại khó bằng lòng. Nhưng cho phép tôi giữ sự riêng tư.
Chị có sợ gì không? Sợ bị lãng quên? Sợ tuổi già ập đến, nhan sắc không còn, “chiếc lá thu vàng đã rụng- chiều nay cũng bỏ ta đi”?
Thời trẻ, tôi từng tuyên bố không sợ chết, chỉ sợ già, đến bây giờ vẫn tiếp tục không sợ chết dù từng cận kề cái chết. Còn tuổi già ư? Có muốn tránh cũng không được nên phải chấp nhận “sống chung với lũ” thôi, và tìm được niềm vui trong đó.
Chị sống ở Mỹ đã mười mấy năm, điều gì ở văn hóa Mỹ ảnh hưởng chị nhất?
Tôi học được cách sống tự tin ở chính mình.
Và dạy con gái điều gì để nó được ổn trong thế giới này?
Cháu Vân Anh năm nay 16 tuổi, xinh, năng động và nhạy cảm. Tôi dạy con sống bản lĩnh, tự tin và có một tấm lòng nhân ái.