Tuyên án vắng mặt, cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra lãnh 5 năm tù

Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Ảnh: AFP
Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Ảnh: AFP
TPO - Tòa án Tối cao Thái Lan đã mất 4 giờ đồng hồ để công bố bản án của bà Yingluck trong vụ việc cựu Thủ tướng bị cáo buộc thiếu trách nhiệm trong chương trình trợ giá gạo, gây ảnh hưởng nghiêm trọng.

Vào lúc 11h sáng 27/9 (giờ địa phương), tòa án Tối cao Thái Lan đã chính thức công bố bản án của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra liên quan đến cáo buộc bà Yingluck lơ là, thiếu trách nhiệm trong chương trình trợ giá gạo.

Quá trình công bố bản án kéo dài tới 4 giờ đồng hồ. Theo đó, cựu Thủ tướng Yingluck bị tuyên án 5 năm tù giam, tương đương một nửa mức án mà báo giới dự đoán trước đó.

Một nhóm gồm chín thẩm phán đã được triệu tập lúc 7h sáng để thống nhất về phán quyết cuối cùng dành cho bà Yingluck.

Số lượng người ủng hộ bà Yingluck có mặt trước tòa án Tối cao sáng nay ít hơn nhiều so với các phiên xét xử trước đó, vì họ biết chắc rằng cựu Thủ tướng sẽ không xuất hiện.

Tuyên án vắng mặt, cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra lãnh 5 năm tù ảnh 1

 Đến 8h sáng, chỉ có khoảng 50 người ủng hộ bà Yingluck có mặt trước tòa Tối cao ở đường Chaeng Wattana (Bangkok). Ảnh: AFP

Tuyên án vắng mặt, cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra lãnh 5 năm tù ảnh 2

Ảnh: AFP

Tuyên án vắng mặt, cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra lãnh 5 năm tù ảnh 3

Ảnh: AFP

Cách đây một tháng, vào sáng ngày 25/8, phiên tòa công bố bản án của bà Yingluck không thể diễn ra như dự kiến vì cựu Thủ tướng đã “cao chạy xa bay” từ ngày 23/8 bất chấp sự canh phòng cẩn mật của cảnh sát. Tòa Tối cao lập tức ban hành lệnh truy nã bà Yingluck, đồng thời rời ngày công bố bản án đến 27/9.

Bà Yingluck, người vốn hoạt động rất tích cực trên mạng xã hội, đã im hơi lặng tiếng kể từ khi biến mất. Đảng Puea Thai của bà Yingluck cho biết họ không rõ bà đang ở đâu.

Tuy nhiên, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha hôm qua, 26/9 bất ngờ tiết lộ rằng ông biết nơi cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra đang ẩn náu, và sẽ chỉ công bố thông tin này sau khi tòa án ra phán quyết cuối cùng.

Năm 2014, bà Yingluck bị cáo buộc sơ suất trong việc giám sát chương trình trợ giá gạo gây tranh cãi. Chương trình này là nội dung chủ đạo trong chiến dịch tranh cử của bà Yingluck cùng đảng Pheu Thai, đã giúp bà giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2011.

Theo kế hoạch cam kết lúa gạo của bà Yingluck, chính phủ đã mua lúa ở mức giá gần gấp đôi so với giá thị trường. Đây là chính sách quan trọng nhằm tranh thủ sự ủng hộ của tầng lớp nông dân Thái Lan đối với Yingluck. Chính nhờ vậy mà Thái Lan trở thành nước xuất khẩu gạo số một thế giới.

Tuy nhiên, chương trình này cũng đã dẫn đến việc Thái Lan trở thành kho dự trữ gạo chưa bán khổng lồ. Số lượng gạo trong kho không bán được, hoặc cũng có thể là chính quyền mới chưa muốn bán. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới các cuộc biểu tình của giới tinh hoa ở Bangkok. Kết quả, bà Yingluck bị lật đổ vào năm 2014 và bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm.

Theo chính quyền quân sự Thái Lan, chính sách sai lầm này đã gây thiệt hại khoảng 8 tỷ USD.

Sau đó, bà Yingluck trở thành tâm điểm cuộc điều tra của Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia (NACC) về vấn đề trợ cấp gạo và bị đưa ra xét xử. Quá trình tố tụng kéo dài hơn hai năm.

Theo Theo Nation
MỚI - NÓNG