Việc Trung tướng Cốc Tuấn Sơn bị bắt 2 năm trước, nay báo chí mới rầm rộ đưa tin, vạch tội được coi là màn dạo đầu để ông Tập Cận Bình tung đòn đánh những con “Hổ” tham nhũng trong quân đội. Dư luận cho rằng, không như vụ Vương Thủ Nghiệp, việc đưa Cốc Tuấn Sơn ra xét xử sẽ kéo theo dăm ba con “Hổ” lớn, ít ai có thể ngờ tới.
Vụ án trì hoãn lâu nhất
Cốc Tuấn Sơn, Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần quân đội Trung Quốc bị mất chức từ tháng 1/2012 cùng với tin đồn ông ta đã bị bắt. Thế nhưng suốt 2 năm sau đó, không có tin tức chính thức nào về việc Cốc bị bắt, bị tạm giữ. Điều này thật kỳ lạ nếu so với vụ án Bạc Hy Lai.
Chuyện vụ án Cốc Tuấn Sơn bị bưng bít khiến dư luận, báo chí Trung Quốc nghi ngờ đằng sau Cốc Tuấn Sơn còn có con Hổ lớn hơn nhiều…Vụ việc tưởng như chìm xuồng, bỗng ngày 14/1, báo điện tử chính thống China.com đột nhiên đăng tải bài báo nhan đề: “Khám nhà Cốc Tuấn Sơn ở quê Hà Nam tìm thấy thuyền và tượng Mao Trạch Đông bằng vàng ròng”.
Bài báo này đã mở đầu cho một loạt bài báo trên báo in, báo mạng, các diễn đàn, khiến cái tên Cốc Tuấn Sơn trở nên “hot” nhất ở Trung Quốc hiện nay…
Rượu Mao Đài, vàng ròng thu được ở nhà Cốc Tuấn Sơn
Bị cách chức và điều tra từ tháng 1/2012, nhưng mãi đến đầu năm 2013, nhà ở quê hương Hà Nam của Cốc Tuấn Sơn mới bị khám xét. Các nhân viên điều tra tìm thấy ở đây chiếc thuyền “Thuận buồm xuôi gió” bằng vàng, chiếc chậu rửa mặt bằng vàng ngụ ý “Kim ngọc đầy bồn”, một pho tượng Mao Trạch Đông bằng vàng và mấy trăm thùng rượu quý Mao Đài “Chỉ dùng trong quân đội” phải dùng 4 xe tải mới chở hết.
Dư luận cho rằng, từ khi bắt đầu điều tra đến khi khám nhà mất hơn 1 năm, hiển nhiên nhiều tang vật của vụ án đã được chuyển đi nơi khác. Nếu khám nhà ngay sau khi Cốc bị bắt, hẳn còn nhiều điều thú vị, nhưng e rằng sẽ dính líu đến ai đó…
Ngụy tạo lý lịch
Sau khi Cốc Tuấn Sơn bị bắt, chuyện Cốc Nhan Sinh bố ông ta từ một người thường chết vì bệnh năm 1990 bỗng trở thành “Liệt sỹ Vũ Hoa Đài”, từng là “cảnh vệ của Chu Ân Lai”, được viết sách ca ngợi, xây lăng hoành tráng…đã trở thành trò cười ở Hà Nam.
Lăng mộ của bố Cốc Tuấn Sơn rộng tới 6 mẫu đất, được xây dựng giữa vùng dân cư sầm uất ở Bộc Dương với tường bao, cửa gỗ kín mít. Cốc Tam, em trai thứ 3 của Cốc Tuấn Sơn đã vung tiền mua đất và xây cất theo lời thầy phong thủy được mời từ Sơn Đông về. Sau khi khánh thành lăng, hàng năm vào dịp Thanh Minh, Cốc đều về tảo mộ với cả đoàn xe có còi ủ mở đường gây náo động cả vùng. Trông coi, quét dọn lăng là những quân nhân thuộc Phân quân khu Bộc Dương.
Tháng 5/2011, Nhà xuất bản Văn nghệ Thượng Hải in và phát hành với số lượng lớn cuốn “Ký ức sinh tử - Chuyện của Chu Cao và Cốc Nhan Sinh”. Theo cuốn sách này, Cốc Nhan Sinh sinh năm 1926, năm 1942 bị Quốc Dân Đảng bắt lính khi mới 16 tuổi, sau trở thành lính cần vụ của Chu Cao, Trung tướng, người có cảm tình và cộng tác với Đảng CSTQ.
Tháng 9/1948, họ dẫn quân chạy sang vùng giải phóng. Về sau, Chu Cao bị địch bắt, giết hại, được truy nhận liệt sĩ năm 1965. Cốc Nhan Sinh cầm cuốn nhật ký của Chu Cao trao cho vợ Chu Cao, cuốn nhật ký này sau được trưng bày trong bảo tàng. Khi bố chết bệnh, Cốc Tuấn Sơn đang là cán bộ hậu cần ở đơn vị địa phương.
Năm 2011, khi được phong Trung tướng, em trai của y dẫn về làng một người phụ nữ, giới thiệu đây là phu nhân liệt sĩ Chu Cao, nói cha mình có công cứu bà này, dân làng chả ai tin…
Cốc Tuấn Sơn đã bỏ tiền thuê người đứng tên bà Ngô Tuyết Á (vợ ông Chu Cao) viết cuốn “Nhật ký sinh tử” trên, ghép chuyện Chu Cao với tên tuổi bố mình. Thế rồi, Cốc Nhan Sinh bỗng được gọi là “Liệt sĩ” và Cốc Tuấn Sơn nghiễm nhiên trở thành người có huyết thống cách mạng, là “hạt giống đỏ”…
Xây “Phủ tướng quân” xa hoa chưa từng có
Theo báo mạng của “Đài Phát thanh Trung Quốc”, sau khi được các “đại quan chức” quê Hà Nam cất nhắc, lên nhanh vùn vụt (8 năm 5 lần thăng chức), Cốc Tuấn Sơn từ một cán bộ hậu cần ở bộ đội địa phương dưới tỉnh, được đưa lên ngồi vào ghế Cục trưởng Doanh trại, rồi Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần phụ trách công tác xây dựng.
Cốc Tuấn Sơn từng nổi tiếng với câu nói ngông nghênh: “Ca sĩ, minh tinh tôi đều đã xài hết!”. Chưa dừng ở đó, Cốc còn chơi ngông, xây cho mình một tòa phủ “xa hoa nhất chưa vị tướng nào có”.
Có quyền lớn trong tay, thỏa sức vơ vét (có báo đưa con số Cốc tham nhũng 20 tỷ tệ, tức hơn 3 tỷ USD, có hơn 300 ngôi nhà và căn hộ ở khắp nơi, bao nuôi 5 cô bồ đều là ca sĩ, minh tinh điện ảnh và MC truyền hình).
Từng nổi tiếng với câu nói ngông nghênh: “Ca sĩ, minh tinh tôi đều đã xài hết!”, nhưng chưa dừng ở đó, Cốc còn chơi ngông, quyết xây cho mình một tòa phủ “xa hoa nhất chưa vị tướng nào có”.
Tòa phủ này do một kiến trúc sư làm việc ở Cố Cung thiết kế mô phỏng theo kiến trúc cổ xưa kiểu Cố Cung, được xây dựng trên 14 mẫu đất lấy của tập thể thôn Đông Bạch Thương quê Cốc; khởi công năm 2009, sau 3 năm mới hoàn thành. Phía trước tòa nhà chính 3 tầng đặt tượng cặp voi làm bằng ngọc Hán Bạch, phía trước là đài phun nước hình thoi vàng Nguyên Bảo. Tòa nhà chính rộng hơn 7.000 m2, thường xuyên nuôi hơn 60 người phục vụ trong phủ.
Cả họ lộng hành
Cốc Tuấn Sơn là con cả, có 2 em trai và 3 em gái thì đã đưa 4 người vào làm cán bộ quân đội. Cốc có 6 cháu trai, 7 cháu gái, hết thảy đều được y đưa vào quân đội, hoặc đang học trong trường quân đội để tiện bề tiến thân. Báo chí đã có bài viết cho thấy thế lực ghê gớm của gia tộc họ Cốc. Em trai Cốc Hiến Quân làm nghề kinh doanh địa ốc ở quê đã chiếm dụng đất của làng bên cạnh, khiến dân làng kéo về Bắc Kinh kiện.
Thế nhưng, đơn từ chuyển xuống, người được cử phụ trách xử lý vụ việc lại là…Trương Tố Yến, vợ của Cốc Tuấn Sơn, người giữ chức Chính ủy Cục Công an Bộc Dương! Khi dân làng kéo lên Ủy ban Kiểm tra kỷ luật (KTKL) trung ương tố cáo, thì họ hoảng hồn khi thấy…Trương Tố Yến chống nạng chỉ tay quát các cảnh vệ đuổi họ về…
Quyết tâm đánh hổ của ông Tập Cận Bình
Ngày 14/1/2014, phát biểu tại Hội nghị Ủy ban KTKL Trung ương, ông Tập Cận Bình tuyên bố: quyết không dung thứ các quan tham, “phải để cho mỗi cán bộ hiểu rằng: họ thò tay vào đâu cũng đều bị bắt”.
Ông yêu cầu cơ quan kiểm tra kỷ luật không được trở thành “hổ giấy, người cỏ”, “đối với bọn tham nhũng, phát hiện ai, quyết xét xử người đó”…Năm 2013, cơ quan KTKL nhận được 2 triệu đơn thư tố cáo cán bộ, quan chức tham nhũng, đã điều tra 172 ngàn vụ, xử lý kỷ luật 182.038 đảng viên.
Chỉ từ tháng 11/2013 đến nay đã có 19 cán bộ cấp Thứ trưởng trở lên bị bãi chức. Trong quân đội Trung Quốc, từ trước đến nay mới có vụ Trung tướng Vương Thủ Nghiệp, vốn là người tiền nhiệm của Cốc Tuấn Sơn sau đó điều chuyển làm Phó Tư lệnh Hải Quân bị kết án tử hình (hoãn thi hành) vì tham nhũng.