Người phát ngôn khi giới thiệu về bối cảnh vẫn lặp lại giọng điệu Việt Nam “quấy nhiễu” hoạt động bình thường của phía Trung Quốc, và vì lý do thời gian hạn hẹp nên đề nghị phóng viên hỏi tập trung về các vấn đề liên quan đến Biển Đông.
Chiều 16/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tổ chức họp báo quốc tế về vấn đề Biển Đông do Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh chủ trì và Vụ Trưởng Vụ Biên giới Hải đảo Bộ Ngoại giao Trung Quốc Âu Dương Ngọc Tịnh tham dự.
Còn ông Âu Dương Ngọc Tịnh thông báo rằng có một số diễn biến mới nên Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo để thông báo cho phóng viên, đầu tiên là công bố một vài hình ảnh về vị trí của giàn khoan, ông Âu muốn chứng minh với phóng viên quốc tế rằng vị trí này cách đảo Tri Tôn (đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép) 17 hải lý, còn cách bờ biển Việt Nam 150 hải lý.
Vụ trưởng Âu Dương Ngọc Tịnh còn ngang nhiên giải thích hoạt động thăm dò này đã được thực hiện 10 năm nay, tháng 5-6/2013 Trung Quốc cũng đã tiến hành công tác khảo sát ba chiều.
Phía Trung Quốc đổ hoàn toàn trách nhiệm cho Việt Nam, bóp méo sự thật một cách trắng trợn rằng Việt Nam đem một lượng lớn tàu ra “quấy nhiễu” - con số được đưa ra là 63 tàu, tăng gấp đôi so với họp báo hôm 8/5.
Ông Âu Dương Ngọc Tịnh còn thống kê từ 2/5 đến nay, tàu Việt Nam đã đâm 560 lần vào tàu Trung Quốc, trong đó ngày 13/5 cao nhất lên đến 160 lần.
Thuyền công vụ của Trung Quốc phát hiện trên một số tàu của Việt Nam có phóng viên đi theo, trong đó có cả phóng viên nước thứ 3, cho thấy mục đích của Việt Nam rõ ràng là muốn làm lớn chuyện, gây căng thẳng tại khu vực.
Đáng phẫn nộ hơn khi ông Âu Dương Ngọc Tịnh còn chỉ trích Việt Nam lừa gạt dư luận quốc tế và đã đưa ra một số bức ảnh va chạm tại hiện trường với mong muốn có thể thay đổi cách nhìn của phóng viên quốc tế.
Ngoài ra, Vụ trưởng Âu Dương Ngọc Tịnh nhắc đến việc trong nhiều năm qua, Việt Nam đã thăm dò khai thác dầu khí tại khu vực tranh chấp, tổng cộng vẽ ra 57 lô dầu khí, trong đó có bảy lô đang khai thác dầu, có 37 giàn khoan, tại lô 117, 119 cách Trung Quốc 20 hải lý, cách Việt Nam hơn 70 hải lý.
Trả lời các câu hỏi của phóng viên quốc tế, Vụ trưởng Âu Dương Ngọc Tịnh nhắc đi nhắc lại ba điểm: một là vùng biển hạ đặt giàn khoan không thuộc vùng biển tranh chấp với Việt Nam, hai là tại Biển Đông chưa có đường phân giới trên biển, ba là trước khi đàm phán đạt được thỏa thuận về đường phân giới này thì theo thông lệ quốc tế các nước được quyền tác nghiệp tại những vùng biển thuộc chủ quyền và vùng biển gần bờ.
Cuối cùng, Vụ trưởng Âu Dương Ngọc Tịnh cho hay tính đến nay đã có 20 lần trao đổi ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Hà Nội và Bắc Kinh, kể cả thông qua đường dây nóng, kênh trao đổi thông tin giữa hai nước luôn thông suốt.