Thông báo này được đưa ra sau bốn tháng điều tra kể từ khi Nhà xuất bản Springer của Mỹ hồi tháng 4 thu hồi 107 bài báo của các tác giả Trung Quốc được công bố trên tạp chí chuyên ngành về ung thư “Tumor Biology” tại Mỹ. Sau khi những bài viết này được công bố, nhà xuất bản phát hiện ra rằng, hầu hết các tác giả bài viết đều là giả mạo hoặc mạo danh.
Ông Hà Đức Phương, Trưởng phòng Chính sách, Quy chế và Giám sát tại Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho biết tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh chiều 27/7 rằng, một cuộc điều tra chính thức đã xác định được 521 người, đa số là bác sĩ các bệnh viện, có liên quan đến vụ bê bối gian lận này. Trong tổng số 486 người sẽ phải đối mặt các hình phạt, 24 người được đưa ra khỏi danh sách theo dõi vì thiếu bằng chứng rõ ràng, 11 người có bài báo bị nhà xuất bản vô tình thu lại, nhưng không liên quan đến gian lận. Theo trang web của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, trong số những người phải đối mặt với hình phạt, 102 người phải chịu trách nhiệm chính và 70 người sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới. Ông Phương cho biết, 314 người được coi là “không tham gia vào việc lừa đảo”, nhưng sẽ bị trừng trị vì làm tổn hại đến uy tín quốc gia trên trường quốc tế do vụ việc này. Các hình phạt bao gồm bị thu hồi tài trợ nghiên cứu tới bị sa thải và bêu tên trước công luận. Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho biết, kinh phí cho hơn 70 dự án nghiên cứu của chính phủ đã bị đình chỉ do vụ bê bối này.
Theo các nhà điều tra, các báo cáo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành uy tín của Mỹ thường ghi tên nhiều tác giả, nhưng thực chất chỉ do một nhà khoa học uy tín viết và chịu trách nhiệm về tính xác thực của bản báo cáo, còn tên những người cùng tham gia báo cáo, trong đó đa số là người Trung Quốc thì có đóng góp rất ít hoặc hầu như không có đóng góp gì.
Theo một học giả Trung Quốc, trong hầu hết các trường hợp gian lận học thuật ở Trung Quốc, như vụ bê bối năm 2014 trong báo cáo nghiên cứu tế bào gốc ở Nhật Bản, chỉ có một nhà khoa học hàng đầu bị truy tố. Ông nói: “Giải pháp không phải là hình phạt hàng loạt, mà cần phải có một cuộc cải cách hệ thống đánh giá khoa học để các nhà nghiên cứu đi vào nghiên cứu thực chất chứ không chỉ căn cứ trên các báo cáo được công bố trên tạp chí chuyên ngành quốc tế”.
Mặc dù vậy, nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc hoan nghênh động thái này của chính phủ. Một nhà nghiên cứu yêu cầu giấu tên cho rằng, đây được coi là “ cú đấm thép” của chính phủ trong việc tấn công tình trạng mạo danh các công trình nghiên cứu ở nước ngoài. Ông nói: “Vấn đề gian lận ở Trung Quốc đã trở nên rất nghiêm trọng và nó sẽ không biến mất nếu các nhà chức trách xử lý nhẹ tay như họ đã làm nhiều lần trước đó”.