Theo Yonhap, trong cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc được triệu tập ngay sau khi Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) lần thứ hai, ông Moon đã đề xuất một loạt các biện pháp đối phó, bao gồm triển khai thêm 4 giàn phóng của Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và yêu cầu có sự cố vấn của Mỹ về cách tăng cường chiến lược ngăn chặn các hành động “quá khích” từ Bình Nhưỡng.
Nhà Xanh ngay sau đó khẳng định, việc tái triển khai THAAD không có nghĩa là rút lại cuộc đánh giá tác động môi trường đối với vị trí triển khai của hệ thống phòng không này.
Các đề xuất của ông Moon lập tức nhận được những phản hồi trái chiều từ Quốc hội. Theo đó, đảng Dân chủ cầm quyền Hàn Quốc ủng hộ chính sách của Tổng thống.
“Chúng tôi hiểu việc triển khai tạm thời lần này (chỉ THAAD) vì an ninh trên Bán đảo Triều Tiên, cũng như ở Đông Bắc Á, đã trở nên nghiêm trọng do vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Tuy nhiên, việc triển khai đầy đủ các thiết bị của THAAD nên được kiểm tra cẩn thận sau khi tiến hành đánh giá môi trường theo kế hoạch”, ông Woo Won-shik, lãnh đạo đảng Dân chủ, bày tỏ quan điểm tán thành đề xuất của ông Moon.
Tuy nhiên, các đảng đối lập lại chỉ trích, chính sách ngoại giao của Hàn Quốc đối với Triều Tiên mà ông Moon đặt ra là sai lầm, và chính phủ cần phải quyết liệt hơn nữa, thay vì duy trì thái độ nhượng bộ.
Ông Kim Young-woo, lãnh đạo đảng đối lập Bareun kiêm chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Hàn Quốc, nhấn mạnh, không nên chỉ triển khai tạm thời THAAD, mà nên bỏ qua việc đánh giá tác động môi trường ở Seongju và chính thức khởi động lại tiến trình hoàn thiện lắp đặt hệ thống phòng không của Mỹ.
“Vụ thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên là phản hồi đầy tính khiêu khích đối với sáng kiến hòa bình của ông Moon tại Berlin và đã vượt qua lằn ranh đỏ”, ông Kim nói.
Trước đó, trong chuyến thăm Berlin, Đức, để tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20 hồi đầu tháng 7, chủ nhân Nhà Xanh tuyên bố, Seoul theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, với loạt các biện pháp đảm bảo an ninh và ưu đãi kinh tế và ngoại giao cho Bình Nhưỡng, nhằm tiến tới một hiệp định hòa bình.
Hàn Quốc sau đó cũng đề xuất đàm phán quân sự liên Triều và tổ chức cuộc hội ngộ gia đình bị chia cắt do Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), nhưng không được Triều Tiên đáp lại.
Đảng Liberty Korea cũng lên án phương thức đối phó Triều Tiên của Tổng thống Hàn Quốc, cho rằng chúng không còn mang lại hiệu quả giảm lo lắng cho người dân.
Theo phát ngôn viên cao cấp của đảng, ông Jeong Yong-ki, chính phủ nên có trách nhiệm khi kéo dài việc đánh giá tác động môi trường, khiến triển khai THAAD bị trì hoãn.
“Tôi khuyên ông Moon nên thay đổi chiến lược đối với Triều Tiên. Chính phủ và các biện pháp đối phó đang gây ra khủng hoảng khiến đất nước có thể cùng lúc mất an ninh và hòa bình”, Park Joo-sun, lãnh đạo lâm thời của đảng đối lập Nhân dân, bình luận