Triều Tiên bắn tín hiệu xuống thang

Triều Tiên phô diễn tên lửa ở thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: SCMP.
Triều Tiên phô diễn tên lửa ở thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: SCMP.
TP - Triều Tiên hôm qua thông báo, lãnh đạo nước này vừa đánh giá lại kế hoạch phóng tên lửa sang đảo Guam; việc quyết định có tấn công hay không sẽ tùy thuộc vào Mỹ. Tình hình có vẻ dịu bớt sau khi lãnh đạo hai nước liên tục đe dọa nhau bằng những lời lẽ đao to búa lớn.

Dù đã chuẩn bị “bao phủ Guam bằng lửa”, Triều Tiên nói rằng, họ sẽ theo dõi “những người Mỹ ngu ngốc” làm gì trước khi đưa ra quyết định, bản tin của hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA viết. Quan điểm này được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cảnh báo việc Triều Tiên tấn công Guam sẽ là lúc “trò chơi bắt đầu”. Tuần trước, lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên liên tục đẩy căng thẳng lên cao với hàng loạt lời đe dọa qua lại.

Theo KCNA, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “đã kiểm tra kế hoạch trong thời gian dài” và thảo luận với các quan chức quân sự cấp cao của nước này. Tư lệnh lực lượng chiến lược Triều Tiên đang chờ lệnh “sau khi hoàn tất công tác chuẩn bị để bao trùm Guam bằng lửa”, KCNA viết. Nhưng, theo bài viết của KCNA, ông Kim sẽ theo dõi Mỹ trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào - dấu hiệu cho thấy sự xuống thang rõ ràng sau đợt khẩu chiến.

Giới quan sát cho rằng, sau nhiều ngày đe dọa hừng hực, có vẻ nhà lãnh đạo Kim cuối cùng đã chạm đến nút tạm dừng. Tuy nhiên, với một nước bí ẩn như Triều Tiên, không ai có thể chắc chắn điều gì. Một số nhà phân tích cho rằng, những tuyên bố trên có thể chỉ mang nghĩa là Bình Nhưỡng vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng tấn công Guam, nên họ muốn có thêm thời gian.

Hàn Quốc và Trung Quốc đang thúc giục các bên bình tĩnh và tìm kiếm giải pháp ngoại giao. Hôm qua, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi Mỹ không tấn công bán đảo Triều Tiên khi chưa có sự đồng ý của Seoul. Thỏa thuận quốc phòng giữa hai nước quy định Mỹ và Hàn Quốc phải tham vấn nhau khi một bên bị đe dọa. Câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có cần Hàn Quốc chấp thuận nếu muốn tấn công trả đũa trong trường hợp Triều Tiên tấn công Guam hay không. Theo luật quốc tế và thỏa thuận quân sự giữa Hàn Quốc và Mỹ, Washington không phải làm như vậy.

Vậy tại sao ông Moon nói rằng, Mỹ không được hành động quân sự nếu không có sự đồng ý của Hàn Quốc? GS Hwee Rhak Park ở ĐH Kookmin (Hàn Quốc) cho rằng, đó có thể là cách nhắn nhủ đến những người thuộc phe tự do ở Hàn Quốc và cũng là những người ủng hộ ông Moon rằng, chính phủ Hàn Quốc đang kiểm soát được tình hình. Hàn Quốc thường bị Triều Tiên chửi là con rối của Mỹ, nên câu nói của ông Moon có thể là thông điệp nhắn nhủ lãnh đạo Mỹ hãy bớt ăn nói khoa trương. Dù ý ông Moon là gì thì quan điểm của Tổng thống Hàn Quốc cũng được đánh giá là rõ ràng ngay từ đầu. Ông muốn giải pháp ngoại giao và đã tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc xác nhận đợt tập trận chung mang tên “Người bảo vệ tự do Ulchi” sẽ vẫn bắt đầu ngày 21/8 như dự kiến. Đợt tập trận kéo dài 10 ngày chắc chắn sẽ chọc giận Triều Tiên vì nước này luôn coi những hoạt động như vậy của Mỹ và Hàn Quốc ở khu vực bán đảo Triều Tiên là tập dượt để xâm lược, còn Seoul và Washington khẳng định, các hoạt động tập trận của hai bên chỉ để phòng vệ. Báo Global Times (Thời báo Hoàn cầu) thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, lên án kịch liệt cuộc tập trận này vì cho rằng sẽ càng khiêu khích Triều Tiên khiến nước này sẽ càng có phản ứng cực đoan.

Giơ cao đánh khẽ với Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 14/8 tuyên bố, ông đang “đi bước lớn” để xử lý những hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền của các công ty Trung Quốc. Ông vừa yêu cầu các quan chức phục trách thương mại của Mỹ xem xét điều tra khả năng các công ty Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Động thái này được cho là nhằm đáp trả Trung Quốc khi Washington cho rằng, Bắc Kinh không gây đủ sức ép để Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.

Tuy nhiên, bước đi này của ông Trump bị đánh giá là ít quyết liệt hơn so với mức độ các quan chức Nhà Trắng nói trước đó. “Đây mới là bắt đầu. Tôi muốn nói với các bạn điều đó”, ông Trump nói với các phóng viên sau khi ký lệnh trao quyền cho Đại diện Thương mại Mỹ, ông Robert Lighthizer, tìm ra biện pháp xử lý tình trạng các công ty Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ ép buộc. Ông Lighthizer cho biết, sẽ chỉ đạo điều tra thấu đáo, và nếu cần thiết, sẽ có hành động bảo vệ tương lai của ngành công nghiệp Mỹ. Trong một bài viết đăng trên tạp chí Financial Times, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cáo buộc Bắc Kinh là “thủ phạm chính” gây ra tình trạng vi phạm bản quyền và đánh cắp bí mật thương mại của Mỹ.

Cho đến cuối tuần trước, dư luận cho rằng, ông Trump sẽ tuyên bố áp dụng Khoản 301 trong Đạo luật thương mại của Mỹ nhằm áp các biện pháp trừng phạt bằng thuế quan hoặc hạn chế thương mại với Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng, bước đi này có thể vấp phải phản ứng rất hung hăng từ Bắc Kinh và  dẫn đến một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc mà hệ quả là đảo lộn hệ thống thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump chỉ yêu cầu ông Lighthizer xem xét bước đi như vậy có cần thiết hay không. Quá trình này có thể kéo dài cả năm trời. Việc ông Trump nhẹ tay với Trung Quốc hơn tuyên bố trước đó có nghĩa là cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có vẻ không phải điều sắp xảy ra. Tuy nhiên, quan hệ hai nước đang xấu đi sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gần đây cảnh báo quan hệ song phương đang ở “thời điểm bước ngoặt” mang tính lịch sử.

Những người chỉ trích cho rằng, ông Trump không làm đủ mạnh. “Không may là sự thất bại khi không dám hành động mạnh mẽ là một sai lầm nữa của Nhà Trắng trong suốt lịch sử vốn đã trục trặc trong xử lý quan hệ với Bắc Kinh”, ông Gordon Chang, người có quan điểm diều hâu với Trung Quốc, nổi tiếng với cuốn sách “The Coming Collapse of China” (Sự sụp đổ sắp đến của Trung Quốc), vừa viết trên trang Daily Beast. “Chỉ riêng từ quan điểm thương mại, hành động của ông Trump trông có vẻ quá yếu, dù ông ấy gọi đây là ‘bước đi rất lớn’”, ông Chang bình luận.

Theo Theo BBC, Guardian
MỚI - NÓNG
Công nương Nhật Bản qua đời
Công nương Nhật Bản qua đời
TPO - The Japan Times đưa tin Công nương Yuriko của Hoàng gia Nhật Bản vừa qua đời ở tuổi 101 vì bệnh viêm phổi. Bà không xuất hiện trước công chúng kể từ sự kiện chào năm mới 2024. 
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.