Triều Tiên thông báo đang hoàn tất kế hoạch phóng 4 tên lửa Hwasong-12 về phía vùng lãnh thổ của Mỹ trên Thái Bình Dương, nơi sinh sống của 163.000 người.
Tên lửa của Triều Tiên sẽ mất khoảng 14 phút để vượt qua hơn 3.400km đến mục tiêu.
Ở Hiroshima, thành phố đầu tiên trong lịch sử hứng bom hạt nhân vào năm 1945, tình hình hiện nay gợi nhớ lại những ký ức kinh hoàng và khiến người ta lo ngại nguy cơ thảm họa lặp lại.
Triều Tiên lâu nay vẫn đe dọa sẽ biến Nhật Bản thành “mảnh vụn”, nhưng mức độ nghiêm trọng gia tăng bất thường trong những đe dọa gần đây.
Trong tuyên bố đưa ra tuần trước, Bình Nhưỡng nêu tên Hiroshima là một trong 3 thành phố của Nhật mà tên lửa của họ sẽ bay qua trên đường đến Guam.
Theo giới phân tích, các tên lửa Triều Tiên nếu bay theo cách Bình Nhưỡng mô tả thì sẽ bay qua Nhật Bản, chúng cũng sẽ bay cách mặt nước biển hơn 100km, và đây là giới hạn trên cùng của không phận chủ quyền của một nước.
Công ước quốc tế không phân định chiều cao không phận của mỗi quốc gia. Có nơi cho là 30 km (tầm cao nhất máy bay có thể bay) cho tới 160 km (quỹ đạo ổn định thấp nhất).
Liên minh Hàng không Quốc tế (Fédération Aéronautique Internationale) quy định "đường Kármán" ở cao độ 100 km làm giới hạn giữa không gian và bầu khí quyển Trái Đất. Mỹ coi không gian là trên 50 dặm (80km) nên phi thuyền con thoi từng bay ở tầm 80km trên không phận các quốc gia khác mà không xin phép.
Cả hai con số 100km và 50km chỉ là mức thẩm định chứ không phải quy định pháp lý về không phận.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera tuần trước nói rằng Nhật Bản có thể đánh chặn tên lửa Triều Tiên bay sang Guam một cách hợp pháp.
Lần gần đây nhất mà Triều Tiên phóng tên lửa qua Nhật Bản là vào năm 1998 trong một chương trình phóng vệ tinh thất bại và tên lửa bay xuống vùng phía bắc Thái Bình Dương. Tokyo hồi đó huy động các bệ phóng PAC-3 di động nhưng không bắn hạ tên lửa Triều Tiên vì hiến pháp hòa bình của Nhật không cho phép làm như vậy.
Tuy nhiên, điều đó thay đổi từ năm 2012 khi nội các Nhật Bản thông qua cách giải thích hiến pháp mới để cho phép thực hiện hành động “phòng vệ tập thể” hoặc hỗ trợ đồng minh, bao gồm việc bảo vệ các căn cứ của đồng minh như Guam.
Nhậm chức Bộ trưởng quốc phòng sau đợt cải tổ nội các gần đây, ông Onodera được biết đến với đề xuất gây chú ý rằng Nhật Bản nên tấn công phủ đầu xuống các địa điểm phóng tên lửa của Triều Tiên và sở hữu các loại vũ khí như tên lửa hành trình để thực hiện được hành động này.
Hôm qua, Bộ Quốc phòng Nhật triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3 tại căn cứ của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) tại ở cả 3 thành phố, Hiroshima, Shimane và Kochi để đề phòng.
Một phát ngôn viên của SDF nói rằng họ không có kế hoạch bắn hạ tên lửa Triều Tiên khi chúng bay qua bầu trời Nhật Bản, nhưng các hệ thống PAC-3 được triển khai để “phòng trường hợp cần thiết”.
Giới phân tích cho rằng bối cảnh duy nhất mà Nhật Bản sẽ sử dụng PAC-3 là khi tên lửa Hwasong của Triều Tiên đang bay mà rơi xuống giữa chừng.