Các quan chức quân sự Mỹ cho biết, tàu khu trục tên lửa dẫn đường Dewey của Hải quân Mỹ đã đi vào sát đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Chiến dịch này được cho là sẽ xua đi lo lắng trong các đồng minh của Mỹ rằng chính quyền Trump không muốn thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông vì muốn có sự hợp tác của Bắc Kinh để giải quyết những vấn đề như chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Trong cuộc gặp mới đây với các phóng viên Đông Nam Á, trong đó có phóng viên Tiền Phong, đại diện Hạm đội 7 của Mỹ đóng tại Nhật Bản khẳng định, Mỹ vẫn thực hiện các chuyến tuần tra tự do hàng hải trên biển Đông cũng như các khu vực khác trên thế giới, và rằng Mỹ sẽ tiếp tục đi tàu, bay và hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Nhưng đây là lần đầu tiên kể từ khi ông Trump lên nắm quyền Mỹ đi vào vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo để thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.
Một quan chức Lầu Năm Góc liên quan hoạt động tự do hàng hải nói rằng, tàu chiến của Mỹ thực hiện chuyến tập luyện cứu hộ trong khi đi qua đá Vành Khăn. Hoạt động này là nhằm thể hiện với Trung Quốc rằng, Mỹ sẽ hoạt động trên vùng biển cả theo quy định của luật quốc tế, Reuters dẫn lời vị quan chức Mỹ.
Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump ban đầu có vẻ miễn cưỡng trong việc đối đầu các đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên biển Đông, cho dù trong lúc tranh cử ông từng chỉ trích mạnh mẽ cách người tiền nhiệm Barack Obama xử lý vấn đề này. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Mỹ New York Times vào tháng 3/2016, ông Trump nói rằng, Bắc Kinh đã xây trên biển Đông “một pháo đài quân sự, thứ mà có lẽ thế giới chưa từng thấy”.
Phản ứng trước thông tin về tàu chiến Mỹ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm qua nói rằng, các tàu Trung Quốc quanh quần đảo Trường Sa “đã phát hiện và cảnh báo” tàu Mỹ phải rời đi. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, ông Lục Khảng nói Bắc Kinh “rất không hài lòng” với hoạt động này, đặc biệt vào thời điểm tình hình trên biển Đông “đang lắng xuống”. Cách nói này có vẻ ngụ ý việc Trung Quốc và Philippines gần đây khởi động đàm phán trực tiếp về vấn đề biển Đông.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cáo buộc Mỹ phá hoại điều mà họ gọi là “giai đoạn phát triển quan trọng” giữa các lực lượng Mỹ và Trung Quốc.
Tiếp nối chính sách của Obama
Theo giới phân tích, sau chuyến tuần tra trên, các đồng minh của Mỹ sẽ theo dõi xem chính quyền Trump có nhất quán về vấn đề biển Đông hay không. “Chỉ một chiến dịch không thể làm dịu lo sợ về cách tiếp cận kiểu làm ăn của ông Trump đối với Trung Quốc và sự thờ ơ trong bảo vệ các quyền pháp lý quốc tế”, báo Mỹ New York Times dẫn lời ông Euan Graham, nhà phân tích công tác tại Viện Lowy (Úc).
Một số nhà phân tích cho rằng, chuyến tuần tra này không hẳn cho thấy chính sách của Mỹ đối với biển Đông đã thay đổi. “Không sớm thì muộn cũng phải có tuần tra tự do hàng hải và nay nó đã diễn ra. Điều này có cho thấy Mỹ đã thay đổi chính sách trên biển Đông không? Không. Đó chỉ là sự tiếp tục chính sách của Obama”, Reuters dẫn lời ông Ian Storey, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore.
Phản ứng của Việt Nam
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Mỹ đưa tàu chiến tiến sát đá Vành Khăn, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm qua khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp các quy định của luật pháp quốc tế. Là một quốc gia ven biển Đông và là thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, lập trường nhất quán của Việt Nam là tất cả các quốc gia được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không, phù hợp các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước. “Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục đề nghị các quốc gia có đóng góp mang tính xây dựng và tích cực, phù hợp với luật pháp quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương”, bà Hằng nói.