Đây là một phần nằm trong dự án đối tác phương Đông của EU phát động năm 2009 với toan tính thu hút 6 quốc gia thuộc Liên Xô trước đây (Ukraine, Gruzia, Moldova, Belarus, Armenia và Azerbaijan).
Hiệp ước này dự định thiết lập một khu vực thương mại tự do, được trông đợi sẽ khai phóng tiềm năng thương mại của Ukraine. Đổi lại, EU yêu cầu Ukraine thực hiện một số biện pháp cải cách pháp luật và dân chủ hóa. Đối với Ukraine, hiệp ước không chỉ mang tính chất thương mại. Ukraine cũng hy vọng nó sẽ góp phần mở ra cánh cửa gia nhập EU.
Sau khi trở thành quốc gia độc lập tách ra từ Liên Xô năm 1991, Ukraine vẫn luôn bị giằng xé giữa hai trục quyền lực phương Đông và phương Tây. Trước hết về phương diện địa chính trị, một trong các mục tiêu chiến lược của Nga là duy trì ảnh hưởng của mình trong không gian hậu Xô Viết và Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn thiết lập một mô thức liên minh Âu - Á vào năm 2015. Mátxcơva dĩ nhiên muốn giữ Ukraine trong quỹ đạo riêng, không để lọt vào vòng tay EU vì nhiều nguyên do.
Mặt khác, giữa Nga và Ukraine có sự gần gũi hiển nhiên về ngôn ngữ, lịch sử và văn hóa. Dân chúng ở Kiev và phần lãnh thổ phía tây đất nước có truyền thống nghiêng về văn minh phương Tây. Ngược lại, bộ phận lớn dân cư còn lại có nguồn gốc Nga và chịu ảnh hưởng văn hóa Nga ở phía đông đương nhiên tìm kiếm sự hậu thuẫn từ Mátxcơva.
Từ khi Liên Xô sụp đổ, chính sách đối ngoại Ukraine theo đuổi có vẻ xích lại phương Tây, thậm chí muốn gia nhập EU. Quan hệ giữa Nga và Ukraine không mấy suôn sẻ, nhất là khi nữ chính trị gia thân phương Tây Yulia Tymoshenko nổi lên cùng với cuộc cách mạng cam và trở thành thủ tướng.
Nga tất nhiên không khoanh tay đứng nhìn khi mà trong tay dư thừa vũ khí kinh tế cực kỳ lợi hại: 1/4 giá trị xuất khẩu của Ukraine nằm ở Nga, Kiev cũng hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga...
Đối thủ của Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych trong cuộc bầu cử năm 2010 mau chóng thất thế và bị kết án 7 năm tù tại Kharkov. EU xem việc kết án bà Tymoshenko là vấn đề chính trị và trả tự do cho cựu nữ thủ tướng là một điều kiện để EU ký hiệp ước kinh tế với Ukraine.
Nước Nga thật khó mà chấp nhận bị phương Tây gạt khỏi Ukraine. Việc Ukraine từ bỏ đàm phán hiệp định thương mại với EU và hé lộ khả năng đàm phán gia nhập Liên minh Hải quan bao gồm Nga, Belarus và Kazakhstan được coi là một thắng lợi chính trị-ngoại giao nữa của Tổng thống Putin.
EU đổ lỗi cho Nga đã gây sức ép với Ukraine bằng cách đe dọa chặn một phần hàng hóa xuất khẩu quan trọng của Kiev sang Nga. Ngày 26/11, lần đầu tiên, Nga chính thức phản đối cáo buộc của EU.
Quay lưng với EU cũng đồng nghĩa với Ukraine đang xích gần với Nga hơn và tấm vé gia nhập EU của Ukraine trở nên xa vời.