Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản, ông Yoshiyuki Sugiyama, tháng trước đến Bangkok để thảo luận về các lĩnh vực có thể hợp tác. Nhật Bản trông đợi chính quyền quân sự Thái Lan sẽ chấp nhận các hồ sơ đấu thầu từ đầu năm 2017, trong bối cảnh Thái Lan sắp nâng cấp các hệ thống radar mua từ Mỹ và châu Âu, hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin từ chính phủ Nhật. Chưa rõ có những bên nào sẽ tham gia đấu thầu.
Giá trị của hợp đồng như vậy chưa được tiết lộ và thông tin chi tiết về hệ thống cũng chưa được công bố. Các hệ thống radar do tập đoàn Mitsubishi và các hãng khác của Nhật Bản chế tạo có thể tốn hàng trăm triệu đô la Mỹ, tùy thuộc tính phức tạp và phạm vi bao trùm. Các nguồn tin nói rằng, Nhật Bản sẽ đưa ra mức giá thầu thấp vì ngân sách quốc phòng của Thái Lan có hạn.
Theo các nguồn tin, việc Nhật Bản thúc đẩy quan hệ với Thái Lan sẽ có lợi cho Mỹ, trong bối cảnh tình hình biển Đông căng thẳng. Cho đến năm 2014, Nhật Bản vẫn cấm xuất khẩu vũ khí, và trước đó chưa từng bán thiết bị quân sự cho Thái Lan. Kể từ cuộc đảo chính năm 2014, quan hệ của Thái Lan với Mỹ vẫn căng thẳng, cho dù hai nước là đồng minh lâu năm. Tháng 7 năm nay, Thái Lan đồng ý mua 3 tàu ngầm do Trung Quốc chế tạo với giá khoảng 1 tỷ USD, cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng lấp chỗ trống mà Washington để lại. Tháng trước, các máy bay của quân đội Thái Lan và Trung Quốc trình diễn các màn nhào lộn tại Căn cứ không quân Hoàng gia Korat, cách Bangkok khoảng 260km về phía đông bắc. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Thái Lan, ông Kongcheep Tantravanich, nói: “Rất nhiều nước muốn bán cho chúng tôi nhưng chúng tôi phải xem có phù hợp không”.
Theo luật định, Washington phải rút các khoản viện trợ cho những quân đội liên quan đảo chính lật đổ chính phủ dân cử, bao gồm việc hạn chế các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ bán thiết bị cho những quốc gia đó. Nhật Bản không bị hạn chế việc hợp tác với chính phủ Thái Lan. Theo giới quan sát, Nhật Bản lo ngại việc Trung Quốc lôi kéo Thái Lan có thể gây chia rẽ lớn hơn trong ASEAN và khiến Bangkok im lặng trước những hành động xây đảo và quân sự hóa của Trung Quốc trên biển Đông.
Hệ thống radar mà Nhật Bản đề xuất cung cấp cho Thái Lan là phiên bản của radar FSP-3 cố định, một hệ thống thuộc thế hệ cũ từng được Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) dùng để phát hiện các hiểm họa trên không, các nguồn tin cho biết.
Tăng kỷ lục ngân sách quốc phòng
Nhật Bản vừa quyết định tăng ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục - 44 tỷ USD. Một phần số tiền này sẽ được dùng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Một phần khác sẽ được dùng để chế tạo 6 tàu ngầm được trang bị công nghệ cảm biến cải tiến để có thể đối phó hữu hiệu với những thách thức từ Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng, hạm đội tàu ngầm của SDF sẽ là một trong những sức mạnh cốt lõi của họ, tập trung vào nhiệm vụ cụ thể là phòng vệ. “Chính phủ Nhật Bản từ năm 1950 đã đầu tư thận trọng vào chương trình tàu ngầm và cơ bản hoàn thiện không chỉ về công nghệ mà cả quy trình xử lý”, CNN dẫn lời ông Corey Wallace - một chuyên gia về an ninh Nhật Bản tại ĐH Freie (Đức).
Hôm qua, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu triển khai hướng dẫn theo luật an ninh mới để cho phép SDF đảm trách nhiệm vụ mới về việc bảo vệ các tàu chiến Mỹ, hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo đưa tin. Động thái này đánh dấu sự mở rộng vai trò ở nước ngoài của SDF sau khi Lực lượng Phòng vệ mặt đất đưa quân đến Nam Sudan đầu tháng này để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các nhân viên Liên Hợp Quốc và những người khác nếu họ bị tấn công. SDF từ lâu bị hạn chế sử dụng vũ khí trừ khi bản thân họ bị tấn công, nhưng luật an ninh mới được triển khai từ năm ngoái đã mở rộng nhiệm vụ của SDF để bảo vệ quân đội của các nước khác khi họ bị tấn công.
Philippines cân nhắc đối phó Trung Quốc vẫn đưa vũ khí ra biển Đông
Philippines “đang cân nhắc các quy trình ngoại giao và pháp lý mà luật pháp quốc tế cho phép” để đối phó việc Trung Quốc gần đây vẫn lắp đặt các hệ thống vũ khí trên các đảo nhân tạo ở biển Đông, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cho biết hôm qua. Ông Yasay nói rằng, chính phủ Philippines vẫn tiếp tục thu thập thông tin để xác minh báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington đưa ra tháng trước nói rằng, Trung Quốc rõ ràng vẫn đang quân sự hóa trên vùng biển tranh chấp. “Gần đây, một báo cáo nói rằng, họ vừa mới đưa tên lửa ra đó. Chúng tôi quan ngại về điều đó, nếu thông tin này là đúng”, Kyodo dẫn lời ông Yasay.