Mỹ sẽ ra nghị quyết về tranh chấp tại châu Á-Thái Bình Dương

TP - Mỹ lên án các hành động cưỡng ép, đe dọa, hoặc sử dụng vũ lực nhằm cản trở sự tự do hoạt động trên không phận quốc tế, thay đổi hiện trạng hoặc gây bất ổn đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương (TBD).

Sáng 1/8 (theo giờ Việt Nam), hạ nghị sỹ Randy Forbes, Chủ tịch Tiểu ban Sức mạnh biển và triển khai lực lượng, và hạ nghị sỹ Colleen Hanabusa, thành viên Ủy ban Quân lực Hạ viện, giới thiệu dự thảo nghị quyết lưỡng đảng tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với tự do hàng hải ở châu Á-TBD. 

Hạ nghị sỹ Forbes nhấn mạnh, dự thảo tái khẳng định lợi ích quốc gia của Mỹ trong việc đảm bảo tự do hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp. Thời gian qua, Trung Quốc liên tục có các nỗ lực mang tính cưỡng ép nhằm thay đổi hiện trạng khu vực.

  

Dự thảo nghị quyết tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ Mỹ đối với tự do hàng hải, việc sử dụng hợp pháp vùng biển và vùng trời tại châu Á-TBD, cũng như giải pháp ngoại giao, hòa bình cho các đòi hỏi chủ quyền, tranh chấp lãnh thổ. 

Dự thảo nêu rõ, các vùng biển và vùng trời tại châu Á-TBD giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thịnh vượng, ổn định và an ninh trong khu vực, trong đó có hoạt động thương mại toàn cầu. Mỹ có lợi ích rõ ràng trong việc khuyến khích, ủng hộ các nước trong khu vực hợp tác và giải quyết các bất đồng bằng con đường ngoại giao, đồng thời kịch kiệt phản đối các hành vi cưỡng ép, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.

Dự thảo nghị quyết của Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ chỉ rõ, Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ không dựa trên luật pháp quốc tế, có biểu hiện mưu toan đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông mà Trung Quốc ký với ASEAN năm 2002. 

Mỹ hối thúc tất cả các bên kiềm chế những hoạt động gây mất ổn định, bao gồm chiếm đóng trái phép, nỗ lực khẳng định một cách trái luật những đòi hỏi chủ quyền gây tranh cãi… Mỹ ủng hộ các nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc trong việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông, ủng hộ sự phát triển của các định chế khu vực để tạo dựng sự hợp tác thực chất trong khu vực và tăng cường vai trò của luật pháp quốc tế. 

Ủy ban Quân lực Hạ viện nêu rõ, việc Mỹ thiết lập, thực thi khuôn khổ chính sách với chính phủ Việt Nam phản ánh những lợi ích an ninh quốc gia quan trọng của Mỹ trong việc làm sâu sắc và mở rộng quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam, thông qua việc bán hoặc chuyển giao trang thiết bị quốc phòng thích hợp.

Trong khi đó, Cục Hải sự quốc gia Trung Quốc ngày 31/7 thông báo, kể từ 12h ngày 1/8, lệnh cấm đánh bắt cá tại khu vực biển Đông chính thức được dỡ bỏ, tất cả tàu cá thuộc các tỉnh duyên hải được phép ra khơi đánh bắt cá. 

Theo Xinhua, riêng tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đã có 9.000 tàu cá với hơn 35.600 ngư dân. Báo Hong Kong The Standard ngày 1/8 đưa tin, bất chấp lệnh cấm đánh bắt cá (Trung Quốc đơn phương áp dụng), tỉnh Hải Nam hồi tháng 7 phái một đội tàu lớn xuống tận quần đảo Trường Sa để vơ vét nguồn lợi hải sản.

MỚI - NÓNG