Ngày 4/12/1997, một máy bay Boeing 737- 2H6 mang số hiệu MH653 của hàng hàng không Malaysia cất cánh từ sân bay Kuala Lumpur đến Singapore.
Vào lúc 19 giờ 54 phút cùng ngày, cơ trưởng của chuyến bay này là G.K Ganjoor hốt hoảng báo cáo về đài chỉ huy qua radio: “Chúng tôi có trường hợp khẩn cấp. Chúng tôi bị không tặc tấn công”.
Khâu cứu hộ khẩn cấp đã được thông báo ngay sau khi nhận được cuộc gọi kể trên. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau, cơ trưởng lại thông báo rằng họ vẫn đang tiếp tục tới Singapore. Song đó là cuộc gọi cuối cùng từ chiếc Boeing 737-2H6. Máy bay sau đó nhanh chóng biến mất khỏi màn hình radar và tất cả liên lạc đều thất bại vào khoảng 20 giờ 15 phút.
Sau đó, xác máy bay được tìm thấy tại một đầm lầy tại thành phố Tanjung Kupang, bang Johor (Malaysia). 100 người trên máy bay gồm 93 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn đều thiệt mạng.
Đoạn ghi âm trong buồng lái chiếc Boeing 737-2H6 cho thấy, tiếng ồn của cửa buồng lái bị phá vỡ kèm theo đó là tiếng la hét và chửi rủa.
Vụ không tặc này được coi là tai nạn tồi tệ nhất xảy ra với máy bay của hãng hàng không Malaysia. Cho tới nay, thủ phạm vụ không tặc vẫn chưa được phát hiện.
Malaysia Airlines được coi là một trong những hàng không an toàn nhất châu Á. Tuy nhiên, sau tai nạn khủng khiếp năm 1977, mới đây, ngày 8/3/2014, chiếc máy bay Boeing 777-200 mang số hiệu MH-370 của Malaysia cất cánh từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur tới Bắc Kinh (Trung Quốc) mất tích bí ẩn sau khoảng 50 phút cất cánh.
Các quan chức Malaysia cho biết họ không loại trừ khả năng khủng bố hoặc bất kì nguyên nhân nào khác đối với việc mất tích của máy bay Boeing 777.
Các nhà chức trách và chuyên gia cũng đưa ra nhiều giả thuyết rằng máy bay có thể bị khủng bố sau khi phát hiện có ít nhất 4 kẻ giả mạo trên máy bay mất tích và hai người được cho là người Duy Ngô Nhĩ tới từ Tân Cương, một điểm nóng bất ổn của Trung Quốc xuất hiện trên chuyến bay.
Giả thuyết tiếp theo rằng máy bay có thể bị nổ hoặc không tặc tấn công.
Tuy nhiên, ngày 9/3, các dữ liệu tình báo sơ bộ của Lầu Năm Góc cho thấy, máy bay Malaysia mất tích không hề bị nổ ở Biển Đông.
Hiện, vẫn chưa rõ thông tin cụ thể về máy bay mất tích này.