Dẫn lại thông tin của tờ Haaretz, RT cho biết, các chuyên gia của 2 tổ chức quốc tế nói trên không thể đăng ký với Cơ quan nội vụ Israel để có thể đi vào dải Gaza từ hồi tháng 7, với nhiệm vụ tiến hành điều tra các cáo buộc vi phạm tội ác chiến tranh và nhân quyền của chính quyền Israel, cũng như phong trào Hamas của Palestine.
Phía Israel đã đưa ra 2 lý do để không cấp phép cho các chuyên gia 2 tổ chức trên, gồm điểm kiểm soát Erez nằm giữa biên giới Israel và dải Gaza đang bị đóng và việc cả HRW và AI đều không thuộc danh sách các tổ chức cứu trợ nhân đạo của Bộ các vấn đề xã hội nước này.
Tuy nhiên, truyền thông Israel lại cho biết, Eretz trên thực tế vẫn mở đối với các nhà báo, nhân viên Liên Hợp Quốc và người Palestine trong suốt thời gian Tel Aviv tiến hành chiến dịch “Bảo vệ biên giới”. Hơn nữa, HRW và AI đều có thể được xét duyệt vào Gaza theo hướng dẫn của giới chức Israel.
Theo RT, HRW đã bị cấm vào dải Gaza từ năm 2006 đến nay, trong khi AI cũng bị từ chối cho vào dải Gaza từ năm 2012. Hai tổ chức này từng có thể vào Gaza theo đường biên giới Rafah nối với Ai Cập cho đến khi cựu Tổng thống Mohammed Morsi bị lật đổ trong cuộc đảo chính diễn ra hồi năm 2013. Kể từ thời điểm trên, Ai Cập đã đóng cửa khu vực này mà không nêu lý do rõ ràng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Israel, Yigal Palmor giải thích, Bộ này không nhận được phàn nàn nào từ phía HRW, còn AI không đăng ký với Bô các vấn đề xã hội của Israel. Tuy nhiên, HRW cho biết, đã không thể đăng ký được với Bộ Ngoại giao Israel. Cả hai tổ chức đều lên tiếng chỉ trích Tel Aviv.
“Chúng tôi đã làm mọi việc cần thiết, nhưng lại bị gây khó khăn”, thành viên AI tại Trung Đông, Deborah Hyams nói với Reuters.
Một số quốc gia vừa qua đã lên tiếng kêu gọi Liên Hợp Quốc mở cuộc điều tra về các cáo buộc vi phạm tội ác chiến tranh và nhân quyền ở dải Gaza trong cuộc xung đột giữa Israel và Hamas. Thống kê mới nhất, đã có hơn 2.016 người thiệt mạng do bom đạn của đôi bên, trong số này phần lớn là dân thường.