Đồng minh Mỹ - Hàn lục đục vì Triều Tiên

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp tại Nhà Trắng vào tháng 6 năm nay. Ảnh: NYT.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp tại Nhà Trắng vào tháng 6 năm nay. Ảnh: NYT.
TP - Trong gần 7 thập kỷ, Mỹ và Hàn Quốc luôn là hai đồng minh gần gũi nhất. Binh lính của hai nước phối hợp với nhau không chỉ trong chiến tranh Triều Tiên mà còn cả ở Việt Nam, Afghanistan và Iraq. Dưới cái ô của Mỹ, nền kinh tế Hàn Quốc cũng đạt tới sự phát triển thần kỳ. Giờ đây, khi Triều Tiên thử hàng loạt bom hạt nhân và phóng tên lửa, mối quan hệ đó lại trở nên căng thẳng vào lúc cả hai có thể cần nhau hơn bao giờ hết.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra những nhận xét có tính đối kháng với Hàn Quốc trong vài ngày qua. Tuần trước, ông Trump tuyên bố trên Twitter rằng “đối thoại không phải câu trả lời” để đối phó với Triều Tiên, trong khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in luôn thúc đẩy đối thoại với Triều Tiên. Cuối tuần qua, ông Trump dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận tự do thương mại 5 năm tuổi giữa Mỹ và Hàn Quốc vì những điều ông cho là chính sách bảo hộ không công bằng. Và sau khi Triều Tiên vừa kích hoạt quả bom hạt nhân mạnh nhất từ trước đến nay của họ, ông Trump gọi Hàn Quốc là “người thỏa hiệp vô nguyên tắc”.

Giọng điệu của ông Trump khiến các quan chức Mỹ cũng choáng váng và cho thấy quan hệ giữa ông và ông Moon đang ở tình trạng như thế nào, vào thời điểm mà quan hệ đồng minh quân sự 67 năm qua giữa hai nước đang đối mặt tình huống nguy hiểm hơn bao giờ hết trên bán đảo Triều Tiên.

Đắc cử với lời hứa sẽ tìm cách đối thoại với Triều Tiên, ông Moon đã phản bác ông Trump và nhắc lại quan điểm khủng hoảng phải được giải quyết hòa bình. “Chúng ta không thể chịu đựng thêm một cuộc chiến tranh tàn khốc nào nữa trên mảnh đất này”, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố cuối tuần qua. “Chúng tôi sẽ không từ bỏ mục tiêu cùng phối hợp với các đồng minh để tìm kiếm giải pháp phi hạt nhân hóa hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”, tuyên bố viết.

Trong cuộc điện đàm đầu tuần này, hai nhà lãnh đạo đồng ý bỏ giới hạn đầu đạn truyền thống mà Hàn Quốc được phép sở hữu. Việc gỡ bỏ giới hạn 500 kilogram theo một hiệp ước giữa Mỹ và Hàn Quốc nhằm ngăn chặn chạy đua vũ trang ở khu vực sẽ trao cho Seoul sức mạnh lớn hơn để đáp trả Triều Tiên trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự. Ông Moon và ông Trump cũng đồng ý “tạo áp lực và các biện pháp trừng phạt tối đa đối với Triều Tiên” tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nhưng ông Moon cho rằng, áp lực và các biện pháp trừng phạt không đủ để ngăn Triều Tiên phát triển công nghệ hạt nhân và tên lửa. Trong khi ông Trump dọa sẽ bao phủ Triều Tiên bằng “lửa và cơn giận dữ”, ông Moon cho rằng phải tìm ra giải pháp hòa bình vì chính người Hàn Quốc chứ không phải người Mỹ phải hứng chịu nếu chiến tranh xảy ra.

“Ông Trump cho rằng ông Moon thật ngây thơ khi khăng khăng đòi đối thoại với Triều Tiên trong khi Bình Nhưỡng liên tục thử hạt nhân và tên lửa. Ông Trump đang hỏi ông Moon “ông có cùng phe với chúng tôi hay không?”, ông Lee Seong-hyon, một nhà phân tích tại Viện Sejong (Hàn Quốc), nhận xét.

Viễn cảnh tồi tệ

Ông Trump không phải lãnh đạo Mỹ đầu tiên hoài nghi về cách tiếp cận của lãnh đạo Hàn Quốc đối với Triều Tiên. Từ khi Triều Tiên lần đầu được phát hiện ngấm ngầm phát triển vũ khí hạt nhân vào những năm 1990, quan hệ Mỹ - Hàn không phải lúc nào cũng hòa thuận.

Washington lo rằng nếu các lãnh đạo Hàn Quốc thích đối thoại hơn sẽ giúp Triều Tiên có thêm thời gian và các khoản tiền để phát triển chương trình vũ khí hạt nhân của họ. Còn phe cấp tiến Hàn Quốc cho rằng, đối thoại với Triều Tiên sẽ giúp làm chậm, thậm chí giúp dừng chương trình vũ khí của Triều Tiên, ít nhất trong một khoảng thời gian.

Ông Moon có tư tưởng giống cựu Tổng thống Roh Moo-hyun, một người thuộc phe tự do và lên nắm quyền nhờ chính sách thúc đẩy đối thoại, thương mại và viện trợ cho Triều Tiên. Ông Roh đắc cử năm 2002 một phần nhờ làn sóng chống Mỹ sau vụ hai nữ sinh Hàn Quốc thiệt mạng vì bị một xe quân sự Mỹ cán. “Washington vẫn ngờ rằng Tổng thống Moon là phiên bản Roh Moo-hyun 2.0”, ông Kim Ji-yoon, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu chính sách Asan ở Seoul, nói.

Hơn nữa, ông Moon và ông Trump không có quan hệ cá nhân thân thiết, lại xuất thân từ hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau. Ông Moon vốn là luật sư về nhân quyền, chuyên bảo vệ những người hoạt động vì quyền lao động và những người bất đồng chính trị, còn ông Trump vốn là trùm bất động sản. Trong khi ông Trump giương cao ngọn cờ “Mỹ là trên hết”, ông Moon tuyên bố trong thời gian tranh cử rằng, ông sẽ “nói không với người Mỹ” nếu cần thiết.

Nếu ông Trump coi Triều Tiên trước hết là một mối đe dọa hạt nhân thì ông Moon, vốn là con của gia đình phải chạy trốn khỏi chiến tranh Triều Tiên, lại luôn cố gắng giải quyết vấn đề trong một bối cảnh rộng hơn là tạo dựng sự hòa giải và cuối cùng là thống nhất bán đảo.

Trong lúc tranh cử, ông Moon gây báo động cho Washington khi nói rằng ông sẽ đánh giá lại thỏa thuận để Mỹ đưa hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đến Hàn Quốc. Tổng thống Hàn Quốc sau đó tự điều chỉnh, nhưng Washington lại tiếp tục phải nếm vị chát khi ông Moon thẳng thừng nhắc nhở ông Trump trong bài phát biểu trên truyền hình gần đây: “Không ai được quyết định hành động quân sự trên bán đảo Triều Tiên mà không có sự đồng ý của Hàn Quốc”.

Thách thức với Hàn Quốc giờ đây là phải sống chung với thực tế Triều Tiên có vũ khí hạt nhân. Người Hàn Quốc sợ rằng sau khi Triều Tiên đã có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân, họ sẽ dùng chúng để khoét sâu chia rẽ giữa Washington và Seoul bằng cách đồng ý đóng băng chương trình hạt nhân để đổi lấy việc Mỹ phải rút quân khỏi Hàn Quốc. Giới phân tích cho rằng, trong kịch bản tồi tệ nhất, Triều Tiên có thể tấn công Hàn Quốc và dùng vũ khí hạt nhân để ngăn Mỹ can thiệp.

Việt Nam phản đối mọi hành vi làm phức tạp tình hình Triều Tiên

Việc CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân lần 6 đã vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mọi hành vi làm phức tạp tình hình, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực và thế giới. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 5/9 tuyên bố như vậy để trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Triều Tiên thử hạt nhân lần 6 vào ngày 3/9. Đại diện Bộ Ngoại giao cũng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bằng biện pháp hòa bình; nghiêm túc tuân thủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Theo Theo New York Times, CNN
MỚI - NÓNG
Trấn Thành, Thu Minh đều bị chê
Trấn Thành, Thu Minh đều bị chê
TPO - Nhận xét về ca sĩ Phạm Anh Duy, cả Thu Minh và Trấn Thành bị khán giả chỉ trích miệt thị ngoại hình đàn em. Trong tập 12 "Bài hát của chúng ta", bốn gương mặt nghệ sĩ phải nói lời chia tay với chương trình.