Tôn Chính Tài, ngôi sao đang lên của chính trường Trung Quốc, tuần trước bất ngờ bị miễn chức bí thư thành ủy Trùng Khánh và đang bị điều tra về hành vi "vi phạm kỷ luật đảng". Theo giới phân tích, cú vấp ngã của Tôn phần nào thể hiện "trò chơi quyền lực" của Chủ tịch Tập Cận Bình trước thềm đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm nay.
Theo Tetsushi Takahashi, trưởng đại diện của Nikkei ở Trung Quốc, quyết định miễn chức Tôn Chính Tài được coi là bước khởi đầu trong quá trình sắp xếp, lựa chọn người kế nhiệm của ông Tập. Người thay thế Tôn làm bí thư Trùng Khánh chính là Trần Mẫn Nhĩ, từng làm việc dưới quyền ông Tập khi ông còn là bí thư tỉnh ủy Chiết Giang.
Khi trúng cử vào Bộ Chính trị trong đại hội đảng nhiệm kỳ trước, Tôn Chính Tài trở thành ủy viên trẻ tuổi nhất của cơ quan quyền lực nhất trên chính trường Trung Quốc. Theo bình luận viên Chun Han Wong của Wall Street Journal, ở tuổi 53, Tôn Chính Tài hoàn toàn đáp ứng yêu cầu về tuổi tác cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Trung Quốc.
Cùng với bí thư tỉnh ủy Quảng Đông Hồ Xuân Hoa, ông Tôn vào thời điểm đó được coi là một trong hai ứng viên tiềm năng nhất kế nhiệm Chủ tịch Tập Cận Bình. Để tiến tới vị trí này, Tôn Chính Tài chỉ cần trở thành một trong 7 thành viên Thường vụ Bộ Chính trị trong kỳ đại hội đảng tiếp theo, giống như những gì ông Tập đã làm trong đại hội năm 2007.
Nhưng trong vài tháng gần đây, "điềm xấu" bắt đầu xảy ra với ông Tôn. Hồi tháng 2, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc ra thông báo về kết quả thanh tra toàn diện thành phố Trùng Khánh, cho rằng các lãnh đạo ở đây đã không thành công trong việc "loại bỏ tàn dư độc hại" từ thời cựu bí thư Bạc Hy Lai. Bạc Hy Lai từng được coi là ngôi sao sáng của Trùng Khánh, nhưng bị kết án chung thân vì tội tham nhũng và lạm quyền vào năm 2013.
Đến tháng 6, truyền thông Trung Quốc loan tin Hà Đĩnh, giám đốc công an Trùng Khánh, bị cách chức. Trong thông báo bổ nhiệm tân bí thư Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ hồi cuối tuần qua, những gì mà ông Tôn đã làm cho thành phố này trong suốt 5 năm qua không được đề cập dù chỉ một chữ.
4 quan chức cấp cao Trung Quốc giấu tên tiết lộ với Reuters rằng trong cuộc họp bàn giao nhiệm vụ ở Trùng Khánh dưới sự chủ trì của Trưởng ban Tổ chức trung ương Triệu Lạc Tế, quyết định điều tra Tôn Chính Tài được công bố. Ông Tôn chấp nhận đánh giá của cơ quan giám sát chống tham nhũng mà không có ý kiến gì.
Giới quan sát cho rằng với việc bị miễn chức bí thư Trùng Khánh và đang bị điều tra, ông Tôn gần như đã đánh mất cơ hội trở thành ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị trong lần đại hội tới.
"Đại hội 18 bầu Tôn Chính Tài và Hồ Xuân Hoa vào Bộ Chính trị, hai người rất có thể sẽ kế nhiệm Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường", Joseph Fewsmith, giáo sư chính trị Trung Quốc tại Đại học Boston, cho biết. "Nhưng giờ đây một phần quyết định của đại hội 18 đã bị thay đổi. Chúng ta sẽ chờ xem phần còn lại như thế nào", ông nói.
Ông Tôn (giữa, hàng trên) được coi là ứng viên sáng giá cho vị trí kế nhiệm ông Tập sau đại hội 18. Ảnh: Reuters.
Theo giáo sư Fewsmith, sự "ngã ngựa" của Tôn khiến dư luận càng chú ý hơn tới Hồ Xuân Hoa, thân tín của cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Trong chuyến đi kiểm tra tỉnh Quảng Đông hồi tháng 4, ông Tập đã "hoàn toàn xác nhận" những thành tựu của tỉnh này trong 5 năm qua.
Cơ hội khép lại với Tôn Chính Tại lại là cánh cửa mở ra thênh thang hơn với Trần Mẫn Nhĩ, người đã phục vụ dưới quyền ông Tập trong nhiệm kỳ 5 năm ở Chiết Giang. Trong suốt 10 năm qua, bí thư Trùng Khánh luôn được đảm bảo một ghế trong Bộ Chính trị Trung Quốc.
"Trần Mẫn Nhĩ đã làm việc với ông Tập trước đây và thể hiện được lòng trung thành chính trị tuyệt đối, tiêu chuẩn quan trọng nhất để được thăng tiến dưới sự lãnh đạo của ông Tập", Zhao Suisheng, giám đốc Trung tâm Hợp tác Trung – Mỹ tại Đại học Denver, nhận định.
Củng cố quyền lực
Theo giáo sư khoa học chính trị Zhang Jian tại Đại học Peking, vụ việc này một lần nữa biến Trùng Khánh thành tâm điểm chú ý của chính trường Trung Quốc, dù quy mô không lớn như vụ Bạc Hy Lai. "Việc loại bỏ Tôn Chính Tài cho thấy những động thái trước thời kỳ thay đổi lãnh đạo cũng như thể hiện khả năng kiểm soát hoàn toàn tình hình chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình", ông Zhang nói.
Theo Zhang, đây là một phần trong nỗ lực siết chặt quyền lực của ông Tập trước đại hội đảng. Ông Tập được trao danh hiệu "nhà lãnh đạo hạt nhân" trong hội nghị đảng năm ngoái, một thay đổi mang tính chấn động trong giới chính trị tinh hoa Trung Quốc, bởi nước này hơn 3 thập kỷ qua vẫn chú trọng vào khả năng lãnh đạo tập thể, không tập trung quyền lực vào một cá nhân. Quyền lực của ông Tập càng lớn hơn nữa thông qua chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ, diệt ruồi" có quy mô toàn quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters.
Đây chính là tiền đề để ông lấp chỗ trống ở những vị trí cấp cao bằng các đồng minh của mình. Giới quan sát cho rằng việc loại bỏ Tôn Chính Tài để thay bằng Trần Mẫn Nhĩ chính là một phần trong nỗ lực trên.
Takahashi cho rằng ngoài nỗ lực củng cố quyền lực để chuẩn bị cho nhiệm kỳ ba, ông Tập có thể muốn "khởi động lại" cuộc đua cho vị trí kế nhiệm mình, vốn đã được đại hội 18 an bài ở hai ứng viên Tôn Chính Tài và Hồ Xuân Hoa.
Với việc Tôn Chính Tài bị loại bỏ, cuộc đua lấp chỗ trống mà ông này để lại giờ đây trở nên quyết liệt hơn với ba gương mặt, gồm tân bí thư Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ, bí thư Hắc Long Giang Trương Khánh Vỹ và Chu Cường, chủ tịch kiêm chánh án tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc.
Bằng quyết định miễn nhiệm và điều tra ứng viên sáng giá có thể kế nhiệm mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa cho thấy xu hướng phá vỡ các quy tắc bất thành văn của đảng, bên cạnh việc điều tra cả những quan chức cấp cao nghỉ hưu hoặc đang đương chức, theo ông Zhao.
"Tất cả mọi dấu hiệu đều dẫn tới một khả năng là ông Tập đang lên kế hoạch cho nhiệm kỳ ba sau khi hai nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2022", Zhao nhận định. "Người kế nhiệm phải được hoạch định theo ý đồ của ông, không phải những sắp xếp được người tiền nhiệm đưa ra từ 5 năm trước".