Trung Quốc sẽ cải cách ruộng đất

Trung Quốc sẽ cải cách ruộng đất
TP - Kế hoạch cải cách 383 của Trung Quốc nhấn mạnh việc hình thành thị trường đất công hữu thống nhất trên cả nước, đặc biệt là cải tổ quyền sở hữu đất đai của nông dân.

> Trung Quốc ban bố nhiều biện pháp cải cách mới
> Trung Quốc vùng vẫy “thoát bẫy”

Nông dân Trung Quốc phải chịu nhiều thiệt thòi trong quá trình đô thị hóa. Ảnh: AP
Nông dân Trung Quốc phải chịu nhiều thiệt thòi trong quá trình đô thị hóa. Ảnh: AP.

Theo kế hoạch cải cách mới, Trung Quốc sẽ xây dựng một thị trường đất đai thống nhất giữa thành thị và nông thôn. Nông dân sẽ có quyền sở hữu đất đai và được cấp giấy chứng nhận, có quyền bán, cho thuê, cầm cố, chuyển nhượng đất đai và phải nộp thuế như khi chuyển nhượng các tài sản khác. Việc chính quyền địa phương mất nguồn thu từ đất sẽ được trung ương bù đắp bằng các khoản thuế và chính sách thúc đẩy tiêu dùng.

Báo Le Monde (Pháp) đánh giá đây là một cuộc cách mạng nhỏ tại Trung Quốc. Vài tuần trước khi hội nghị trung ương 3 khai mạc, một đề xuất cải cách do ông Liu He, cố vấn kinh tế của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chủ trì được công bố.

Theo đề xuất này, người dân nông thôn và thành thị có những quyền đất đai như nhau. Người dân tại nông thôn được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo giá thị trường hay được đem thế chấp để vay ngân hàng.

Để sắp xếp lại hoạt động sản xuất nông nghiệp và tái cân bằng nền kinh tế, Bắc Kinh đang tập trung phát triển các thành phố, biến thành phần nông dân sở hữu những thửa ruộng kém năng suất thành tầng lớp tiêu thụ đô thị mới.

Một chuyên gia Trung Quốc nhận định: “Nếu Trung Quốc hiện đại hóa thì phải đô thị hóa đất nước. Và chính sách cải cách sở hữu đất đai là chìa khóa của sự thành công”.

Hiện nay, pháp luật Trung Quốc quy định hai hình thức sở hữu đất đai: đất thành thị thuộc sở hữu nhà nước, đất nông thôn thuộc sở hữu tập thể. Tại các thành phố, đất đai tuy thuộc về Nhà nước, nhưng chủ sở hữu được cấp chứng nhận sở hữu tư cho một giai đoạn kéo dài khoảng 70 năm và có thể được gia hạn.

Ở khu vực nông thôn, nông dân chỉ có quyền sử dụng, không có quyền mua bán, chuyển nhượng đất thuộc sở hữu tập thể. Chỉ chính quyền địa phương mới có quyền chuyển mục đích sử dụng đất, đóng vai trò trung gian trong việc trưng thu đất của nông dân, biến thành đất thuộc sở hữu nhà nước và bán lại cho chủ đầu tư.

Theo các chuyên gia, chính quyền địa phương thường lạm quyền trong việc thu hồi đất với giá rẻ mạt và bán lại đất với giá cao gấp nhiều lần cho các doanh nghiệp địa ốc để phát triển đô thị.

Tiền bồi thường thu hồi đất cũng không được trả trực tiếp cho nông dân mà thông qua ủy ban xã, sau đó ủy ban chia lại cho người có đất bị trưng thu sau khi trừ đi các chi phí do chính quyền địa phương quy định.

Mâu thuẫn nảy sinh chính từ khoản chênh lệch địa tô rất lớn mà người nông dân mất đất không được thụ hưởng. Hơn nữa, còn hình thành nhóm lợi ích gồm các quan chức bắt tay doanh nghiệp bất động sản.

Người nông dân thiếu vốn sản xuất, kinh doanh cũng không thể cho thuê hay cầm cố đất ở ngân hàng để vay tiền. Khi muốn từ bỏ nông thôn để lên thành thị kiếm sống, họ không thể nào chuyển nhượng quyền sử dụng đất vì không được phép.

Nhiều quan chức địa phương sẽ phản đối

Giáo sư kinh tế Li Lixing tại Đại học Bắc Kinh đánh giá việc phân giới địa lý, cấp giấy tờ chứng nhận sở hữu và khả năng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai trong một giai đoạn hạn chế là những bước quan trọng và mới mẻ đối với nông dân. Khả năng được chuyển nhượng dứt điểm quyền sử dụng đất hay được phép thế chấp vay ngân hàng chắc chắn giúp thúc đẩy làn sóng đổ về thành thị. Chính quyền cũng khuyến khích nông dân thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, chấm dứt tình trạng canh tác manh mún.

Tuy nhiên, việc cải cách quy định việc trưng thu đất đai của nông dân (phải được trả giá cao) có thể gặp phải sự phản đối từ các chính quyền địa phương. Theo tạp chí Tài Kinh (Trung Quốc), đến cuối quý III/2013, tổng số nợ của các chính quyền địa phương Trung Quốc vào khoảng 2.261 tỷ USD. Do nợ nần chồng chất, nên nhiều tỉnh càng đẩy mạnh thu hồi đất của nông dân để bán lấy tiền trả nợ.

Ông Tao Ran, Giám đốc Trung tâm Kinh tế công và Quản trị tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, nhận định nhiều quan chức địa phương sẽ chống cự hoặc tìm cách né tránh chính sách cải cách khiến họ hao hụt nguồn thu từ đất. Nhiều chính quyền địa phương thường nợ rất lớn nên họ không muốn mất sự độc quyền kiểm soát đất đai. Rất nhiều khoản vay nợ đã được thế chấp bằng đất. Họ không tin chính quyền trung ương sẽ rót đủ tiền bù lại các nguồn thu bị mất.

Đặng Vương Hạnh
Theo Le Monde, Tài Kinh

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG