'Mỹ sửa soạn kế hoạch tấn công phủ đầu chí mạng'
> Lợi dụng Snowden, tung tin vịt 'siêu bão mặt trời giết triệu người'
> Campuchia: Đoàn kết - chìa khóa để ổn định đất nước
TPO - Nhà nghiên cứu quân sự Sergei Evghenhievich Anuchin cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đã biến đổi từ một hệ thống phòng thủ thành hệ thống tiến công hữu hiệu cho đòn phủ đầu chí mạng.
Được biết việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu của Mỹ cho phép đánh chặn các tên lửa chiến lược của chúng ta. Phía Mỹ kiên quyết phủ nhận định hướng chống nước Nga của hệ thống này. Ông nghĩ sao?
Sergei Anuchin: Có thể nói, dường như hệ thống phòng thủ tên lửa do người Mỹ xây dựng đã biến đổi từ một hệ thống phòng thủ thành hệ thống tiến công- một công cụ hữu hiệu cho đòn phủ đầu chí mạng. Thật sự cho tới thời gian gần đây, nước Nga vẫn chưa có một sự hình dung chính xác về mức độ nguy hiểm của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ. Chỉ mới là sự lo ngại theo cảm tính. Trong quá trình xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa, Mỹ giữ bí mật ngay với cả các đồng minh châu Âu của mình, thực chất những vũ khí này cũng là vũ khí tiến công. Các đồng minh bị Mỹ qua mặt mà không hề hay biết. Đánh vào tâm lý, Mỹ nhát người châu Âu bằng những mối đe dọa mà họ vẽ ra. Trên thực tế, một hệ thống tiến công núp dưới chiêu bài “bảo vệ” được đưa vào sát nách lãnh thổ Nga. Những vũ khí mà người Mỹ sử dụng về mặt nguyên tắc có các khả năng khác với những gì mọi người vẫn thường quan niệm.
Các khả năng khác có nghĩa là gì, thưa ông?
Sergei Anuchin: Đơn cử như các công trình nghiên cứu tích hợp trên máy bay tiêm kích F-15S loại tên lửa đánh chặn Patriot PAC-3 MSE. Các công trình này được đích thân Mike Trotsky- Phó chủ tịch hãng Lockheed chuyên trách về hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa chỉ đạo. Việc phóng tên lửa từ máy bay tiêm kích F-15S được tiến hành từ container cố định tại vị trí thường dùng để treo thùng nhiên liệu. Container này được chế tạo giống hệt như thùng nhiên liệu treo của nhiều loại máy bay để có thể treo vào bất kỳ máy bay nào. Những nghiên cứu về khả năng tích hợp tên lửa Patriot lên các máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 F-22 và JSF cũng đã được tiến hành, kể cả loại tiêm kích F-16. Ngoài ra những tên lửa như thế cũng được dự kiến trang bị cho máy bay tuần tra săn ngầm P8A Poseidon. Mỹ còn có cả ý tưởng lắp đặt tên lửa đánh chặn trên các máy bay không người lái như X-47B.
Theo chuyên gia Nga, máy bay không người lái tàng hình X-47B của Mỹ có thể mang tên lửa đánh chặn. |
Người Mỹ định giải quyết những nhiệm vụ gì bằng cách đó?
Sergei Anuchin: Nhiệm vụ đó chính là độc chiếm bầu trời. Chủ yếu nó được giải quyết trong quá trình không chiến. Vào năm 1967, Israel bằng những cuộc tiến công bất ngờ đã tiêu diệt đại bộ phận không quân đối phương trên các sân bay. Một ví dụ rất hấp dẫn. Người Mỹ thích cách hành động chớp nhoáng nên thường nghiên cứu xây dựng các phương án thực hiện đòn bất ngờ nhằm tước khí giới và làm cho đối phương tê liệt.
Ngày 13/6/2002, Mỹ rút khỏi Hiệp ước về hạn chế các hệ thống phòng thủ tên lửa ký ngày 26/5/1972, mà theo đó họ chỉ có thể bố trí hệ thống chống tên lửa cùng với những phương tiện định hướng và dẫn đường cho vũ khí chống tên lửa của NATO trên lãnh thổ nước mình. Hiện nay ở châu Âu, Mỹ đã có kế hoạch xây dựng khu vực trận địa chống tên lửa thứ 3 với những giếng phóng cho loại tên lửa GBI ở Ba Lan.
Các tên lửa tầm trung Pioneer của Nga trước đây được chế tạo trên cơ sở tên lửa xuyên lục địa, cũng như nền tảng của loại tên lửa đánh chặn GBI là tên lửa xuyên lục địa Minuteman. Về thực chất đây cũng là loại tên lửa tầm trung, được sử dụng để đánh chặn tên lửa. Người Mỹ thậm chí vẫn chưa bỏ các bệ phóng kiểu giếng lò. Nếu được bố trí tại Ba Lan, những khắc tinh GBI của tên lửa có thể vươn tới cả Novosibirsk. Điều này đã được đại tá Vladimir Vasiliev, người đã nửa thế kỷ nghiên cứu đề tài phòng thủ tên lửa lưu ý từ năm 2008.
Sau chuyến thăm Moscow của Tổng thống Mỹ Barack Obama tháng 7/2009, trước những lý do mà phía Nga đưa ra, người Mỹ đã từ bỏ khu vực trận địa phòng thủ tên lửa thứ 3, mà ở đó dự kiến sử dụng loại tên lửa đánh chặn hạng nặng GBI. Ngày 17/9/2009 ông Obama tuyên bố rằng, hiện nay Mỹ chủ yếu dựa vào hệ thống phòng thủ tên lửa di động được triển khai ở khu vực Địa Trung Hải, Baltic, Biển Đen và trên lãnh thổ một số quốc gia châu Âu. Vấn đề là ở chỗ cự ly có khả năng bị tiến công của Moscow đã bị rút ngắn thêm. Thời gian bay tới Moscow của tên lửa SM-3 sử dụng trong hệ thống phòng thủ tên lửa di động còn ngắn hơn so với tên lửa đánh chặn GBI.
Từ những trận địa tiền tiêu sát biên giới nước Nga các tên lửa đánh chặn của Mỹ có thể thực hiện nhiệm vụ chiến lược tốt hơn rất nhiều so với những tên lửa xuyên lục địa. Thời gian bay của chúng (5-6 phút) khiến phía Nga hầu như không thể thực hiện những cú phản đòn, bởi vì thời gian tính toán, xác định biện pháp đánh trả đã mất tối thiểu 4 phút. Đòn tiến công tập trung vào các sở chỉ huy, đài điều khiển và các địa điểm bố trí bệ phóng tên lửa, trên thực tế chắc chắn sẽ loại khỏi vòng chiến đấu phần lớn lực lượng của Nga. Theo những tư liệu của đô đốc Vladimir Komoedov- Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Duma quốc gia Nga cho biết: “Một nhóm nhà khoa học Mỹ đã soạn thảo bản báo cáo, trong đó đề xuất rằng nhất định phải oanh kích cả nước Nga và xác định có 12 mục tiêu chính cần phải tiến công”. Hệ thống phòng thủ tên lửa di động của Mỹ - vũ khí còn đang được giữ bí mật nhất định sẽ tấn công phủ đầu Nga khi cần thiết.
Các tên lửa SM-3 được sử dụng để tiến công các mục tiêu trên bộ bằng cách nào?
Sergei Anuchin: Trong khoảng thời gian 10 năm qua đã diễn ra bước đột phá về chất lượng trong công nghệ tên lửa cũng như các công nghệ khác. Các tên lửa chiến thuật được hoán cải thành tên lửa chiến lược, chúng có thể tiêu diệt các mục tiêu cả trong vũ trụ cũng như trên mặt đất. Lịch sử họ tên lửa Standart Missile (SM) cũng bắt đầu từ tên lửa phòng không “Tartar”. Tên lửa SM-1 được nghiên cứu từ năm 1963.
Ngay từ đầu tất cả các phiên bản của SM-1 đã có thể được sử dụng để bắn những mục tiêu trên mặt nước trong tầm phát sóng ngang của chiến hạm. Đồng thời những phiên bản của SM-1 chuyên dùng để tiêu diệt các mục tiêu trên bộ và trên mặt nước ở ngoài đường chân trời cũng đã được chế tạo. Loại tên lửa Standart ARM lớp không-đối radar được chế tạo dựa trên cơ sở tên lửa phòng không SM-1. Loại tiếp theo SM-2 cũng có thể sử dụng để diệt các mục tiêu trên mặt đất và mặt nước. Nhưng thời đó loại tên lửa cận âm Harpoon có tầm bắn lớn được ưa chuộng hơn. Vào năm 1998 trên cơ sở loại tên lửa Standart-2, người Mỹ bắt đầu nghiên cứu tên lửa LASM để tiến công các mục tiêu trên bộ, với ý định sẽ đưa vào trang bị năm 2004.
Tên lửa siêu thanh của Mỹ có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào trên toàn cầu trong vòng một tiếng đồng hồ. |
Các nhà thiết kế tên lửa hạm đối đất cho rằng, nó sẽ có vai trò đáng kể khi tiến công từ biển trong tầm 200 hải lý (370 km) và sẽ bảo đảm chi viện hỏa lực điểm cho lính thủy đánh bộ Mỹ linh hoạt hơn. Hệ thống định hướng cho tên lửa là quán tính kết hợp với dẫn đường bằng vệ tinh. Ngoài đầu đạn phá nổ-mảnh thông thường, tên lửa còn được trang bị đầu đạn kiểu đâm xuyên. Các thử nghiệm đã hoàn toàn khẳng định tên lửa LASM có khả năng hoàn thành những nhiệm vụ chiến đấu kỳ vọng. Lẽ ra hải quân Mỹ đã phải nhận được 1.200 tên lửa loại này, vì theo kế hoạch phải bắt đầu sử dụng vào năm 2003. Nhưng chương trình đã bị tạm dừng đúng vào năm đó dường như vì thiếu ngân sách(?!). Các cuộc thử nghiệm LASM đã diễn ra một cách thành công. Vậy tại sao Washington không khoe khoang thắng lợi? Chỉ qua thông tin bị rò rỉ mới biết rằng từ hơn 1 năm trước các tên lửa SM-2 đã có thể tiêu diệt những mục tiêu trên mặt biển và mặt đất ở cự ly 500 km. Té ra nhiệm vụ đã được hoàn thành và thậm chí là hoàn thành vượt mức.
Quả là sự khiêm tốn đáng ngạc nhiên!
Sergei Anuchin: Đó không phải là khiêm tốn mà là bảo mật. Tên lửa LASM có thể tiêu diệt các mục tiêu trên bộ ở cự ly lớn gấp 3-4 lần cự ly đánh chặn các mục tiêu trên không cùng với tên lửa phòng không SM-2. Ngày 21/2/2008 ở độ cao 245 km và cự ly 450 km tên lửa SM-3 Block IB đã bắn trúng một vệ tinh quân sự không còn hoạt động của Mỹ. Trong trường hợp này tên lửa đánh chặn này còn chưa thể hiện hết những khả năng tối đa của mình - độ cao 320 km, cự ly 780 km. Loại tên lửa SM-3 Block II sẽ còn có những tính năng cao hơn- có thể đánh chặn các mục tiêu ở độ cao 1.000 km, với cự ly 1.500 km- xa hơn gấp 10 lần so với SM-2 BlockII/III là cơ sở dựa trên đó chế tạo tên lửa LASM. Những công nghệ được nghiên cứu trong khi chế tạo tên lửa LASM cũng rất có ích cho vai trò khác của họ tên lửa mới SM-3 hoàn thiện hơn. Toàn bộ phần lãnh thổ châu Âu của nước Nga và thậm chí cả những khu vực xa hơn đều nằm trong tầm ngắm. Trên thực tế Mỹ đã vi phạm từ lâu Hiệp ước về tên lửa tầm trung và tầm ngắn.
Tên lửa SM-3 phóng đi từ chiến hạm Mỹ. |
Cứ cho là như thế. Nhưng làm thế nào có thể tiêu diệt các mục tiêu được giữ bí mật và bảo vệ chắc chắn của nước Nga với số lượng tấn công chỉ có 12 mục tiêu?
Sergei Anuchin: Trong việc tiêu diệt các mục tiêu với độ chính xác cao chỉ cần trang bị cho các đầu đạn kiểu đâm xuyên một lượng nổ hạt nhân không lớn lắm. Hệ thống định vị vệ tinh sẽ bảo đảm dẫn đường chính xác với độ sai lệch không quá 20-30 cm về hướng và 50 cm về tầm. Đầu đạn kiểu đâm xuyên trước đây đã được chế tạo cho tên lửa SM-2 (LASM). Lưu ý rằng, ở loại tên lửa “Pershing-2” các đầu đạn có thể xuyên sâu vào lòng đất tới 50-70 mét. Với sức công phá của lượng nổ hạt nhân ở độ sâu, sóng địa chấn sẽ phá hủy các hầm ngầm kiên cố trong bán kính hàng chục mét. Sẽ không thể chạy đi đâu được. Bản thân số lượng 12 mục tiêu nói lên rằng, chiến tranh có thể bắt đầu vào bất kỳ thời điểm thuận lợi nào, khi tình hình cho phép loại bỏ những tay chơi hàng đầu khỏi cuộc chơi để không phải chịu những đòn giáng trả có thể gây ra những thiệt hại không thể chấp nhận được đối với nước Mỹ.
Có điều gì thế giới còn chưa biết về chiến lược của Mỹ ở châu Âu?
Sergei Anuchin: Phương án bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa ở Rumani và Ba Lan đối với nước Nga là nguy hiểm hơn cả. Tuần dương hạm hay khu trục hạm trong hệ thống phòng thủ tên lửa không dễ gì tiếp cận biên giới nước Nga mà không bị phát hiện. Nhưng còn các tên lửa đánh chặn được đặt trong các khối tiêu chuẩn của những bệ phóng tổng hợp thẳng đứng Mk41 từ lãnh thổ các nước láng giềng sẽ thường xuyên nhằm vào nước Nga. Hơn nữa, các bệ phóng có thể được lắp ráp vào container 40 feet vận tải đường biển chẳng hạn... Và những “container đặc biệt” như thế có thể xuất hiện ở bất cứ đâu. Không thể kiểm soát được chúng. Các con tàu chuyên chở một lượng lớn container không thể nào đếm được. Bất kỳ một đoàn tàu hàng nào cũng có thể là phương tiện mang tên lửa. Những container đường biển cũng có thể được chuyên chở bằng ô tô tải. Những “container đặc biệt” này có thể được đặt ở bất kỳ lối ra vào cảng hoặc kho chứa hàng nào. Tình huống như vậy nhiều không kể xiết.
Nhà nghiên cứu chính trị Sergei Markov lưu ý, theo tài liệu mật của Bộ ngoại giao Mỹ về chiến lược quân sự mới của Washington được site của WikiLeaks công bố, trong thời gian sắp tới 15.000 quân nhân Mỹ từ Đức sẽ được tái bố trí sang lãnh thổ Ba Lan và Pribaltic. Tổng số sẽ có 9 sư đoàn từ Mỹ, Anh, Đức sẽ được đưa vào lãnh thổ Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic.
Mỹ đã sẵn sàng bắt tay vào việc tăng cường cụm hải quân ở vùng biển Baltic. Đã có các kế hoạch chuyển căn cứ cho các máy bay tiêm kích F-16 từ sân bay Aviano ở Italia sang một sân bay ở thành phố Lask của Ba Lan. Đây chính là sân bay trước đây đã đảm nhiệm việc thực hiện phần lớn các cuộc tiến công đường không chống Nam Tư. Có 7 sân bay được xây dựng và có trang thiết bị theo tiêu chuẩn NATO ở Ba Lan đủ khả năng đảm bảo cho việc tăng cường cụm không quân. Các sân bay Zokniai và Lielvarde ở Litva và Latvia đã được nâng cấp. Vào tháng 2/2012, NATO đã tuyên bố sẵn sàng tiến hành các chiến dịch quân sự từ sân bay Emary ở Estonia. Các cơ sở hạ tầng cần thiết khác để bảo đảm cho hoạt động của cụm quân NATO cũng đang được gấp rút xây dựng.
Theo khởi xướng của Lầu năm góc, tại Talin vào năm 2011 đã thành lập Trung tâm bảo vệ điều khiển học của NATO. Trung tâm an ninh năng lượng tại Vilnhius cũng đã được thành lập vào năm 2012. Theo kế hoạch, vào năm 2013 Trung tâm viễn thông chiến lược của NATO sẽ được xây dựng tại Latvia, còn tại Litva sẽ thành lập Ủy ban liên bộ (quốc phòng) về tiếp nhận và triển khai quân đội NATO trên lãnh thổ các nước. Nhiều cuộc tập trận có hoạt động tăng cường các cụm quân NATO đang diễn ra trên lãnh thổ Ba Lan, Litva và Latvia. Tất cả những việc này nhằm bảo đảm cho các chiến dịch tiến công ngay sau đòn bất ngờ phủ đầu.
Tại sao không ai thấy và hiểu gì hết?
Sergei Anuchin: Người Mỹ hành động đơn phương- không một ai ngoài những nhân vật có liên quan trực tiếp ở Mỹ được biết đầy đủ các khả năng của hệ thống phòng thủ tên lửa. Trong bất cứ trường hợp nào cũng không được để cho các đồng minh biết sự thật. Có khả năng, người Mỹ giữ bí mật thông tin này với cả những nhân vật hàng đầu của nước Anh. Đánh vào tâm lý, trước hết là của những thành viên phía Đông của NATO về “mối đe dọa từ nước Nga”, Mỹ đang ngầm sử dụng các đồng minh. Trước mắt tất cả mọi người hiện lên “con gấu Nga” đáng sợ. Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đã không hề bị chú ý trước các nguy cơ bị thổi phồng. Hơn nữa, không một ai nghĩ rộng ra về những khả năng khác của hệ thống phòng thủ tên lửa. Hệ thống này che giấu một cách rất kỹ lưỡng những ý đồ thật sự, nếu không làm được điều đó thì không có khả năng giáng đòn phủ đầu chí mạng không thể đáp trả.
Chiến lược dự kiến để bảo vệ lãnh thổ và nhà nước Nga trước nguy cơ bị tấn công phủ đầu như thế nào?
Sergei Anuchin: Ngày 19/6/2013, tổng thống Putin đã tuyên bố rằng: “Có thể xảy ra cái gọi là đòn tiến công phủ đầu tước khí giới, tiêu diệt đầu não, kể cả để chống lại các quốc gia hạt nhân”. Dầu sao ông cũng đã có thông tin. Tổng thống đã giao nhiệm vụ: “Chúng ta không được phép để sự cân bằng của hệ thống kiềm chế chiến lược bị phá vỡ, cũng như tính hiệu quả của các lực lượng chiến lược của chúng ta bị giảm sút”. Trước đó, vào ngày 17-18/6 đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G8, mà ở đó đã có những mưu toan loại trừ nước Nga để chỉ còn lại G7. Dễ hiểu là tổng thống Putin cần phải đưa ra trước toàn thế giới thông tin về cái gọi là hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và những ý đồ đằng sau nó một cách hết sức rõ ràng. Không lẽ Ba Lan, Rumani và các quốc gia Baltic lại muốn vì Mỹ mà bị liên lụy đầu tiên trong đám cháy hạt nhân.
Trong thời cải cách, ở nước Nga chỉ có 2 phép tính số học là phép chia và phép trừ là những phép tính cơ bản trong 4 phép tính số học. Vậy mà ở đây có tới “12 mục tiêu chủ yếu” và chiến tranh sẽ xảy ra vào bất cứ thời điểm nào. Vậy thì chúng ta cần phải học lại “phép cộng” và “phép nhân” để có thể tăng thêm nhiều lần số mục tiêu chủ yếu mà nước Nga cần trừng phạt kẻ phát động tấn công. Nói chung không nên mang đầu mình ra làm vật bảo đảm để thỏa thuận với bất kỳ ai về bất cứ điều gì, đặc biệt trong vấn đề chiến tranh và hòa bình.
Đỗ Ngọc Inh
Theo Bình luận quân sự- Nga