Vụ Snowden hé mở mảng tối quan hệ Mỹ - Nga

Vụ Snowden hé mở mảng tối quan hệ Mỹ - Nga
TP - Điều mà giới chức Washington quan ngại nhất cuối cùng cũng xảy đến: Mátxcơva quyết định cho phép “người lộ mật” E.Snowden, cựu nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), được lưu trú trên lãnh thổ Nga thời hạn một năm.

> Cho Snowden tị nạn, Nga tát vào mặt Mỹ
> Snowden tìm được nơi ở mới tại Nga

Trong thế giới điệp viên, quyết định của Nga đối với nhân vật bị nước Mỹ coi là “kẻ phản bội” được xem là “màn trả đũa ngọt ngào” sau sự việc Cục Điều tra Liên bang Mỹ đánh sập mạng lưới gián điệp ngầm của Nga tại Mỹ ba năm trước.

Mười gián điệp Nga bị trục xuất khỏi Mỹ trong cuộc trao đổi 4 gián điệp Mỹ với Nga hồi tháng 9/2010. Tới thời điểm này, đây vẫn được cho là một trong những vụ bê bối gián điệp đình đám nhất giữa Nga và Mỹ kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Trên thực tế, giá trị tin tức tình báo mà Snowden cung cấp cho Mátxcơva những ngày tới đây sẽ không còn nhiều giá trị. Bởi lẽ, để có được “giấy thông hành” tại Nga, Snowden chắc chắn phải tiết lộ cho giới chức Nga tất cả những gì gọi là tinh hoa nhất mà “kẻ lộ mật” thu nhận được trong quãng thời gian làm việc tại CIA.

Đó là chưa kể trước khi tới Mátxcơva, Snowden đã “đánh bài ngửa” tại Hong Kong, một trong những trung tâm của tình báo quốc tế và của Trung Quốc đại lục. Giới phân tích nhận định, tại Hong Kong, Snowden đã được trả giá cao nhất cho những thông tin tình báo chứa trong bốn máy tính xách tay và các USB.

Vậy tại sao sau khi có thứ mình cần, Nga không hành động như Trung Quốc là đưa Snowden sang một nước thứ ba để giảm thiểu mối nguy hại trong quan hệ với Mỹ? Washington coi động thái của Mátxcơva là “nhát dao đâm vào lưng”.

Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama cân nhắc khả năng không tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm G-20 tại St. Petersburg (Nga), cũng như hủy cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Vladimir Putin. Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện Mỹ Michael McCaul cho rằng, Nga “nhạo báng chính sách đối ngoại của Mỹ”. Thậm chí, một số nghị sĩ Mỹ còn đề nghị tẩy chay Thế vận hội mùa đông sắp được tổ chức tại thành phố Sochi của Nga.

Với việc cấp phép tạm trú cho Snowden, phải chăng Nga sẵn sàng chấp nhận tình huống xấu nhất trong quan hệ với Mỹ? Nói như Andrew Weiss, nguyên cố vấn các vấn đề về Nga thời Tổng thống Mỹ Bill Clinton, “bầu không khí chính trị ở Washington về Mátxcơva đang vô cùng căng thẳng. Sự giận dữ đối với Nga đã tồn tại âm ỉ từ lâu và Snowden chính là mồi lửa”.

Đúng như vậy! Vụ “người lộ mật” Snowden trên thực tế chỉ là một trong hàng loạt bất đồng giữa Nga và Mỹ kéo dài nhiều năm qua. Bất đồng xung quanh việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu, mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sang phía Đông; Nga tố cáo Mỹ kích động biểu tình sau khi diễn ra bầu cử Hạ viện Nga hồi năm 2011, cũng như trước thềm bầu cử Tổng thống Nga năm 2012; quan điểm trái chiều về giải pháp cho nội chiến Syria, chương trình hạt nhân của Iran; Nga không cho phép người Mỹ nhận con nuôi, đáp lại Mỹ đưa một số công dân Nga vào “danh sách đen” về nhân quyền…

Việc khỏa lấp được hố sâu nghi kị giữa hai cường quốc có những cạnh tranh về tầm ảnh hưởng và mâu thuẫn lợi ích tất yếu là điều không hề dễ dàng. Vì thế, chỉ nên xem vụ việc Snowden là một trong số rất nhiều mệnh đề nguyên nhân lý giải quan hệ Nga - Mỹ vì sao nhiều năm nay luôn trong tình cảnh “cơm không lành, canh chẳng ngọt”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.