> Snowden: 'Kẻ phản đồ' nước Mỹ, con bài của Nga
> Châu Âu nên cung cấp chỗ ở cho Snowden
Trước đó, máy bay buộc phải hạ cánh xuống Áo, vì thiếu nhiên liệu. Tổng thống Bolivia rời Nga tối 2/7 và nhiều nước phương Tây nghi ngờ Snowden có mặt trên máy bay chở ông Morales, vì Bolivia ngỏ ý có thể cho cựu chuyên gia phân tích tình báo Mỹ tị nạn.
Liên minh châu Âu mới đây yêu cầu Mỹ trả lời về cáo buộc Washington xâm nhập mạng máy tính nội bộ của các cơ quan của mình tại New York và Washington như thông tin mới nhất mà Snowden đưa ra. Động thái mới của cựu nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) lại gây ra rắc rối cho chính quyền Mỹ, nhất là thông tin đưa ra ngay sau khi Mỹ-EU bắt đầu đàm phán về khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.
Việc Snowden xé toạc bức màn bí mật từ hệ thống giám sát công dân toàn cầu trên internet của Mỹ được xem là thất bại lớn đầu tiên của tình báo Mỹ từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, và được so sánh với vụ đào tẩu của các nhân viên mật mã NSA là William Martin và Mitchell Bernon (năm 1960), sau khi tiết lộ nhiều phần mềm gián điệp của Mỹ.
Cũng từ những chứng cứ của Snowden thấy rằng khái niệm về “quyền tự do” mà Washington rao giảng cho cả thế giới chỉ mang tính chất tương đối và rất ngạc nhiên là hoàn toàn không xa lạ với người Mỹ.
Bởi lẽ, sau ngày 11/9/2001, việc nghe lén do các cơ quan an ninh Mỹ thực hiện đã được Quốc hội Mỹ thông qua với cái gọi là Đạo luật Yêu nước, và đạo luật này được gia hạn thêm bốn năm kể từ 2011.
Điều đó lý giải vì sao, 13 năm sau sự kiện 11/9, người Mỹ vẫn vui vẻ cởi cả thắt lưng lẫn giày mỗi khi làm thủ tục ở sân bay, cũng như bất giác phát hiện qua ống nhòm những chiếc máy bay không người lái “do thám” khu dân cư nơi mình sinh sống.
Theo cuộc điều tra vừa công bố của tờ USA Today, 54% số người được hỏi cho rằng Snowden cần bị truy tố và dẫn giải về nước, tuy nhiên 53% đồng ý việc nghe lén của NSA có ý nghĩa đối với cuộc chiến chống khủng bố và đảm bảo an ninh.
Ngoài ra, tuần qua, Nhà Trắng xác nhận đã nhận được bản kiến nghị tôn vinh Edward Snowden là “anh hùng dân tộc”. Và chỉ một ngày đêm đã có 22.000 người đặt chữ ký của mình dưới kiến nghị này. Nếu trong vòng một tháng, số người ủng hộ lên đến 100.000 người, Washington buộc phải xem xét đề nghị đó một cách chính thức.
Có vẻ như, sau ngày 11/9, và mới đây là vụ đánh bom ở Boston, bên cạnh ý kiến cho rằng việc nghe lén là sự xâm phạm quyền riêng tư, không ít người Mỹ chấp nhận sự phiền hà trên để đổi lấy an ninh cho nước Mỹ cũng như an toàn cho sinh mệnh bản thân. Các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy người Mỹ thể hiện “sự mâu thuẫn yêu ghét lẫn lộn” đối với Snowden cũng như chương trình theo dõi của NSA.
Và, “dù yêu quý hay căm ghét Snowden, tất cả chúng ta cần cảm ơn Snowden vì đã đặt nước Mỹ vào một cuộc thảo luận quan trọng. Tuy nhiên, cuộc tranh cãi này không phải về anh ta mà nên về những câu hỏi mà chính những hành động của Snowden đã gợi ra từ bóng tối”, một bài báo trên tờ National Journal của Mỹ kết luận.