Nhan nhản nhạc chế thảm họa trên mạng

TPO - Nhan nhản ca khúc chế về Jack - ca sĩ có đời tư tai tiếng, hay bài hát bị chê “thảm họa” Pickleball được lan truyền trên không gian mạng năm qua, gây ra những tranh luận. Chuyên gia nhận định không nên quá khắt khe với những trào lưu này, nhưng chỉ ra sự ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng nghệ sĩ. 

Chất liệu "xào nấu" của cộng đồng mạng

Nhiều nội dung bị chê nhạc rác, sản phẩm âm nhạc từ ca sĩ có đời tư tai tiếng được cộng đồng mạng sử dụng chế nhạc, chỉnh sửa thành video meme (nội dung hài hước - PV), tạo trào lưu mạng xã hội. Trường hợp bị “réo gọi” nhiều nhất là Jack (tên thật Trịnh Trần Phương Tuấn). Nam ca sĩ sinh năm 1997 gần như ẩn mình khỏi hoạt động showbiz sau khi vướng scandal đời tư.

Năm 2022, anh bị tố “bắt cá hai tay”, có con với hot girl Thiên An và dành 5 triệu đồng mỗi tháng chu cấp cho con gái. Vết nhơ về đời sống cá nhân khiến hình ảnh của Jack hoàn toàn sụp đổ, đúng thời điểm anh đang là cái tên gây sốt, được o bế trong nhiều game show truyền hình. Hậu lùm xùm bỏ con, giọng ca Thiên Lý ơi cũng liên tục dính ồn ào như tự ý sử dụng hình ảnh danh thủ Messi, nghi vấn quảng cáo cá độ…

Nhan nhản nhạc chế thảm họa trên mạng ảnh 1Nhan nhản nhạc chế thảm họa trên mạng ảnh 2

Ca sĩ Jack luôn có tên trong nhiều bài nhạc chế, hình ảnh meme trên mạng xã hội vì đời tư tai tiếng.

Từ đây, Jack trở thành “chất liệu” cho các kênh truyền thông, giải trí “xào nấu”, tạo nội dung gây cười đạt tương tác lớn trên mạng xã hội, từ cách ghép vào ảnh, lồng ghép vào bài hát, đổi giọng hát nhờ AI (trí tuệ nhân tạo).

Sản phẩm âm nhạc của Jack nhận được lượng lượt xem lớn nhưng không mấy tích cực. Ồn ào chồng chất khiến con đường quay lại showbiz của ca sĩ 27 tuổi ngày càng chật vật.

Ca khúc Đi giữa trời rực rỡ được quan tâm sau bộ phim cùng tên của VTV phát sóng, nhưng nổi tiếng hơn khi một kênh chế nhạc hơn 700.000 lượt theo dõi gắn lời, viết về ca sĩ Jack. Lời bài nhạc gắn đến sự kiện fan Jack mua sao trên trời tặng thần tượng. Ngô Lan Hương - ca sĩ hát Đi giữa trời rực rỡ - thú nhận bài nhạc chế liên quan đến Jack còn nổi hơn sản phẩm âm nhạc gốc của cô.

Một hiện tượng tạo nhiều bàn luận không kém là MV Pickleball của Đỗ Phú Quí. Ca sĩ bước ra từ show Anh trai say hi nhận luồng bình luận chê bai gay gắt khi phát hành sản phẩm này. Lời nhạc bị chê sáo rỗng, nhảm, thậm chí bị gọi là “thảm họa nhạc Việt”.

Nhan nhản nhạc chế thảm họa trên mạng ảnh 3

Cư dân mạng giả giọng Ariana Grande hát Pickleball của Đỗ Phú Quí bằng AI.

Bằng một lý do nào đó, Pickleball của Đỗ Phú Quý được chế liên tục, chuyển đổi giọng AI, tạo trào lưu trên TikTok. Một số người nhận xét Pickleball là ca khúc “dở đến mức gây nghiện”, đưa tên tuổi Đỗ Phú Quí vụt lên hơn hẳn thời kỳ anh tham gia show Anh trai say hi. Có ý kiến nhận định đây là cách nam ca sĩ truyền thông, cố chọn những ca khúc tạo đề tài thảo luận tiêu cực nhằm tăng độ nhận diện.

Việc nhan nhản nội dung liên quan đến video nhạc chế về các hiện tượng mạng ồn ào khiến cư dân mạng tranh luận. Một số ý kiến cho rằng nhiều người đang quá dễ dãi, góp phần lan tỏa những trường hợp tranh cãi trở nên phổ biến, khiến không ít số người mảy may suy nghĩ lấy tai tiếng để tạo sự nổi tiếng. Trái lại có người cho rằng những nội dung này mang tính hài hước, nhằm thỏa mãn nhu cầu giải trí, không nên quá khắt khe.

Chuyện "chế cháo" giải trí nhưng không phải là điều vô thưởng vô phạt

Trao đổi với Tiền Phong, thạc sĩ Lê Anh Tú, giảng viên Khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông Trường ĐH Văn Lang, TPHCM, cho biết người dùng mạng xã hội thường hứng thú trước tạo nên những trào lưu tiêu cực, chế nhạo các nghệ sĩ vốn có dư luận xấu. Điều này có thể ảnh hưởng đến uy tín và danh tiếng của chính những nghệ sĩ đó.

“Không phải là người dùng mạng để cố tình lan truyền, tạo ra sự nổi tiếng mà đơn giản họ thích tính giải trí. Một cái gì khi trở thành trend (xu hướng), meme đều có nền tảng trước đó, được nhiều người bàn tán, ý kiến trái chiều. Trước khi có trend ‘vì tinh tú’, Jack cũng nhiều lần bị lôi ra bàn tán, các trường hợp này hội tụ đủ yếu tố trở thành meme để khán giả tung hứng, xào xáo. Chắc chắn là với những trò đùa trên mạng đều đang ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín của những cái tên này” - ông Tú nói.

Nhan nhản nhạc chế thảm họa trên mạng ảnh 4

Chuyên gia nói không nên quá khắt khe với những những nội dung mang tính “chế cháo”, nhưng từ góc độ xử lý khủng hoảng hay là bảo vệ danh tiếng người nổi tiếng, việc dư luận lấy họ làm trò cười tạo ảnh hưởng tiêu cực với nghệ sĩ, không phải là chuyện vô thưởng vô phạt.

“Nội dung gây cười trào phúng nhưng chung quy vẫn là tiêu cực. Các bạn không thể lấy những điều này để tạo dựng tên tuổi, dùng chiêu trò, biến mình thành trò cười trong mắt dư luận thì không khác nào trò rẻ tiền”.

Theo ông Lê Anh Tú, những trường hợp này cần cố gắng lấy lại niềm tin và uy tín của mình thông qua các hoạt động tích cực, như từ thiện, tương tác với cộng đồng, nếu không sự mỉa mai sẽ luôn ở đó.

“Chuyện chế trên mạng về một nhân vật nào đó chỉ mang tính thời điểm, đến lúc nào đó khán giả sẽ chán. Nhưng nếu những cá nhân này không thay đổi, việc họ bị đem ra trêu đùa sẽ không dừng lại. Những thông tin tốt của họ cần phải được lan tỏa nhiều hơn để dập tắt chuyện cợt nhả” - ông chia sẻ.

Tin liên quan
Bình luận

Có thể bạn quan tâm

Thanh niên Việt Nam - Trung Quốc vững vàng lý tưởng, kế thừa và không ngừng vun đắp tình hữu nghị truyền thống

Thanh niên Việt Nam - Trung Quốc vững vàng lý tưởng, kế thừa và không ngừng vun đắp tình hữu nghị truyền thống

TPO - Ngày 14/4, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Hà Nội) diễn ra lễ khai mạc Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 24 năm 2025 với chủ đề “Thanh niên Việt - Trung: Vững vàng lý tưởng”. Chương trình được kết nối trực tuyến tới tất cả điểm cầu tại tỉnh, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc.
Đoàn đại biểu Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam - Trung Quốc 2025 dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đoàn đại biểu Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam - Trung Quốc 2025 dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh

TPO - Trong không khí thắm tình hữu nghị, đoàn kết của tuổi trẻ hai nước Việt Nam - Trung Quốc, tại khuôn viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - cái nôi đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam, trước thềm khai mạc Gặp gỡ thanh niên Việt Nam Trung Quốc lần thứ 24, đoàn đại biểu thanh niên hai nước thành kính dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hội đàm giữa Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bí thư thứ nhất Ban Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Trung Quốc

Hội đàm giữa Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bí thư thứ nhất Ban Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Trung Quốc

TPO - Trao đổi tại hội đàm cấp cao, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy và Bí thư thứ nhất Ban Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Trung Quốc A Đông thống nhất tiếp tục tăng cường, đổi mới sáng tạo công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ hai nước về tình hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai nước và thành tựu phát triển của mỗi nước; đẩy mạnh và đổi mới các chương trình giao lưu hợp tác thanh niên ở nhiều lĩnh vực; triển khai các hoạt động thăm “địa chỉ đỏ” của hai nước.
Hợp tác thanh niên Việt – Trung trong kỷ nguyên số

Hợp tác thanh niên Việt – Trung trong kỷ nguyên số

TPO - Không chỉ là cuộc gặp gỡ đơn thuần, buổi tọa đàm giữa thanh niên Việt Nam và Trung Quốc đã mở ra những góc nhìn mới về khởi nghiệp sáng tạo, nơi cơ hội và thách thức được chia sẻ, và những kết nối xuyên biên giới bắt đầu được hình thành.
Đoàn đại biểu cấp cao Trung ương Đoàn TNCS Trung Quốc thăm và làm việc tại Việt Nam

Đoàn đại biểu cấp cao Trung ương Đoàn TNCS Trung Quốc thăm và làm việc tại Việt Nam

TPO - Ngày 13/4, tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài (Hà Nội), Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết đón đoàn đại biểu cấp cao Trung ương Đoàn TNCS Trung Quốc tham dự chương trình Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam – Trung Quốc lần thứ 24, năm 2025.