> Mỹ giảm mạnh lực lượng Lục quân
> Taliban tấn công dinh Tổng thống, trụ sở CIA
Trước đó, ngày 19/6, lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu chính thức chuyển giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh Afghanistan cho lực lượng của quốc gia Trung Á này. Từ 100.000 binh sỹ của 48 nước, trong đó có 66.000 lính Mỹ đang đồn trú tại Afghanistan, tới cuối năm 2014, sẽ chỉ còn 9.000 lính Mỹ và 6.000 lính của các nước đồng minh thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ và cố vấn cho lực lượng an ninh Afghanistan.
Một ngày sau, Quốc hội Kyrgyzstan, một quốc gia Trung Á khác, thông qua dự luật mà theo đó thỏa thuận thuê căn cứ Manas được Kyrgyzstan và Mỹ ký năm 2009 sẽ hết liệu lực vào 11/7/2014. Đồng nghĩa việc Mỹ chính thức đóng cửa căn cứ quân sự duy nhất của mình tại Trung Á. Hai bước ngoặt diễn ra ở hai quốc gia Trung Á theo hình thái khác nhau, nhưng đều nằm trong toan tính của Washington.
Trở lại năm 2001, thời điểm Mỹ và NATO thực hiện chiếc dịch “Tự do bền vững” tại Afghanistan, thực chất là mở rộng tầm ảnh hưởng ở Trung Á, vùng đất có vị trí trung tâm trong cuộc tranh giành giữa các cường quốc Mỹ, Nga và Trung Quốc những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21.
Trước khi có căn cứ Manas, để thực hiện chiến dịch, Mỹ và NATO phải vận chuyển toàn bộ binh sỹ, vũ khí và hàng hóa tiếp tế qua ngả Pakistan. Tuy nhiên, với sự hoạt động mạnh mẽ của Taliban, các tuyến vận chuyển qua Pakistan luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Cuối năm 2001, căn cứ bắt đầu hoạt động tại sân bay Manas, trung chuyển 1/3 hàng hóa, trang thiết bị cho lực lượng liên quân ra vào Afghanistan bằng đường không. Từ năm 2009, Manas đón lính Mỹ tới Afghanistan và tiếp nhiên liệu cho các máy bay quân sự, có thời điểm lên tới 15.000 binh sỹ và 500 tấn hàng.
Trên thực tế, Afghanistan, Iraq là những mặt trận hao tiền tốn của và hy sinh xương máu của người Mỹ một cách phi lý, là nguồn cơn của mọi vấn đề xâu xé nước Mỹ và thế giới, trong đó có cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Chính quyền Tổng thống Barack Obama sớm nhận thấy vấn đề cốt tử mà ông phải giải quyết là hai “vùng lầy” trên. Năm 2009, ông Obama quyết định rút toàn bộ lực lượng quân đội Mỹ ra khỏi mặt trận Iraq vào cuối năm 2011 và Afghanistan trước 2014. Việc rời bỏ căn cứ Manas không phải ngoại lệ.
Những quyết định của Nội các Barack Obama đã thay đổi toàn diện tầm nhìn của các nhà chính trị, nhà quân sự Mỹ về tương lai quyền lực của Mỹ, là nền tảng cho sự ra đời “Kỷ nguyên Thái Bình Dương” với sự dịch chuyển cấu trúc chiến lược từ châu Âu, Trung Đông và Trung Á sang châu Á-Thái Bình Dương, vốn được xem là phản ứng tích cực nhất của người Mỹ sau chuỗi ngày dài thay đổi và xáo trộn, từ biến cố lịch sử ngày 11/9/2001.
Tuy nhiên, như nhận định của Richard McGregor, người dẫn đầu một trường phái mới của chính trị Mỹ, việc Tổng thống Barack Obama đưa toàn bộ lực lượng quân đội ra khỏi Iraq và Afghanistan, con đường để duy trì thế mạnh toàn cầu của Mỹ không còn đi qua ngả Baghdad, Jerusalem, Tehran, hay Kabul, mà chuyển qua các tuyến hàng hải hướng về châu Á-Thái Bình Dương, bao quanh Bắc Kinh, có thể đem lại nụ cười cho người Nga, nhưng mang thêm sự bất an cho người Trung Quốc.