Tình báo Mỹ do thám Trung Quốc

Tình báo Mỹ do thám Trung Quốc
TP - Trong Cơ quan An ninh Quốc gia của Mỹ có một đơn vị tình báo sử dụng công nghệ thông tin để do thám các đối tượng nước ngoài. Đơn vị này lặng lẽ khai thác thông tin về Trung Quốc suốt 15 năm qua, tạp chí Mỹ Foreign Policy (Chính sách Đối ngoại) đưa tin hôm qua.

> Bí mật động trời việc Mỹ do thám toàn thế giới
> Cựu kỹ thuật viên CIA tiết lộ chương trình bí mật

Foreign Policy dẫn các nguồn tin nội bộ nói rằng, Cục Tác chiến tiếp cận phù hợp (TAO) thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) đã đột nhập thành công vào một số hệ thống máy tính và viễn thông của Trung Quốc, thu thập nhiều thông tin tình báo đáng tin cậy.

Tại căn cứ quân sự Fort Meade ở bang Maryland, một tòa nhà khá rộng nằm tách biệt khỏi các tòa nhà khác là trụ sở TAO. Đơn vị này là điều bí ẩn đối với hầu hết nhân viên làm việc trong NSA. Rất ít người của NSA được tiếp cận đầy đủ thông tin về TAO vì những chiến dịch mà đơn vị này thực hiện quá nhạy cảm, đòi hỏi quá trình kiểm tra an ninh cực kỳ nghiêm ngặt.

Lối vào trụ sở có lính vũ trang canh gác, cửa chỉ mở nếu mã số 6 ký tự được nhập đúng, trong khi máy quét võng mạc làm nhiệm vụ xác nhận đúng đối tượng ra vào.

Theo một số cựu quan chức NSA từng được phỏng vấn, nhiệm vụ của TAO khá đơn giản. Họ thu thập thông tin tình báo của các đối tượng nước ngoài bằng cách bí mật đột nhập các mạng máy tính và viễn thông, bẻ mật khẩu, vô hiệu hóa hệ thống bảo mật, đánh cắp dữ liệu trong ổ cứng máy tính, sao chép hệ thống tin nhắn, toàn bộ email được chuyển đến hộp thư hoặc gửi đi. Thuật ngữ mà NSA dùng để mô tả những chiến dịch này là khai thác hệ thống máy tính.

TAO cũng chịu trách nhiệm khai thác thông tin để giúp Mỹ tấn công hệ thống máy tính và viễn thông nước ngoài nếu Tổng thống Mỹ chỉ thị. Cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện tấn công mạng là Bộ tư lệnh Không gian mạng (Cybercom), có trụ sở ở Fort Meade và do tướng Keith Alexander lãnh đạo.

Quá lớn nên khó giấu mình

Theo một số nguồn tin, TAO đang là cơ quan quan trọng nhất và lớn nhất của Lực lượng Tình báo Tín hiệu thuộc NSA, sử dụng hơn 1.000 hacker, nhà phân tích, chuyên gia tấn công, chuyên gia phần mềm và phần cứng, kỹ sư điện.

Từ khi ra đời năm 1997, TAO được đánh giá cao bởi thu thập được nhiều thông quan trọng cho cộng đồng tình báo Mỹ, không chỉ về Trung Quốc, mà cả các tổ chức khủng bố nước ngoài, hoạt động gián điệp của chính phủ nước ngoài chống lại Mỹ, việc phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo trên toàn cầu, cũng như tiến trình kinh tế, quân sự, chính trị trên toàn thế giới.

Theo một cựu quan chức NSA, 600 chiến dịch năm 2007 của TAO đã lén lút thâm nhập hàng nghìn hệ thống máy tính nước ngoài, truy cập ổ cứng máy tính và email có mật khẩu bảo vệ của hàng loạt mục tiêu khắp thế giới.

Chiến dịch đánh chặn mang tên Stumpcursor được coi là đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong vụ phát hiện 100 phần tử nổi dậy của al-Qaeda tại Iraq năm 2007. Cùng năm đó, một số nguồn tin nói rằng, TAO được thưởng vì có công cung cấp thông tin tình báo về việc Iran đang nỗ lực chế tạo bom nguyên tử.

Từ khi ông Barack Obama trở thành tổng thống vào tháng 1/2009, TAO được coi là “con cưng” của cộng đồng tình báo Mỹ. “Họ có thể đến những nơi và lấy những thứ mà không ai trong cộng đồng tình báo có thể làm được”, một quan chức TAO nói.

Vấn đề là TAO càng lớn mạnh và càng thu thập được nhiều thông tin tình báo thì càng khó giấu mình. Nhiều người cho rằng, chính phủ Trung Quốc cũng biết về hoạt động của TAO. Quan chức cao cấp thuộc lĩnh vực an ninh mạng của Trung Quốc Huang Chengqing nói rằng, Bắc Kinh thu thập “cả núi dữ liệu” cho thấy Washington dính dáng hoạt động do thám nhằm đánh cắp bí mật của chính phủ Trung Quốc.

“Núi dữ liệu” mà ông Huang nói đến rõ ràng là ám chỉ mối đe dọa này. Vì thế, trong cuộc gặp thượng đỉnh cuối tuần qua, rất khó để ông Obama gây sức ép lớn đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề gián điệp mạng, Foreign Policy nhận định.

Guo Songmin, biên tập viên của nguyệt san Trung Quốc ChinaSOE, vừa phát động chiến dịch trên mạng kêu gọi Trung Quốc cho người tiết lộ chương trình do thám PRISM của NSA, cựu nhân viên CIA Edward Snowden, được tị nạn. Trong lịch sử hiện đại, Trung Quốc chưa cho một công dân Mỹ nào tị nạn chính trị. Trong khi đó, có thông tin cho rằng, Snowden đã rời khỏi Hong Kong.

Trúc Quỳnh
Theo Foreign Policy, Washington Post

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG