Phía sau việc Trung Quốc bất ngờ đề xuất đàm phán COC

Phía sau việc Trung Quốc bất ngờ đề xuất đàm phán COC
TP - Giáo sư Carlyle Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, mổ xẻ thâm ý của Trung Quốc khi bất ngờ đề xuất đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) với ASEAN.

> TQ đề xuất đàm phán về soạn thảo COC
> Shangri-La 12 sẽ thảo luận các vấn đề biển Đông

Ông đánh giá thế nào việc Trung Quốc muốn bàn COC?

Việc Trung Quốc đồng ý tổ chức một cuộc họp vào tháng 8 năm nay của Nhóm làm việc về Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) để bàn về COC là một bước ban đầu tích cực.

Trước đó, Trung Quốc từ chối tham gia các cuộc thảo luận chính thức về COC trong những sắp đặt đa phương. Nhưng nên lưu ý là Nhóm làm việc cũng sẽ thảo luận DOC.

Trung Quốc có thể sẽ đề cập tới tiến triển DOC, trước khi tiến đến COC. Trung Quốc có thể sẽ lập luận rằng, thái độ và cách cư xử của “một số nước” vi phạm tinh thần của DOC và cho đến khi điều này được “chỉnh đốn” thì vẫn không có tiến triển nào về COC.

Trung Quốc đã bổ nhiệm bộ trưởng ngoại giao mới, ông Vương Nghị, người có kinh nghiệm sâu rộng về ngoại giao trong quan hệ với ASEAN. Nhưng Bộ Ngoại giao chưa hẳn có quyền lực trung tâm ở Trung Quốc hiện nay. Có thể Bộ Ngoại giao đang cố gắng “hạn chế thiệt hại” gây nên bởi lối cư xử của Trung Quốc trước đây. Trung Quốc cũng đang phản ứng lại với cách tiếp cận từ Brunei, Indonesia và các ngoại trưởng ASEAN để bắt đầu thảo luận về COC.

Tàu đổ bộ Jinggangshan của quân đội Trung Quốc tập trận trên biển Đông hồi tháng 3. Nguồn: People’s Daily
Tàu đổ bộ Jinggangshan của quân đội Trung Quốc tập trận trên biển Đông hồi tháng 3. Nguồn: People’s Daily.

Mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh cho hay Trung Quốc và ASEAN sẽ có cuộc họp đặc biệt giữa các ngoại trưởng khoảng tháng 8-9 năm nay, để thảo luận về vấn đề biển Đông, nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược. Ông có cho rằng COC sẽ có tiến triển thực sự?

Bước đi đầu tiên quan trọng này rất đáng được hoan nghênh. Nhưng quan điểm cơ bản của Trung Quốc với đường 9 đoạn không thay đổi. Truyền thông Trung Quốc cáo buộc Philippines về việc làm “không tặc” trong quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và ASEAN nhằm khuấy động rắc rối ở biển Đông.

Truyền thông Trung Quốc cũng cáo buộc Philippines về chiếm đóng trái phép lãnh thổ Trung Quốc và khuyến khích các thế lực bên ngoài (Mỹ) can thiệp. Điều này dường như cho thấy Trung Quốc sẽ dùng ngoại giao để cố gắng và cô lập Philippines trong ASEAN nhằm tạo áp lực cho Manila từ bỏ yêu sách lên Liên Hợp Quốc.

Biển Đông tại Đối thoại Shangri - La

Ông dự đoán vấn đề biển Đông sẽ được thảo luận tại Đối thoại Shangri - La tới đây thế nào? Thái độ của Mỹ ra sao?

Vấn đề biển Đông không được đưa vào chương trình nghị sự chính thức nhưng sẽ được thảo luận ở phiên về an ninh hàng hải. Có thể biển Đông cũng sẽ được đưa ra khi liên quan tới các vấn đề an ninh khu vực ở phiên toàn thể. Vấn đề là phải có người đưa nó ra, nếu không thảo luận có thể chuyển sang các chủ đề an ninh khác.

Theo tôi, Mỹ có thể sẽ không quá nhiệt tình trong vấn đề này, vẫn ủng hộ ASEAN và những nỗ lực của Hiệp hội để đàm phán COC. Tuy nhiên, Mỹ sẽ tập trung hơn vào vấn đề Triều Tiên hơn và tăng cường quan hệ với Trung Quốc, một chủ đề chính trong Đối thoại Shangri - La năm nay.

Cảm ơn ông.

Phương Anh
Thực hiện

Đội tàu cá Trung Quốc ào ra Trường Sa của Việt Nam

Mạng Tin tức Trung Quốc đưa tin đội tàu đánh cá Đam Châu (tỉnh Hải Nam, Trung Quốc) gồm 32 chiếc sáng 6/5 xuất phát từ cảng cá Bạch Mã Tỉnh bắt đầu tiến ra ngư trường Trường Sa của Việt Nam để đánh bắt hải sản.

Đây là hành động mới nhất xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, tiếp theo một số hành động gần đây của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, như việc quan chức cao cấp Trung Quốc cắt băng khánh thành nhà sách Tân Hoa trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, tổ chức đưa khách du lịch tới quần đảo Hoàng Sa và chuẩn bị tổ chức thi câu cá tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Mạng Tin tức Trung Quốc cho hay đây là đội tàu đánh cá quy mô lớn nhất của Trung Quốc đến hoạt động tại ngư trường Trường Sa từ đầu năm 2013 đến nay. Ngày 30/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị đã yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt các việc làm sai trái nêu trên, không làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở biển Đông.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Một ngày của Hoa hậu Thanh Thủy
Một ngày của Hoa hậu Thanh Thủy
TPO - Hoa hậu Thanh Thủy cho biết cô trở lại Hà Nội với tâm thế hào hứng và hạnh phúc. Cô thích không khí và ẩm thực ở thủ đô. "Bây giờ tôi trở lại với cương vị mới và thành tích tuyệt vời trên đấu trường quốc tế", cô nói.