Trung Quốc: Triều Tiên 'đại náo' quá đà!
> Hàn Quốc tái khởi động chương trình UAV theo dõi Triều Tiên
> Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật sát Triều Tiên
TPO - Hôm nay 10/4, tờ Hoàn Cầu có bài xã luận phân tích Triều Tiên đã đi quá xa trong trò chơi chiến tranh. Tờ báo này cũng cảnh báo rằng nếu không thể hiện thiện chí, chắc chắn Hàn Quốc sẽ tiếp tục phải ngoan ngoãn làm “con tin” cho chính sách cấp tiến của Triều Tiên.
Triều Tiên đã tỏ ra quá đà trong trò chơi 'bên miệng hố chiến tranh'. Ảnh: ABC News. |
Hôm qua 9/4, chính phủ Triều Tiên kêu gọi tất cả người nước ngoài và các tổ chức quốc tế ở Hàn Quốc cần đưa ra phương án sơ tán nhân viên vì “không mong muốn gây thương tích nhầm trong chiến tranh”.
Ngoài ra, theo tin của các hãng truyền thông lớn, Triều Tiên sẽ phóng tên lửa tầm trung BM-25 vào một vài ngày tới. Thậm chí báo chí Hàn Quốc còn đưa tin, Tiều Tiên đang chuẩn bị thử hạt nhân lần thứ tư.
Chính phủ Triều Tiên đang ra sức giậm chân, khua chiêng gõ trống để gây chấn động thế giới. Mặc dù hầu hết các phân tích đều cho rằng bán đảo Triều Tiên không thể xảy ra cuộc chiến tranh mới, nhưng những lời bình luận dày đặc về nguy cơ chiến tranh đã bắt đầu gây bất ổn cho khu vực Đông Bắc Á.
Do nhà lãnh đạo mới của Triều Tiên còn rất trẻ, các nước không thể biết ông Kim Jong-un có nắm bắt được cục diện một cách nhuần nhuyễn, biết tiến thoái phù hợp trong trò chơi “bên miệng hố chiến tranh” này hay không. Rất nhiều người cho rằng cục diện bán đảo đang trải qua một lần thử thách đặc biệt.
Hầu hết các chuyên gia quân sự của Trung Quốc dự đoán, Bình Nhưỡng không muốn để xảy ra chiến tranh, mục tiêu đích thực của Bình Nhưỡng là biến hiệp định đình chiến của bán đảo thành hiệp định hòa bình, giành được sự đảm bảo lâu dài về an ninh.
Một số người cho rằng, lần này Bình Nhưỡng muốn chơi trò “miệng hố chiến tranh” đến cùng, để trong nỗi sợ hãi, dư luận quốc tế có cái nhìn đúng đắn về “yêu cầu chính đáng” của Triều Tiên. Mấy ngày vừa qua dư luận quốc tế tỏ ra căng thẳng, thái độ của phía Mỹ và Hàn Quốc đã có phần nhượng bộ, một số phân tích cho rằng cục diện đã cách điểm đột phá rất gần.
Hoàn Cầu thời báo cũng nhấn mạnh rằng, từ trước đến nay, cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên không phải là kịch bản đã dựng sẵn, giữa các bên không hề có sự ăn ý để tạo dựng cao trào. Khi bên thủ vai chính là Triều Tiên có những hành động quá khích trên sân khấu, kết cục của cục diện chứa rất nhiều nhân tố bất xác định.
Chính quyền Triều Tiên luôn tỏ ra hết sức coi trọng “vũ khí hạt nhân” của mình, và các quan chức Bình Nhưỡng đã liên tiếp nhắc đến vấn đề này trong thời gian vừa qua. Người ta có cảm giác rằng, sự khích lệ của “vũ khí hạt nhân” đối với Triều Tiên đã lớn hơn rất nhiều so với độ uy hiếp thực chất của nó đối với đối thủ của Triều Tiên.
Theo Hoàn Cầu thời báo, xét về lý thuyết chính phủ Triều Tiên có đủ khả năng nhìn rõ cục diện và nắm bắt độ nông sâu của chiến lược. Bình Nhưỡng cần biết rằng những biểu hiện của họ thời gian qua đang tiếp tục làm xấu đi hình ảnh của Triều Tiên trên trường quốc tế, làm tổn hại đến danh dự của họ thậm chí bị dư luận “cười vào mũi”.
An ninh quốc gia của Triều Tiên không nguy cấp đến mức buộc nước này phải “bất chấp tất cả” như vậy, và nguồn tài nguyên phát triển kinh tế quốc gia mà Triều Tiên đang rất cần sẽ khó có thể đổi được thông qua cách làm này. Chức năng hiện đại của “vũ khí hạt nhân” là để “phòng thân” chứ không phải là công cụ có thể lôi ra để gây rối trật tự quốc tế. Bình Nhưỡng không thể kỳ vọng quá nhiều vào “vũ khí hạt nhân”.
Hoàn Cầu phân tích, việc Triều Tiên đi theo lộ trình “miệng vực chiến tranh”, khả năng lớn nhất vẫn là tự dồn mình vào con đường ngày càng tồi tệ. Vì mối quan hệ với quốc tế của nước này ngày càng xấu đi, sự đoàn kết trong nước phải phụ thuộc nặng nề vào sự đối kháng với thế giới bên ngoài, cục diện ngày càng khó thay đổi, độ rủi ro khi mở cửa quốc gia cũng sẽ lên rất cao, khiến người cầm quyền buộc phải chùn chân.
Hoàn Cầu khẳng định Trung Quốc và Nga đều là đối tác chiến lược quý giá của Triều Tiên, nhưng Bình Nhưỡng “đại náo” Đông Bắc Á, không phù hợp với lợi ích của hai quốc gia này. Thiện cảm của dân chúng Trung Quốc dành cho Triều Tiên đang mất đi nhanh chóng, rất nhiều người Trung Quốc ngày trước ủng hộ Triều Tiên trong cuộc tranh chấp Triều Tiên – Hàn Quốc, hiện tại cũng cảm thấy Bình Nhưỡng đã đi quá đà. Điều này rất không có lợi cho lợi ích quốc gia lâu dài của Triều Tiên.
Sau một quá trình đối kháng kéo dài, thực tế là phía Triều Tiên và phía Mỹ, Hàn Quốc đã nắm được bụng dạ của nhau: Cả hai bên đều không muốn châm ngòi cho cuộc chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai. Ngoài ra việc Triều Tiên “không sợ gì hết” cũng đã được thể hiện rất rõ nét. Nếu Bình Nhưỡng tiếp tục tập trung vào “vũ khí hạt nhân” và chiến tranh để gây gổ thì không còn ý nghĩa gì nữa.
Cuối cùng Hoàn Cầu kết luận, phía Mỹ và Hàn Quốc cũng nên rút ra bài học kinh nghiệm, đặc biệt là Hàn Quốc. Xét về tổng thể Triều Tiên quá yếu, quốc gia này cần sức mạnh và lòng tin để thay đổi một cách toàn diện. Chỉ khi Hàn Quốc nghiêm túc giúp đỡ, tiếp thêm dũng khí thay đổi cho Triều Tiên, chứ không phải ép họ “tung hê tât cả” thì mới chứng tỏ Hàn Quốc có đầu óc chính trị. Nếu không, Hàn Quốc chỉ có thể buộc phải ngoan ngoãn làm “con tin” cho chính sách cấp tiến của Triều Tiên. Mỹ luôn gây sức ép cho Triều Tiên, nếu ép quá quả bom Triều Tiên sẽ nổ, chắc chắn Mỹ cũng sẽ không dễ chịu gì.
Huy Long
Theo Hoàn Cầu