Nghị sỹ Nga phải từ nhiệm nếu sở hữu tài sản ở nước ngoài

Nghị sỹ Nga phải từ nhiệm nếu sở hữu tài sản ở nước ngoài
TP - Tổng thống Putin và chính quyền Nga đang đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng. Biện pháp được dư luận chú ý nhiều trong thời gian gần đây là ngăn chặn việc các quan chức cao cấp sở hữu tài sản ở nước ngoài bằng cách thông qua các đạo luật tương ứng.

> Điện Kremli bật đèn xanh cho cuộc chiến chống tham nhũng

Tổng thống Nga Putin quyết tâm chống tham nhũng trong hàng ngũ lãnh đạo
Tổng thống Nga Putin quyết tâm chống tham nhũng trong hàng ngũ lãnh đạo.

Cuối tháng 2 vừa qua, Duma Quốc gia Nga (tức Hạ viện Nga) đã thông qua dự luật quy định không chỉ các quan chức cao cấp mà cả các Nghị sĩ, các Thẩm phán, các thành viên Hội đồng giám đốc Ngân hàng Trung ương và tất cả những quan chức do Tổng chưởng lý, Tổng thống và Chính phủ bổ nhiệm không được mở các tài khoản tại các ngân hàng nước ngoài cũng như sở hữu các cổ phiếu của các hãng và công ty nước ngoài.

Báo chí Nga dự đoán, với quy định mới này, một số nghị sĩ ở cả Duma Quốc gia lẫn Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện) sẽ phải từ bỏ vị trí hiện nay
của mình.

Những ai có liên quan sẽ phải giải quyết những tài khoản hoặc cổ phiếu đó trong vòng 3 tháng kể từ ngày nhậm chức. Nếu vi phạm sẽ bị bắt buộc phải từ nhiệm.

Rất có thể sắp tới đây, Duma Quốc gia Nga sẽ tiếp tục xem xét một dự luật khác cấm các quan chức cao cấp không được sở hữu bất động sản ở nước ngoài.

Mới đây, khi trả lời các nhà báo Ấn Độ, bà Valentina Matvienko, Chủ tịch Hội đồng Liên bang xác nhận một số Thượng Nghị sĩ có tài khoản ở nước ngoài hoặc có bất động sản ở nước ngoài đang xem xét khả năng từ nhiệm.

Cũng theo lời bà Matvienko, những Nghị sĩ đó sẽ phải lựa chọn hoặc hoạt động chính trị hoặc hoạt động kinh doanh. Bà cho rằng thực tế đó chẳng có gì khác thường bởi vì trước Nga đã có nhiều nước trên thế giới hạn chế việc các quan chức và các Nghị sĩ sở hữu tài sản ở nước ngoài.

Ông Evgeni Tarlo, Chủ tịch Tiểu ban giám sát thu nhập của Hội đồng Liên bang, cũng cho rằng sắp tới đây, không ít Nghị sĩ sẽ “tự nguyện từ nhiệm”.

Theo nhận xét của ông, nhiều Nghị sĩ đến từ giới doanh nghiệp và giờ đây họ sẽ trở lại hoạt động kinh doanh để bảo vệ tài sản được tích luỹ một cách hợp pháp
của mình.

Cho tới nay đã có một vài Nghị sĩ trở thành “nạn nhân” của các biện pháp nói trên. Điển hình là trường hợp nhà chính khách nổi tiếng Vladimir Pekhtin.

Ông Vladimir Pekhtin, người phải từ nhiệm vì che giấu tài sản ở Mỹ
Ông Vladimir Pekhtin, người phải từ nhiệm vì che giấu tài sản ở Mỹ.

Cách đây ít lâu, ông Pekhtin đã phải từ bỏ chức vụ Chủ tịch Tiểu ban đạo đức của Duma Quốc gia rồi tiếp đó tự nguyện từ bỏ cả chức Nghị sĩ.

Nguyên nhân bắt nguồn từ những lời cáo buộc trên mạng Internet của một số blogger đối lập. Họ đưa ra những bằng chứng cụ thể cho thấy ông Pekhtin có sở hữu những bất động sản trị giá tới 2 triệu USD ở Mỹ.

Nhưng vấn đề không phải ở chỗ ông Pekhtin có sở hữu tài sản ở nước ngoài bởi vì đạo luật cấm các quan chức sở hữu tài sản ở nước ngoài chưa được thông qua.

Lý do chủ yếu khiến ông “tự nguyện từ chức” là ở chỗ ông đã giấu giếm, không đề cập đến những tài sản đó trong bản khai tài sản của ông.

Dĩ nhiên ông Pekhtin phủ nhận những lời cáo buộc ấy. Theo lời ông, ông tạm thời từ bỏ chức Nghị sĩ là để có thời gian sang Mỹ xác định số bất động sản bị gán cho ông thực tế không phải là của ông.

 Vũ Việt
Theo Izvestia.ru và Newsru.com

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng, hiện cấp trên phải “ôm” và làm thay việc cho cấp dưới quá nhiều, dẫn đến thừa cấp dưới mà thiếu cấp trên. Do đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là cách tốt nhất để giảm sự vụ cho cấp trên, để cấp trên lo việc lớn, còn cấp dưới chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, tránh phải ngồi chờ xin ý kiến, khiến cơ hội trôi đi.