Triều Tiên hoãn phóng tên lửa do trục trặc kĩ thuật?

Triều Tiên hoãn phóng tên lửa do trục trặc kĩ thuật?
TP - Ngày 9-12, báo chí CHDCND Triều Tiên đưa tin nước này đang xem xét hoãn phóng tên lửa mang vệ tinh, trong khi nhiều quốc gia vẫn gia tăng sức ép đòi Bình Nhưỡng hủy việc thử nghiệm trá hình tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

> Triều Tiên nhiều khả năng hoãn phóng tên lửa
> Triều Tiên sắp phóng tên lửa, Hàn Quốc lắp radar

Các nhà khoa học hiện ở giai đoạn chuẩn bị cuối cùng cho vụ phóng tên lửa từ bờ biển phía tây, dự kiến trong khoảng từ ngày 10 đến 22-12, nhưng họ đang cân nhắc điều chỉnh lại khung thời gian này, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA dẫn lời người phát ngôn của Ủy ban Công nghệ Vũ trụ Triều Tiên.

Do trục trặc kỹ thuật?

Hiện chưa rõ kế hoạch hoãn phóng tên lửa Unha-3 có liên quan sự can thiệp ngoại giao hay trục trặc kỹ thuật hay không.

Một nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc nói rằng, Bình Nhưỡng cân nhắc hoãn phóng tên lửa vì “các vấn đề kỹ thuật”. “Các dấu hiệu bất thường” được phát hiện từ chiều 8-12, vị quan chức giấu tên nói.

Nhiều nhà quan sát nói rằng, quyết định mới nhất của Triều Tiên cho thấy nước này quan tâm yếu tố thành công của vụ phóng tên lửa.

“Động thái thận trọng của Triều Tiên về vụ phóng cho thấy nước này không chỉ tập trung vào việc phóng tên lửa đi, mà còn quan tâm liệu có phóng thành công không”, giáo sư Yang Moo-jin công tác tại Đại học Triều Tiên học (Hàn Quốc), nói.

“Triều Tiên dường như gửi đi thông điệp rằng, vụ phóng tên lửa không chỉ vì mục đích quân sự, mà còn vì nền khoa học công nghệ của nước này”, ông Yang nhận định.

Cố vấn an ninh Hong Hyun-ik công tác tại Viện Sejong (Hàn Quốc) nhận định: “Nếu việc hoãn phóng tên lửa không phải vì vấn đề kỹ thuật mà liên quan quyết định chính trị, thì có khả năng Triều Tiên đã cân nhắc về mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc”.

Theo bản thông báo ngắn gọn của KCNA ngày 9-12, các nhà khoa học và kỹ thuật viên Triều Tiên đang thảo luận liệu có nên ấn định ngày phóng mới hay không.

Mấy ngày trước rộ lên thông tin về khả năng Triều Tiên hoãn phóng tên lửa, sau khi có các bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy, tuyết rơi có thể đã cản trở quá trình chuẩn bị cho vụ phóng.

Trong khi đó, giới chức Washington, Seoul, Tokyo và Mátxcơva liên tục thúc giục Bình Nhưỡng hủy phóng Unha-3 vì làm như vậy là vi phạm lệnh cấm liên quan tên lửa.

Ảnh vệ tinh cho thấy việc chuẩn bị phóng tên lửa của Triều Tiên tại bãi phóng Sohae có thể đã chậm lại do tuyết rơi dày. Nguồn: Yonhap
Ảnh vệ tinh cho thấy việc chuẩn bị phóng tên lửa của Triều Tiên tại bãi phóng Sohae có thể đã chậm lại do tuyết rơi dày. Nguồn: Yonhap.

Các bức ảnh do vệ tinh thương mại GeoEye chụp ngày 4-12 cho thấy, bãi phóng Sohae ở phía tây bắc của Bình Nhưỡng bị tuyết bao phủ.

Trên con đường từ tòa nhà chính tới bệ phóng không có dấu vết vận chuyển mới. Điều này cho thấy tuyết rơi có khả năng đã làm giảm tốc độ chuẩn bị cho vụ phóng tên lửa. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tin rằng, việc chuẩn bị phóng tên lửa sẽ hoàn tất đúng kế hoạch; Unha-3 có thể rời bệ phóng sớm nhất là vào ngày 10-12.

Philippines sẵn sàng ứng phó

Hôm qua, cơ quan xử lý thảm họa của Philippines thông báo sẽ thiết lập vùng cấm bay, cấm neo đậu, cấm đánh bắt hải sản tại vùng biển phía đông của nước này - nơi tầng hai của tên lửa Triều Tiên sẽ rơi xuống. Hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển của Philippines sẽ giám sát diễn biến vụ phóng tên lửa Unha-3. Không quân triển khai máy bay để ứng phó trong trường hợp cần thiết, trong khi lực lượng chữa cháy và Viện Nghiên cứu Hạt nhân Philippines chịu trách nhiệm tìm kiếm vật liệu nguy hiểm, dò tìm phóng xạ…

Ở Seoul, các quan chức của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 9-12 nói rằng, họ chưa thể tìm ra nguyên nhân vì sao Triều Tiên xem xét hoãn kế hoạch phóng tên lửa.

Triều Tiên có thể hoãn phóng tên lửa nếu Washington tích cực đưa Bình Nhưỡng trở lại đối thoại và hứa nối lại viện trợ lương thực, ông Koh Yu-hwan, giáo sư Triều Tiên học công tác tại Đại học Dongguk (Hàn Quốc), nhận định.

Hồi tháng 2, Mỹ đồng ý viện trợ Triều Tiên 240.000 tấn lương thực, với điều kiện Bình Nhưỡng ngừng các hoạt động hạt nhân và tên lửa.

Thỏa thuận bị phá vỡ hồi tháng 4, sau khi Triều Tiên phóng tên lửa mà nước này nói rằng dùng để đưa vệ tinh vào quỹ đạo. Vài giây sau khi rời bệ phóng, tên lửa nổ tung và rơi xuống biển.

Đầu tháng này, Triều Tiên tuyên bố sẽ phóng tên lửa 3 tầng gắn vệ tinh quan sát trái đất Kwangmyongsong-3 từ bãi phóng Sohae ở thành phố Sinuiju, tỉnh Pyeongan Bắc.

Tuyên bố này khiến nhiều nước quan tâm đặc biệt, bởi nó được đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc, Nhật Bản tổ chức bầu cử trong tháng 12, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ bắt đầu nhiệm kỳ hai vào tháng sau, Trung Quốc vừa ra mắt ban lãnh đạo mới.

Người Triều Tiên cũng vừa bắt đầu giai đoạn tưởng nhớ cố lãnh đạo Kim Jong-il qua đời ngày 17-12-2011.

Mỹ giục NATO, Nga yêu cầu Triều Tiên hủy kế hoạch

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói Washington đặc biệt quan tâm kế hoạch phóng tên lửa lần thứ hai của Triều Tiên trong năm nay. Bà thúc giục ngoại trưởng các nước thành viên NATO và Nga yêu cầu Bình Nhưỡng hủy kế hoạch.

Mỹ và nhiều nước khác nói rằng, việc phóng tên lửa sẽ vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cấm Triều Tiên thực hiện các hoạt động hạt nhân và tên lửa, bởi vì Unha-3 có cùng công nghệ dùng để phóng tên lửa tầm xa.

Triều Tiên đã tiết lộ một số loại tên lửa được thiết kế để nhằm vào phần đất liền của Mỹ và thử hai quả bom nguyên tử trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cho thấy Triều Tiên đã làm chủ được công nghệ gắn đầu đạn hạt nhân vào tên lửa tầm xa.

Đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên (đổi giải trừ hạt nhân lấy viện trợ) lâm vào thế bế tắc từ năm 2009.

Trung Quốc, nước cung cấp viện trợ và đồng minh chính của Triều Tiên, nói rằng Bắc Kinh quan tâm kế hoạch phóng tên lửa mang vệ tinh của Bình Nhưỡng.

Trung Quốc công nhận quyền của Triều Tiên trong việc phát triển chương trình vũ trụ, nhưng cũng nói rằng, chương trình đó phải hài hòa với những quyết định áp dụng với Bình Nhưỡng, trong đó có các lệnh cấm của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Nhà phân tích Baek Seung-joo (Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc có trụ sở ở Seoul) nói rằng, Trung Quốc phải gửi một thông điệp mạnh mẽ cho Triều Tiên, kêu gọi nước này hủy kế hoạch phóng tên lửa.

“Triều Tiên sẽ không nói rằng, họ hoãn phóng tên lửa vì sức ép của nước ngoài. Đó là lý do tại sao họ nói các nhà khoa học và kỹ thuật viên đang xem xét việc hoãn phóng”, ông Baek nói.

Thái An
Theo AP, Yonhap, Xinhua, Philippine Star

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Quốc hội ‘chốt’ quy định mới về bán thuốc online
Quốc hội ‘chốt’ quy định mới về bán thuốc online
TPO - Các đơn vị bán thuốc online có trách nhiệm đăng tải đầy đủ thông tin về giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, chứng chỉ hành nghề dược của người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở, thông tin về thuốc đã được phê duyệt theo quy định của Chính phủ.