Kế hoạch của Trung Quốc trên Biển Đông: Trong và ngoài nước phản đối mạnh mẽ

Kế hoạch của Trung Quốc trên Biển Đông: Trong và ngoài nước phản đối mạnh mẽ
TP - Việc chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc thông qua kế hoạch khống chế tàu thuyền nước ngoài trên biển Đông từ đầu năm tới bị nhiều nhân sĩ Trung Quốc trong và ngoài nước, lãnh đạo ASEAN, giới chức các quốc gia láng giềng kịch liệt phản đối, vì nó vi phạm nghiêm trọng luật pháp, đe dọa cộng đồng quốc tế…

> Phản đối việc làm sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông
> Trung Quốc làm đứt cáp tàu Bình Minh 02: Chuyên gia quốc tế nói gì?
> Indonesia ảo tưởng trong giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc

Tỉnh Hải Nam của Trung Quốc ngày 27-11 thông qua Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam (sửa đổi).

Theo đó, từ ngày 1-1-2013, cảnh sát Hải Nam có quyền khám xét, khống chế tàu thuyền nước ngoài bị Trung Quốc cho là xâm nhập phi pháp vùng biển phía nam nước này, nơi đang tồn tại tranh chấp, và có thể yêu cầu họ thay đổi hướng đi hoặc đình chỉ lịch trình.

Vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế

Giáo sư Dương Lợi Vũ, chuyên gia về vấn đề Đông Á tại Đại học Tây Đông (Mỹ), cho rằng, điều lệ sửa đổi của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, khiến cho thế cục căng thẳng ở biển Đông càng tăng cao.

Ông Dương nói: “Việc Trung Quốc lên tàu thuyền kiểm tra là hành động vô cùng nghiêm trọng. Bởi thông thường dù cho tàu bè nước ngoài đi vào lãnh thổ Trung Quốc thì trừ phi anh là hải tặc, trừ phi anh đến xâm lược, nếu không sẽ không bị lên tàu kiểm tra.

Việc lên tàu kiểm tra là một hành động cực kì nghiêm trọng trong luật pháp quốc tế, có thể dẫn đến những xung đột nghiêm trọng. Cách làm này của Trung Quốc giống như hành động đổ thêm dầu vào lửa đối với thế cục biển Đông vốn đã rất căng thẳng”.

Giáo sư Dương nhận định, điều lệ mới của Trung Quốc sẽ gia tăng căng thẳng tại biển Đông, với biểu hiện chủ yếu là các bên tranh cãi ngày càng mạnh.

Theo ông, trước việc Trung Quốc không ngừng gia tăng tuyên bố chủ quyền đối với biển đảo tranh chấp, liên tiếp có động thái gây hấn, các nước như Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia… sẽ phản ứng mạnh mẽ.

“Philippines và Việt Nam đã tỏ rõ thái độ đối với việc Trung Quốc thâm nhập mạnh vào vùng biển tranh chấp chủ quyền. Ngoài ra, dù trong vấn đề tranh chấp chủ quyền tại biển Đông, Mỹ tỏ thái độ trung lập, nhưng thực tế lại là nước ủng hộ Nhật Bản và các nước Đông Nam Á”, ông Dương nói.

Thủ đoạn luật pháp, kinh tế và hành động thực tế

Theo ông Dương, điều lệ mới không phải chỉ là Trung Quốc tùy tiện nói rồi thôi, nó đã được suy xét kĩ càng.

Theo ông Lý Kim Minh, giáo sư công tác Viện Nghiên cứu Nam Dương - Đại học Hạ Môn (Trung Quốc), điều lệ mới đã tăng quyền hạn cho cảnh sát biển Trung Quốc.

“Trước đây, Trung Quốc nhất quán cho hải quân chấp hành nhiệm vụ khám xét tàu thuyền nước ngoài mà không hề dùng đến cảnh sát biển”, ông Lý nói.

Ấn Độ quyết bảo vệ lợi ích ở biển Đông

Đô đốc D.K.Joshi, Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ, ngày 3-12 nói với các phóng viên rằng, trong bối cảnh Trung Quốc hiện đại hóa hải quân rất nhanh, Ấn Độ sẽ tăng cường bảo vệ các lợi ích của mình tại biển Đông, như tự do hàng hải, thăm dò tài nguyên biển… “Trong trường hợp cần thiết, ví dụ bảo vệ Videsh (Cty khai thác dầu mỏ ngoài khơi của Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ), chúng tôi sẵn sàng điều quân tới đó”, Đô đốc Joshi nói.

Thái An
Theo CBS News

Giáo sư Lý Diêu Kiệt công tác tại Trung tâm Nghiên cứu luật pháp biển - Học viện Pháp luật thuộc Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), cho rằng, việc sửa đổi điều lệ còn nhằm vào việc quản lý biên phòng tại cái gọi là thành phố Tam Sa.

Điều lệ mới được coi là vũ khí pháp luật, để lực lượng biên phòng, hải giám, ngư chính của cái gọi là thành phố Tam Sa thực hiện quyền hạn được giao.

Sau khi điều lệ mới được công bố, Đài Bắc kêu gọi Bắc Kinh hành xử kiềm chế hơn. Một chuyên gia về Trung Quốc thuộc tổ chức phi chính phủ International Crisis Group, tên là Stephanie Kleine-Ahlbrandt nhận định, quy định mới này là “một bộ phận trong chiến lược tổng thể của Bắc Kinh, mục đích là để bảo vệ chủ trương chủ quyền của Trung Quốc một cách mạnh mẽ hơn, thông qua các thủ đoạn luật pháp, kinh tế và hành động thực tế”.

Về động thái gây hấn mới nhất của Trung Quốc trên biển Đông, giáo sư Ran Bogong, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, đang làm việc tại bang Ohio của Mỹ, cho rằng, trong khi việc in bản đồ “đường lưỡi bò” lên hộ chiếu mới tiếp tục bị thế giới chỉ trích, cách làm lên tàu nước ngoài để khám xét, can thiệp thô bạo của Trung Quốc thực sự là “vấn đề rất nghiêm trọng”.

Philippines tìm đối sách

Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố, kế hoạch kiểm tra, khống chế tàu thuyền nước ngoài của Trung Quốc “vi phạm nghiêm trọng” các văn kiện áp dụng cho các bên ở biển Đông, đồng thời cấu thành sự “uy hiếp trực tiếp cho cộng đồng quốc tế”.

Philippines đã thúc giục Trung Quốc “lập tức làm sáng tỏ” kế hoạch trao quyền cho cảnh sát biển lên tàu kiểm tra đối với tàu bè trên biển Đông. Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Philippines kêu gọi tổng thống nước này triệu tập cuộc họp để thảo luận đối sách.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói rằng, đây là hành vi độc đoán của Bắc Kinh.

Ông bày tỏ lo ngại rằng, khả năng đàm phán nhằm ngăn chặn quan hệ Philippines-Trung Quốc suy giảm thêm ngày càng xa vời. Báo chí Philippines liên tiếp đăng tải nhiều bài viết chỉ trích kế hoạch của Trung Quốc.

Một số nghị sĩ Philippines được báo chí nước này dẫn lời nói rằng, Trung Quốc muốn lợi dụng kế hoạch này để “ném đá dò đường” nhằm tìm hiểu mức độ có thể khiêu khích tính nhẫn nại của Mỹ - một đồng minh của Philippines.

Thiếu tướng Luis Tuason, Chỉ huy Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines, mới đây thông báo nước này sẽ mua năm tàu tuần tra của Pháp với tổng trị giá 116 triệu USD, một phần để bảo vệ khu vực tranh chấp trên biển Đông.

Một tàu dài 82m và 4 tàu dài 24m sẽ được giao muộn nhất là vào năm 2014. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines hiện chỉ có chín tàu đang hoạt động và đây là lần đầu tiên, lực lượng này có được loại tàu tuần tra hiện đại như vậy.

Hồi tháng 4, Philippines và Trung Quốc bắt đầu xích mích vì tranh chấp chủ quyền bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham trên biển Đông.

Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cảnh báo rằng, khu vực này có thể sẽ trở thành “Palestine của châu Á”.

Ông Pitsuwan nói, kế hoạch cho cảnh sát biển lên tàu thuyền nước ngoài của Trung Quốc sẽ khiến cho thế cục biển Đông vốn căng thẳng sẽ “xuất hiện những diễn biến vô cùng nghiêm trọng”.

Tổng thư ký ASEAN nhận định: “Việc giữ thái độ kiềm chế bây giờ vô cùng quan trọng, phải cố gắng đối phó những biến động bằng phương thức bình tĩnh và lắng nghe mối quan tâm của các bên”.

Tàu hải giám Trung Quốc vào lãnh hải Nhật Bản

Trưa 4-12, một tàu hải giám của Trung Quốc có mặt tại vùng biển của Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong khoảng 10 phút, trong khi ba tàu khác của Trung Quốc lượn lờ gần đó, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản thông báo. Đây là lần thứ 3 tàu của Trung Quốc đi vào lãnh hải của Nhật Bản, kể từ khi chính phủ Nhật Bản mua ba hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ một chủ sở hữu tư nhân hồi tháng 9.

Khi Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cảnh báo tàu Trung Quốc không được đi vào vùng biển của Nhật Bản, tàu Trung Quốc đáp lại bằng tiếng Trung và tiếng Anh rằng, Điếu Ngư là lãnh thổ của Trung Quốc.

Thái An
Theo Kyodo

Xuân Phúc
Tổng hợp từ Tân Hoa Xã, Thời báo Hoàn cầu, Đối ngoại châu Á-Thái Bình Dương

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
TP - Mùa giáng sinh rộn ràng khắp phố phường với những cây thông được trang hoàng rực rỡ, tuy nhìn vào “thực đơn” món ăn tinh thần vẫn loanh quanh những sản phẩm nhuốm màu năm tháng. Từ phim ảnh đến âm nhạc đều mang màu sắc hoài niệm.