Yêu cầu Trung Quốc hủy “đường lưỡi bò” trong hộ chiếu

Yêu cầu Trung Quốc hủy “đường lưỡi bò” trong hộ chiếu
TP - Trước việc Trung Quốc cấp hộ chiếu phổ thông điện tử cho công dân của nước này, trong đó có in hình bản đồ Trung Quốc gồm “đường lưỡi bò”, ngày 22-11, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nói: Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ nội dung sai trái này.

> Tham vấn về Biển Đông: Việt Nam chờ thư mời chính thức của Philippines
> Việt Nam, Philippines phản đối Trung Quốc in đường 'lưỡi bò' lên hộ chiếu điện tử

Bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (do nhà Thanh xuất bản năm 1905) thể hiện rõ biên giới phía nam Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam là hết
Bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (do nhà Thanh xuất bản năm 1905) thể hiện rõ biên giới phía nam Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam là hết.

Việc làm của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở biển Đông.

“Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ những nội dung sai trái in trên hộ chiếu phổ thông điện tử nói trên”, ông Nghị nói.

Ngày 22-11, Philippines cũng phản đối việc Trung Quốc cấp hộ chiếu phổ thông điện tử có hình bản đồ Trung Quốc gồm đường lưỡi bò, theo báo Philippine Star.

“Philippines kịch liệt phản đối việc đưa đường chín đoạn vào hộ chiếu điện tử… Philippines không chấp nhận giá trị của đường chín đoạn vi phạm luật pháp quốc tế”, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tuyên bố.

“Đường lưỡi bò” vô lối xâm phạm vùng biển rộng lớn của Việt Nam. Nguồn: VietnamPlus dẫn theo UNCLOS & CIA
“Đường lưỡi bò” vô lối xâm phạm vùng biển rộng lớn của Việt Nam. Nguồn: VietnamPlus dẫn theo UNCLOS & CIA.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez khẳng định, người Trung Quốc mang hộ chiếu mới này sẽ vi phạm chủ quyền quốc gia của các nước khác có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông.

Tại các hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông từ trước tới nay, nhiều đại biểu khẳng định, đường lưỡi bò của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.

Những luận cứ tiếp cận lịch sử liên quan đường lưỡi bò cũng như một số luận cứ khác của Trung Quốc về lịch sử và vấn đề chủ quyền là không có tính thuyết phục.

Trung Quốc viết lại lịch sử bằng cách tự vẽ ra đường lưỡi bò, âm mưu chiếm tới 80% diện tích biển Đông, nhưng bị dư luận cả trong và ngoài nước lên án.

Tham vấn ASEAN về biển Đông là bình thường

Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm qua, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị khẳng định: Việc tham vấn giữa các nước ASEAN về vấn đề biển Đông là việc làm bình thường và thường xuyên để thúc đẩy việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông, cũng như để thúc đẩy việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và các thỏa thuận, cam kết đã có như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), Tuyên bố về Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN, và mới đây là Tuyên bố chung Cấp cao Kỷ niệm 10 năm DOC.

Trước đề nghị của phóng viên là khẳng định thông tin cho rằng, sau khi Hội nghị Cấp cao ASEAN 21 kết thúc, các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền tại biển Đông sẽ nhóm họp ngày 12-12 tại Philippines để tham vấn về vấn đề biển Đông, ông Nghị nói: “Chúng tôi đã được phía Philippines thông báo về vấn đề này và đang chờ thư mời chính thức, trong đó sẽ thống nhất về cách thức tổ chức, nội dung và thời gian của cuộc gặp”.

Hôm 21-11, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario thông báo, các thứ trưởng ngoại giao Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines sẽ gặp mặt ngày 12-12 tại thủ đô Manila, để thảo luận giải pháp đa phương cho tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, theo Philippine Star.

Nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN 21 ở Campuchia, Trung Quốc lại nêu vấn đề giải quyết tranh chấp với từng bên liên quan và cách tiếp cận song phương này bị Philippines kịch liệt phản đối.

Nhật Bản xem xét đặt tên đỉnh trên các đảo tranh chấp

Ngày 22-11, chính phủ Nhật Bản quyết định cân nhắc đặt tên các điểm cao trên hai hòn đảo thuộc Takeshima/Dokdo - nhóm đảo tranh chấp với Hàn Quốc (hiện do Hàn Quốc kiểm soát). Tên các đỉnh này có thể xuất hiện trên những tấm bản đồ do Cục Thông tin không gian địa lý Nhật Bản xuất bản. Quyết định của Nhật Bản được đưa ra sau khi chính phủ Hàn Quốc đặt tên một đỉnh trên đảo tranh chấp trên biển Nhật Bản là Usanbong và một đỉnh khác là Taehanbong.

Cùng ngày, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng một tàu cá của Hàn Quốc bị cáo buộc đánh bắt mực trái phép ở ngoài khơi tỉnh Nagasaki. Theo cơ quan này, chiếc tàu cá Hàn Quốc vi phạm luật chủ quyền về đánh bắt hải sản trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Thái An
Theo Kyodo

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.