Môi trường an ninh Nhật Bản khắc nghiệt chưa từng thấy

Môi trường an ninh Nhật Bản khắc nghiệt chưa từng thấy
TP - Ngày 14-10, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda nói với lực lượng hải quân nước này rằng, "môi trường an ninh quanh Nhật Bản hiện khắc nghiệt chưa từng thấy", trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc về tranh chấp biển đảo đang gia tăng và hiểm họa chương trình hạt nhân của Triều Tiên vẫn còn đó.

> 'Đánh cờ’ trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư?

Tàu khu trục Kurama (trái) chở Thủ tướng Nhật Bản dẫn đầu hạm đội Lực lượng Bảo vệ biển trong cuộc tập trận - duyệt binh ngày 14-10. Ảnh: Yuriko Nakao
Tàu khu trục Kurama (trái) chở Thủ tướng Nhật Bản dẫn đầu hạm đội Lực lượng Bảo vệ biển trong cuộc tập trận - duyệt binh ngày 14-10. Ảnh: Yuriko Nakao.

"Chúng ta có một láng giềng phóng tên lửa dưới lốt phóng vệ tinh. Chúng ta đang chứng kiến nhiều diễn biến liên quan lãnh thổ và chủ quyền", Thủ tướng Noda nói với khoảng 8.000 quân nhân, khi ông đứng trên tàu khu trục Kurama.

Ông Noda, chỉ huy tối cao của quân đội Nhật Bản có tên gọi Lực lượng Phòng vệ (SDF), phát biểu trong khi giám sát cuộc tập trận - duyệt binh ở ngoài khơi tỉnh Kanagawa, phía nam thủ đô Tokyo, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập lực lượng hải quân Nhật Bản.

Thủ tướng Noda kêu gọi các quân nhân tham gia cuộc tập trận chuẩn bị gánh vác "những trách nhiệm mới" vì tình hình an ninh quanh Nhật Bản đang thay đổi. Trong thời đại mới, "vai trò của SDF trở nên ngày càng quan trọng", ông nói.

Phát biểu của Thủ tướng Noda được truyền tới khoảng 40 tàu trong khu vực tập trận - duyệt binh, bao gồm tuần dương hạm Shiloh của Mỹ. Khoảng 47.000 quân nhân Mỹ đang đồn trú tại Nhật Bản.

Trong đợt mưa phùn, ông Noda quan sát các tàu khu trục, tàu ngầm, tàu quét thủy lôi, tàu tiếp nhiên liệu, tàu chạy trên đệm không khí liên tục lướt qua trước mặt, trong khi khoảng 30 máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-3C và máy bay trực thăng của SDF bay vù vù trên đầu.

Có mặt trong cuộc tập trận mang tên Duyệt binh hạm đội 2012 của Nhật Bản hôm 14-10 còn có các chiến hạm đến từ Mỹ, Singapore và Úc. Đại diện của hơn 20 nước, trong đó có Trung Quốc, cũng tham dự sự kiện này.

Đây là lần đầu tiên các chiến hạm nước ngoài tham gia cuộc duyệt binh Nhật Bản kể từ năm 2002, khi 17 tàu của 11 nước, trong đó có Nga và Mỹ, tham gia.

Hải quân Nhật Bản (tên gọi chính thức là Lực lượng Phòng vệ biển) là một trong những lực lượng hải quân được trang bị và huấn luyện tốt nhất thế giới.

Theo nội Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Nhật sau Thế chiến II, Hạm đội 7 của Mỹ, bao gồm tàu sân bay USS George Washington và hàng loạt chiến hạm đi kèm, đồn trú tại Nhật Bản.

Tuy nhiên, Nhật Bản mấy năm gần đây phải nâng cao cảnh giác vì sức mạnh hải quân Trung Quốc gia tăng.

Một số nhà chiến lược nói rằng, tình thế mới có thể ảnh hưởng hiện trạng khu vực và làm suy giảm năng lực của Nhật Bản trong việc giải quyết những thách thức đối với tự do hàng hải, nhất là của các tuyến đường biển trọng yếu.

Trong khi đó, mối lo về sự gia tăng khẳng định chủ quyền trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc khiến nhiều người Nhật Bản kêu gọi nước họ tăng cường quốc phòng.

Quan hệ Nhật - Trung suy giảm nghiêm trọng sau khi Nhật Bản mua từ chủ sở hữu tư nhân một số hòn đảo tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông.

Tranh chấp gia tăng về nhóm đảo không người Senkaku/Điếu Ngư dẫn tới làn sóng chống Nhật trên khắp Trung Quốc, ảnh hưởng nghiêm trọng thương mại song phương.

Phần lớn để phản ứng động thái của Trung Quốc, Nhật Bản đang tăng cường hạm đội của mình bằng cách mua tàu đổ bộ và cân nhắc mua các máy bay không người lái để cải thiện khả năng giám sát ngoài khơi.

Các tàu tuần tra của cả Nhật Bản và Trung Quốc đang theo dõi nhau trên biển Hoa Đông gần Senkaku/Điếu Ngư.

Nhiều người lo rằng, chỉ một va chạm vô tình cũng có thể dẫn tới xung đột quy mô lớn.

Thái An
Theo AP, Japan Times, CBS News

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG