> Quyền lực văn hóa và những lo toan
Nhà văn Mạc Ngôn. |
Trong buổi họp báo tại Cao Mật hôm 12-10, trước mấy trăm nhà báo, nhà văn Mạc Ngôn cho biết, ông dự định dùng tiền thưởng Nobel văn chương để mua nhà ở Bắc Kinh, dù không muốn rời Cao Mật.
Hiện, một số người đi lùng mua trọn bộ các tác phẩm của Mạc Ngôn làm bộ sưu tập.
Sách ế bỗng đắt như tôm tươi
Ngay sau khi Mạc Ngôn đoạt giải Nobel văn chương, các tác phẩm của ông đã lập tức được bạn đọc săn lùng.
Cuốn Ếch - tác phẩm đoạt giải Mao Thuẫn in 200.000 bản, còn ế 5.000 cuốn trong kho lập tức bán hết veo.
Những tác phẩm khác của Mạc Ngôn bày trên giá các hiệu sách cũng nhanh chóng được độc giả gỡ xuống.
Một trang mạng trực tuyến cho biết, họ bán được 11.000 cuốn sách của Mạc Ngôn chỉ trong 1 ngày.
Việc Mạc Ngôn sử dụng số tiền thưởng 1,2 triệu euro ( tương đương 7,5 triệu nhân dân tệ) như thế nào cũng là đề tài sôi nổi trên mạng mấy hôm nay.
Đáp lại những lời kêu gọi “quyên góp”, “hiến tặng”, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Tân Hoa xã, Mạc Ngôn cho biết, ông sẽ dùng số tiền này để mua một căn nhà ở Bắc Kinh.
Có người nhắc nhở ông, nhà Bắc Kinh rất đắt, mỗi mét vuông phải tới 50.000 tệ, ông đáp như thế cũng mua được căn hộ rộng 120 m2.
Tin này lan truyền trên mạng, nhiều bạn đọc đã sốt sắng “hiến kế” giúp ông. Có người mách số tiền đó mua được căn hộ 200 m2 ở khu Ngũ Hoàn ngoại.
Một đại gia địa ốc nhắc nhở ông: “Có hộ khẩu Bắc Kinh không mà đòi mua nhà?”.
Nhiều bạn đọc lại khuyên ông đừng mua nhà ở Bắc Kinh vì ở đây không khí ô nhiễm lắm, tốt nhất ông hãy dùng số tiền ấy xây dựng một trang trại ở Cao Mật để sống và sáng tác cho sướng.
Trong buổi họp báo tại Cao Mật hôm 12-10, trước mấy trăm nhà báo, Mạc Ngôn cho biết: Ông hay tin mình được trao giải Nobel do một nhân viên Viện Văn học Thụy Điển gọi điện báo 20 phút trước khi công bố.
Ông nói: “Có lẽ do tố chất văn học trong tác phẩm của tôi đã thuyết phục được hội đồng giải thưởng...Văn học của tôi thể hiện cuộc sống của người Trung Quốc, văn hóa và phong tục Trung Quốc, viết về con người, vượt qua mọi giới hạn về địa lý và chủng tộc”.
Ông nói đúng là có ý định mua nhà ở Bắc Kinh nhưng không muốn rời khỏi Cao Mật.
Mạc Ngôn đoạt giải Nobel văn chương là niềm vui của ông và đông đảo người Trung Quốc, nhưng mừng nhất có lẽ là Công ty Bác Duy Bắc Kinh bởi họ vừa ký được hợp đồng mua trọn bản quyền mọi tác phẩm của Mạc Ngôn từ tháng 5-2012 vừa qua.
Đường Quyên, giám đốc công ty cho biết, đã có chiến lược xuất bản các tác phẩm mới và tái bản các tác phẩm cũ của Mạc Ngôn.
Một cuốn tiểu thuyết mới của ông họ vốn định in 200.000 bản như trước, nay sẽ in từ 500.000 đến 1 triệu bản.
Bộ 11 tiểu thuyết dài của ông sẽ được nối bản thêm 50.000 bản mỗi cuốn; hơn 20 hãng phim đã đánh tiếng tranh mua bản quyền một số tác phẩm để dựng phim.
Trên các trang mua bán trực tuyến e-bay, Amazon cũng đã xuất hiện mục mua bán tác phẩm của Mạc Ngôn, trong đó có một số người đã đặt mua trọn bộ tác phẩm của ông để làm bộ sưu tập.
Trước những lời chúc mừng pha lẫn ghen tỵ. của những đồng nghiệp trong giới kinh doanh văn hóa, Bác Duy chỉ cho biết: Hợp đồng ký với Mạc Ngôn không dưới 3 năm và công ty dự định sẽ lên sàn trong thời gian tới.
Chú bé chăn trâu bỏ học
Nhắc đến Mạc Ngôn, người ta nghĩ ngay đến những cánh đồng cao lương ngút ngàn trên đất đỏ trong phim “Cao lương đỏ” - đó chính là huyện Cao Mật, quê hương của ông.
Cao Mật không chỉ là quê hương của Mạc Ngôn về mặt địa lý, đó còn là quê hương văn học, là cánh đồng văn chương để ông canh tác suốt mấy chục năm qua.
Tất cả các tác phẩm của Mạc Ngôn hầu như không tách khỏi Cao Mật, có nhà bình luận viết: Mạc Ngôn đã cày xới và khai quật Cao Mật rồi vươn ra nông thôn Trung Quốc.
Ngôi nhà thôn quê của Mạc Ngôn. |
Sinh ngày 17-2-1955 tại thôn Bình An, thị trấn Hà Ngạn, huyện Cao Mật tỉnh Sơn Đông, con đường văn học của Mạc Ngôn chẳng hề xuôi buồm thuận gió như nhiều người tưởng mà đầy trắc trở, quanh co.
Mạc Ngôn tên thật là Quản Mô Nghiệp. Bút danh Mạc Ngôn với ngụ ý tự khuyên mình nói ít, viết nhiều.
Hồi nhỏ thích làm nhà văn vì muốn được ăn ngày ba bữa bánh bao trắng no nê và cưới một cô vợ làm nghề chạm đá. |
Hồi nhỏ, đi học, Mạc Ngôn có tố chất văn học tốt, làm văn hay, thường được thày giáo lấy làm mẫu đem đọc trước cả lớp.
Năm 1967, do Cách mạng văn hóa bùng nổ và mất lòng thày giáo nên Mạc Ngôn phải bỏ học về chăn trâu, làm ruộng.
Ngoài 20 tuổi, Mạc Ngôn rời quê vào lính, được làm tiểu đội trưởng, rồi nhân viên bảo mật, thủ thư, giáo viên, cán sự ở trung đoàn thông tin.
Giấc mơ làm nhà văn thời thơ ấu sống dậy, Mạc Ngôn bắt đầu cầm bút viết lách. Ông viết rất nhiều truyện, gửi tứ tung cho các báo, tạp chí cấp địa phương trong cả nước chứ không dám gửi báo chí lớn ở trung ương.
Sau mỗi lần đem những phong bì dầy cộp ra bưu điện gửi là những ngày mỏi cổ mong ngóng, nhưng cuối cùng lại nhận về bản thảo đã quăn queo kèm theo thư từ chối sử dụng kèm lời cám ơn của ban biên tập.
Đến năm 1981, tạp chí “Liên trì” (Ao Sen) của thành phố Bảo Định (Hồ Bắc) thông báo đăng truyện ngắn “Mưa đêm Xuân” của ông.
Mùa Thu năm 1984, Mạc Ngôn được nhà văn Từ Hoài Trung, Chủ nhiệm khoa Văn học, Học viện Nghệ thuật Giải phóng quân mời vào học.
Từ đó, sự nghiệp sáng tác văn học mới mở ra trước mắt Mạc Ngôn và tên ông bắt đầu được biết đến ở trong, ngoài nước.
Trong hai năm học ở đây, Mạc Ngôn ngày học, đêm viết. Năm 1986 ông cho xuất bản tiểu thuyết Cao lương đỏ gây chấn động văn đàn. Sau đó ông bán bản quyền tác phẩm này cho Trương Nghệ Mưu với giá 800 Nhân dân tệ.
Bộ phim được đạo diễn họ Trương dàn dựng với hai gương mặt mới Khương Văn, Củng Lợi, lập tức đoạt giải Gấu Vàng ở LHP Berlin 1988, khiến thế giới bắt đầu biết đến điện ảnh Trung Quốc.
Cho đến nay, hành trang của Mạc Ngôn đã có hơn 80 truyện ngắn, 30 tiểu thuyết vừa, 11 bộ tiểu thuyết dài, 5 cuốn tản văn, 1 bộ toàn tập tản văn, 9 kịch bản phim, 2 kịch bản kịch nói.
Các tác phẩm của ông đã được dịch ra hơn chục thứ tiếng như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Thụy Điển, Nga, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam...
Kiệt tác từng bị ném đá
Sau một loạt tiểu thuyết vừa rất thành công, Mạc Ngôn quay sang sáng tác tiểu thuyết dài (trường thiên).
Năm 1993, ông cho in bộ Tửu quốc mà ông lao tâm khổ tứ nghiền ngẫm ngồi viết trong ngôi nhà riêng ở Cao Mật. Nhưng thời đó, người ta đổ xô vào làm kinh tế, văn học bị ghẻ lạnh, tác phẩm này bị rơi vào quên lãng.
Mùa Xuân năm 1995, Mạc Ngôn bỏ ra 83 ngày liền hoàn thành cuốn Phong nhũ phì đồn (Vú to mông nở - ở Việt Nam được chuyển ngữ thành Báu vật của đời).
Cuốn sách dài 500.000 từ này lập tức gây sóng gió, giúp Mạc Ngôn giành giải Văn học Đại gia với khoản tiền thưởng 100.000 tệ, một khoản tiền khá lớn. Nhưng sau đó, bão tố dư luận ập xuống đầu ông với đủ những lời phê phán, chê bai, giễu cợt, rủa xả. Tuy nhiên, cũng có người coi đây là kiệt tác.
Trước những lời chê bai, phê phán, Mạc Ngôn nói: “Tôi cho rằng các bạn có thể không đọc tất cả tác phẩm của tôi, nhưng nếu muốn tìm hiểu thế giới văn học của tôi thì nên đọc Phong nhũ phì đồn.
Với tác phẩm này, Mạc Ngôn kết thúc dòng tác phẩm viết về Cao Mật và Đông Bắc khởi đầu từ Cao lương đỏ. Cũng sau tác phẩm này, Mạc Ngôn đã phải rời quân ngũ, chuyển về công tác tại Nhật báo kiểm sát (năm 1997).
Sau Phong nhũ phì đồn, Mạc Ngôn nghỉ viết tiểu thuyết mấy năm, quay sang viết kịch bản phim và tản văn.
Đến 1999, không dứt được nợ với tiểu thuyết, ông quay lại với loạt 4 tác phẩm đăng trên tạp chí Thu hoạch.
Mấy năm sau đó, ông cho in liên tục 11 tiểu thuyết dài như: 41 phát pháo, Đàn hương hình, Mệt mỏi sống chết, Ếch... trong đó Ếch đã mang lại cho giải thưởng văn học Mao Thuẫn (2011)... và đưa ông trở thành “đại gia làng văn”.
Năm 2006, trong danh sách “Các nhà văn triệu phú Trung Quốc”, ông xếp thứ 20 với thu nhập 3,45 triệu tệ trong 10 năm.
Tháng 11-2011, Mạc Ngôn được bầu làm Phó chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc; tháng 5-2012 ông được mời làm Giáo sư kiêm chức của Khoa Trung văn Đại học sư phạm Hoa Đông.
Mạc Ngôn chưa đạt tầm nhân loại?
Trong một bài viết được truyền đi trên mạng Internet, Tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh (Khoa Ngữ văn, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM) viết: “Một nhà văn lớn của thời đại, một nhà văn xứng tầm Nobel, danh giá nhất hành tinh, theo tôi, phải là một nhà văn nhân loại.
Nghĩa là, nhà văn đó phải thực sự vượt qua ranh giới quốc gia không chỉ theo nghĩa hẹp là sách được xuất bản khắp nơi, mà còn là theo nghĩa rộng: vượt qua những hiềm khích dân tộc, vượt qua sự hẹp hòi của “dân tộc chủ nghĩa”, nhất là ở một đất nước như Trung Quốc, dân tộc tính, chủ nghĩa đại Hán vốn là thâm căn cố đế. Thì Mạc Ngôn, chưa đạt đến mức nhân loại.
Với Chiến hữu trùng phùng (Ma chiến hữu), viết về cuộc chiến tranh Trung - Việt năm 1979 mà Mạc Ngôn gọi là “cuộc chiến vệ quốc”, tuy bằng giọng văn ôn hòa, không đến nỗi hiếu chiến, nhưng rõ ràng Mạc Ngôn vẫn đứng trên lập trường nước mạnh, nước lớn “cả vú lấp miệng em”.
Nếu muốn xứng tầm là một nhà văn Nobel, rõ ràng, Mạc Ngôn nợ Việt Nam một lời xin lỗi”.
Thu Thủy
Tổng hợp theo báo chí Trung Quốc