Ông chủ WikiLeaks hết đường ra

Ông chủ WikiLeaks hết đường ra
TP - Julian Assange, ông chủ của trang web WikiLeaks bị pháp luật Anh bịt mọi kẻ hở, nên cuộc phiêu lưu của ông tại đại sứ quán Ecuador tại Anh có thể kéo dài rất nhiều năm.

> Ông chủ Wikileaks có thể trú tại đại sứ quán Ecuador vô thời hạn

Julian Assange đứng trên ban công đại sứ quán Ecuador tại London kêu gọi Mỹ chấm dứt cuộc điều tra chống lại WikiLeaks mà ông gọi là cuộc điều tra để khủng bố những người không theo chính phái
Julian Assange đứng trên ban công đại sứ quán Ecuador tại London kêu gọi Mỹ chấm dứt cuộc điều tra chống lại WikiLeaks mà ông gọi là cuộc điều tra để khủng bố những người không theo chính phái.

Tình hình xung quanh ông chủ trang WikiLeaks vẫn nóng lên từng ngày. Julian Assange cho tới nay vẫn trú ẩn trong sứ quán Ecuador ở London giữa vòng vây phong tỏa chặt chẽ của cảnh sát Anh.

Chống lại ông là chính quyền 3 quốc gia: Anh, Thụy Điển và Mỹ. Câu hỏi mà các nhà báo quốc tế đang sôi nổi thảo luận là câu chuyện này sẽ kết thúc ra sao?

Đại diện chính quyền Ecuador cho biết, nếu cần thiết Assange có thể ở trong sứ quán Ecuador tại London bao lâu cũng được, 8 năm hoặc thậm chí 2 thế kỷ cũng được.

Thực ra, đây không phải trường hợp duy nhất xảy ra cuộc lẩn trốn tương tự trong vòng 25 năm qua. Vào năm 1990, viên tướng người Lebanon là Michelle Aoum đã lẩn trốn suốt 10 tháng trời trong sứ quán Pháp ở Beyrouth trước khi bị dẫn độ về Pháp.

Tiếp đó, vào năm 1996, Tổng thống hồi đó của quốc gia châu Phi Burundi là Sylvestre Nibantunganya sau khi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự đã lẩn trốn trong sứ quán Mỹ suốt 11 tháng trời.

Trường hợp Assange xem ra còn rắc rối hơn. Chẳng thế, theo tờ Sydney Morning Herald của Australia, xét về nguyên tắc, “cuộc phiêu lưu” của Assange có thể kéo dài hàng năm trời.

Trước hết, vì ông chủ WikiLeaks vấp phải bức tường thép của pháp luật Anh nên hầu như không có cơ may nào ra khỏi lãnh thổ sứ quán Ecuador mà không gặp trở ngại.

Chẳng hạn, Assange có thể chạy trốn trên xe hơi nhưng chỉ cần bước ra khỏi xe là sẽ bị bắt giữ ngay lập tức.

Theo luật pháp Anh, cảnh sát tuy không có quyền khám xét xe mang biển số ngoại giao nhưng có quyền chặn chiếc xe đó lại.

Nếu đào thoát bằng máy bay lên thẳng thì cũng khó thực hiện được vì sứ quán Ecuador chỉ chiếm nửa tầng một của cả một tòa nhà lớn.

Bởi vậy, hệ thống thang trong tòa nhà đó được coi là nơi công cộng. Chỉ cần Assange tìm cách leo lên mái nhà để đón máy bay lên thẳng, ông sẽ bị bắt trên đường đi.

Một phương án khác là chở Assange trong một chiếc túi hoặc bao gói thật to dưới dạng “bưu phẩm ngoại giao”.

Đúng là một ý tưởng hay bởi vì theo mục 3 điều 27 của Công ước Vienna năm 1961 về quan hệ quốc tế, không ai được phép mở hoặc chặn giữ các bưu phẩm ngoại giao.

Nhưng chính quyền Anh có thể dựa theo một điều khoản khác cũng của Công ước Vienna nói trên, theo đó, bưu phẩm ngoại giao loại bất khả xâm phạm ấy chỉ có thể chứa đựng giấy tờ hoặc các hiện vật công vụ.

Hơn thế nữa, vào năm 1985, chính quyền Anh đã tuyên bố trước là trong trường hợp khẩn cấp họ có thể mở mọi túi, bao gói và container ngoại giao.

Như vậy, mọi kẽ hở có thể giúp ông chủ WikiLeaks đào thoát êm thấm khỏi lãnh thổ Anh đều đã bị bịt kín.

Chắc hẳn vì thế mà hôm 23 tháng 8, chính quyền Ecuador tuyên bố không xem xét và cũng không có ý định xem xét khả năng chở Assange ra khỏi lãnh thổ Anh một cách bí mật.

Trước thái độ kiên quyết ấy, phía Anh ngày 24 tháng 8 đã gửi công hàm cho phía Ecuador đề nghị nối lại cuộc thương lượng về vấn đề Assange.

 Vũ Việt
Theo Vesti.ru và Lenta.ru

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG