> COC: Chậm, chắc, sẽ thành công
Ngoại trưởng Indonesia Natalegawa giữa vòng vây các nhà báo. Ảnh: Từ Internet. |
Tại chặng dừng chân đầu tiên của mình ở Manila, Ngoại trưởng Natalegawa nhận được sự ủng hộ của Philippines, với hy vọng ra được một tuyên bố về sự đoàn kết của ASEAN sau chuyến thăm dự định kết thúc vào cuối tuần này. Trước khi rời Manila sang Việt Nam hôm 18-7, Ngoại trưởng Natalegawa nói với các phóng viên rằng, kết quả cuối cùng phải là lập trường chung của ASEAN về Biển Đông.
Indonesia muốn cùng các thành viên khác của ASEAN xác định những yếu tố cốt lõi trong vấn đề Biển Đông. Ngoại trưởng Natalegawa bày tỏ tin tưởng, có thể tìm được những phương tiện khác để đảm bảo rằng không có khoảng trống nào trong ASEAN.
Ngoại trưởng Natalegawa cho rằng, cần phải thúc đẩy để có được một bộ qui tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và một tuyên bố tự do hàng hải tại các vùng biển có tranh chấp, sau đó cần phải theo đuổi COC một cách kiên quyết. Ngoại trưởng Natalegawa nói với các phóng viên: “Rất cần COC được thông qua ngay bây giờ chứ không phải là chờ 3 năm nữa. Chỉ khi đó, chúng ta mới có được những chuẩn mực chung để đo lường hành vi của các nước trong khu vực”.
Dự kiến, sau khi thăm Việt Nam, Ngoại trưởng Natalegawa sẽ thăm hai nước khác trước khi đến Phnom Penh, nhằm thuyết phục các nhà lãnh đạo Campuchia trở lại lập trường truyền thống gắn kết và thống nhất của ASEAN về Biển Đông. Chuyến công du lần này của Ngoại trưởng Natalegawa được thực hiện chỉ vài ngày sau khi Campuchia vì lợi ích riêng của mình đã tách ra khỏi lập trường chung của ASEAN để ủng hộ lập trường của Trung Quốc về Biển Đông, dẫn đến việc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 (AMM-45) ở Phnom Penh không thể ra được thông cáo chung - một việc chưa từng có của ASEAN.
Phnom Penh bị cho rằng, đã đứng về phía Trung Quốc để không đồng ý cho một số đoạn trong dự thảo thông cáo chung nói về hành động ngang ngược của Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển đảo Philippines và Việt Nam. Một nhà ngoại giao ASEAN nói rằng, Trung Quốc đã dùng lợi ích kinh tế để mua chuộc Campuchia.
Những người tham gia các hội nghị ASEAN tuần qua ở Phnom Penh cho biết, khi Ngoại trưởng Indonesia phát biểu về lập trường phản đối các hành động của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông gần đây, hệ thống âm thanh của hội nghị bỗng phát ra những tiếng khọt khẹt, có lúc mất hẳn tiếng, khiến hội nghị không thể nghe được phát biểu của đại biểu Indonesia. Nhiều người coi đây là hành động có chủ ý của nước chủ nhà nhưng phía Campuchia nói rằng, đó là do trục trặc kỹ thuật.
Indonesia, quốc gia thành viên đông dân nhất của ASEAN, không có tuyên bố tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, đã nhận lấy vai trò làm trung gian nhằm làm cho Hiệp hội có một lập trường chung về Biển Đông. Indonesia tích cực tham gia soạn thảo nội dung ban đầu của COC, nhằm ngăn chặn những hành động nguy hiểm đẩy cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông thành một cuộc chiến.
Theo nhiều nhà phân tích, Biển Đông đã trở thành điểm nóng nhiều tiềm năng dẫn đến xung đột quân sự. Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông đã trực tiếp xâm phạm lợi ích của Việt Nam, Philippines và ba thành viên khác của ASEAN.
Đ.P tổng hợp
ASEAN và Trung Quốc cần COC Ngày 17-7, phát biểu khai mạc diễn đàn quốc tế với chủ đề Hòa bình và Hòa giải ở Đông Nam Á, được tổ chức tại Jakarta, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono khẳng định ASEAN và Trung Quốc cần có COC để tránh xung đột và thúc đẩy ổn định trong khu vực. Theo Tổng thống Yudhoyono, các nước trong khu vực cần giúp các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông quản lý tranh chấp và kiềm chế độ nóng ở mức thấp. Một COC có ý nghĩa và thực tế được nhất trí giữa đôi bên sẽ rất quan trọng để cải thiện việc xây dựng lòng tin, giúp tăng cường khả năng dự đoán và thúc đẩy ổn định khu vực trong một khu vực đang rất cần bộ quy tắc ứng xử như vậy. Tổng thống Indonesia cũng lưu ý rằng trong bất cứ trường hợp nào cũng không thể cho phép căng thẳng tại đây leo thang. Ông nhấn mạnh ASEAN cần phải gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ với thế giới rằng tương lai của Biển Đông là dự đoán được, quản lý được và đáng lạc quan. |