Vũ lực không giải quyết được tranh chấp ở Biển Đông

Vũ lực không giải quyết được tranh chấp ở Biển Đông
TP - Dù từng bị các phần tử quá khích chửi rủa là “Hán gian”, “tay sai nước ngoài”, “nên đổi là Ngô (Đê) Tiện Dân” nhưng ông Ngô Kiến Dân không hề nao núng, thắng thắn nêu quan điểm của mình về tranh chấp Biển Đông.
Ngô kiến Dân
Ngô kiến Dân.

Ông Ngô Kiến Dân là một nhà ngoại giao kỳ cựu của Trung Quốc, từng là người phiên dịch tiếng Pháp cho các nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai.

Hồi cuối tháng 3 năm nay, ông đã nhận lời đối thoại trên tờ Nam Phương Nhật báo (Nanfang Daily) của tỉnh Quảng Đông về các vấn đề quốc tế, đặc biệt là vấn đề giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Bài trả lời phỏng vấn của ông Ngô Kiến Dân được đăng dưới tiêu đề “Ngô Kiến Dân: Giải quyết vấn đề Nam Hải không thể dựa vào vũ lực, càng đánh tình thế càng loạn”.

Tiền Phong Chủ nhật xin trích dịch phần ông Ngô Kiến Dân nói về chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông: Chủ nghĩa dân tộc cực đoan là không thể được!

Từ năm ngoái đến nay, ở Nam Hải (Biển Đông), liên tiếp xảy ra các vụ việc…, Trung Quốc cần phải ứng phó với tình hình ngày càng phức tạp ở Nam Hải?

Then chốt là phải làm rõ lợi ích lớn của Trung Quốc, lợi ích lớn của khu vực và lợi ích lớn của thế giới là gì. Phát triển hoà bình và hợp tác là lợi ích lớn…

Có học giả và người sử dụng mạng có thái độ rất gay gắt trong vấn đề Nam Hải, cho rằng Trung Quốc cần phải cứng rắn hơn, khi cần thiết phải sử dụng vũ lực. Ông nhìn nhận thế nào về việc này?

Đánh nhau thì giải quyết được vấn đề sao? Rất nhiều người cho rằng cứ tiến hành chiến tranh để giành chiến thắng là ổn. Thực ra không phải vậy, mà ngược lại, sẽ chỉ làm tình hình xung quanh Trung Quốc rơi vào hỗn loạn.

Hai năm trước đây, Thủ tướng Ôn Gia Bảo từng phát biểu trước Đại hội đồng LHQ: “Đã qua cái thời dùng chiến tranh làm thủ đoạn cuối cùng để giải quyết các tranh chấp quốc tế”.

Thử xem các cuộc chiến tranh Afghanistan, Iraq, Lybia do Mỹ phát động có giải quyết được vấn đề không?

Không! Một cuộc chiến tranh có cán cân lực lượng chênh lệch nghiêm trọng như thế mà cũng đã không giải quyết được vấn đề cơ bản, lại còn đem lại cả đống vấn đề cho Mỹ và châu Âu đó thôi.

Ông từng viết bài báo có tên “Tranh chấp Nam Hải, Trung Quốc kiềm chế là tự tin”, gây nên sự chú ý rộng lớn, cũng có những người phản đối?

“Tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu” (không nhịn điều nhỏ sẽ hỏng việc lớn). Quan điểm của tôi là: yêu nước, nhưng cũng phải yêu nhân loại thì mới được.

Trong thời đại toàn cầu hoá, tin học hoá khiến lợi ích các nước gắn kết chặt chẽ với nhau như hiện nay, đã đến lúc chúng ta không thể đóng cửa lại để tuyên truyền thứ chủ nghĩa yêu nước hẹp hòi.

Người Trung Quốc từ xưa đã có quan niệm về thiên hạ. Quan niệm thiên hạ ấy không nên chỉ hạn hẹp ở Trung Quốc mà phải là cả thế giới.

Hitler có yêu nước Đức không? Dĩ nhiên có, nhưng hắn theo chủ nghĩa dân tuý. Thanh niên ngày nay cần có tầm nhìn rộng mở, phải có trái tim bao dung thiên hạ. Thứ chủ nghĩa dân tuý, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa yêu nước hẹp hòi là không thể được. Một quốc gia chỉ biết cái lợi riêng mình thì sẽ mất hết bạn bè, sẽ bị cô lập. Thời nay, cô lập là tai hoạ.

Đối với chủ nghĩa dân tuý và chủ nghĩa dân tộc cực đoan thì cần phải dẫn dắt thế nào?

Thực ra, chúng ta cần tin tưởng dân chúng Trung Quốc đại đa số là có lý trí, hiện đa số im lặng. Đa số dân chúng không tán thành những thứ cực đoan… Hiện nay, trong xã hội, chúng ta có hai loại người theo chủ nghĩa dân tuý.

Đó là một loại người tư tưởng vẫn dừng ở quá khứ, không nhìn thấy thế giới đã bước sang thời kỳ phát triển hoà bình. Họ vẫn giữ tầm nhìn thời chiến tranh và cách mạng, phạm phải sai lầm thời đại.

Loại thứ hai là chỉ muốn giành lấy lợi ích, giống như ở Mỹ có người thích kích động gây tình hình căng thẳng. Nếu quan hệ giữa các nước căng thẳng thì sẽ bán được vũ khí.

Dẫn dắt loại người này cần phải có dũng khí, vì có thể gây tranh cãi, bị phê phán, thậm chí bị chửi.

Chân lý chẳng phải chỉ có được sau khi phải hứng chịu các loại chửi rủa hay sao? Trung Quốc ngày nay khi đi ra thế giới, cần phải có người đứng ra nói mấy câu. Điều đó tốt cho Trung Quốc, cũng tốt cho thế giới. Nếu để cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan lan tràn, cuối cùng chỉ đem lại tai họa cho Trung Quốc mà thôi.

Nhà ngoại giao có cái nhìn tỉnh táo

Ông Ngô Kiến Dân là nhà ngoại giao kỳ cựu của Trung Quốc, sinh năm 1939, tốt nghiệp khoa Pháp, Học viện Ngoại ngữ Bắc Kinh năm 1959. Ông từng là người phiên dịch tiếng Pháp cho các nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai.

Ông từng là nhân viên đoàn ngoại giao Trung Quốc đầu tiên ở Liên Hợp Quốc, Vụ trưởng Thông tin kiêm người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, Đại sứ Trung Quốc ở các nước Hà Lan, Pháp.

Về nước ông giữ các chức Giám đốc Học viện Ngoại giao, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Chính Hiệp (Mặt trận) toàn quốc, hiện là Viện sĩ Viện Khoa học châu Âu, Viện sĩ Viện Khoa học Âu - Á, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu các vấn đề quốc tế Thượng Hải.

Là nhà ngoại giao từng đảm nhận nhiều cương vị quan trọng, ông Ngô Kiến Dân có cách nhìn tích cực, tỉnh táo trước những vấn đề lớn có liên quan đến quan hệ đối ngoại của Trung Quốc.

Tháng 6 năm 2011, ông có bài viết “Tranh chấp Nam Hải, Trung Quốc kiềm chế là tự tin”, chủ trương phản đối quan điểm sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp với các nước ở Biển Đông.

Bài báo đã dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi trên báo chí, ông Ngô Kiến Dân đã bị những kẻ mang tư tưởng hiếu chiến, cực đoan, quá khích chửi rủa là “Hán gian”, “tay sai nước ngoài”, “nên đổi là Ngô (Đê) Tiện Dân”... Tuy nhiên, ông Ngô Kiến Dân không hề nao núng.

Từ đầu năm nay, khi tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng bởi những hành động gây hấn, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) cùng sự xuất hiện ngày càng nhiều những lời lẽ hiếu chiến, quá khích trên các phương tiện truyền thông của Trung Quốc, ông Ngô Kiến Dân tiếp tục thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình.

Thu Thủy lược dịch

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.