> Chiến sự bùng lên tại thủ đô của Syria
Cuộc nổi dậy tại Syria, đã làm lung lay một trong những chế độ lâu đời nhất ở Trung Đông, nổ ra ngày 15-3-2011.
Khi đó, một nhóm thanh niên gần 14 tuổi đã viết lên các bức tường của trường học của họ ở tỉnh Daraa miền Nam Syria rằng, “nhân dân Syria mong muốn chế độ hiện nay sụp đổ”.
Chính quyền Syria đã phản ứng lại bằng cách bắt giam những thanh niên trên, khiến người thân của những thanh niên này biểu tình phản đối. Tuy nhiên, họ đã bị đàn áp bằng vũ lực.
Cùng lúc đó, hai cuộc biểu tình quy mô nhỏ diễn ra tại các khu chợ Hamidiyeh và Marja ở Damas đòi phóng thích các tù nhân chính trị.
Sau đó, có thêm nhiều cuộc biểu tình nổ ra ở khắp Syria, với việc người dân sau nhiều thập niên sợ hãi sự thống trị “bàn tay sắt” của gia đình Assad đã bạo dạn đổ xuống đường để yêu cầu thay đổi chế độ.
Ông Assad đã phản ứng lại bằng cách hứa hẹn thực hiện một loạt cải cách, trong đó có việc chấm dứt sự cai trị của ông trong nhiều thập niên qua, ban hành đạo luật cho phép thành lập các chính đảng và đề ra một hiến pháp mới xóa bỏ sự độc quyền của đảng Baath của ông.
Tuy nhiên, việc các lực lượng chính phủ đàn áp mạnh mẽ các cuộc biểu tình và con số thương vong ngày càng tăng lên đã khiến những cam kết cải cách của ông Assad bị mất tín nhiệm.
Các nhà phân tích cho rằng, thời gian cầm quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad chỉ còn được tính từng ngày.
Nhà phân tích Salman Shaikh của Viện Brookings nói: “Nếu cách đây một năm bạn đặt câu hỏi: “Liệu ông Bashar al-Assad có bị lật đổ hay không?”, thì hẳn sẽ có rất nhiều người trả lời “không đời nào”.
Một năm đã trôi qua, mặc dù vấn đề (Syria) rất khó giải quyết, song có nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc nổi dậy của người dân vẫn đang diễn ra mạnh mẽ và chắc chắc sẽ đặt dấu chấm hết cho chế độ Assad”.
Trong những tháng qua, khẩu hiệu phổ biến “Syria tự do” của hàng chục nghìn người biểu tình đã được thay thế bằng một khẩu hiệu khác là: “Hãy vũ trang cho Quân đội Syria Tự do”.
Một số quốc gia Arập, đứng đầu là Arập Xêút, cũng kêu gọi trang bị vũ khí cho phe nổi dậy – đang chiến đấu chống lại các lực lượng của chính quyền Syria tại nhiều khu vực.
Tuy nhiên, các cường quốc trên thế giới đã cảnh báo về các hậu quả nghiêm trọng nếu nước ngoài can thiệp quân sự vào Syria.
Mặc dù vấn đề nhân đạo tại Syria đang ngày càng trở nên tồi tệ, song các cường quốc vẫn bất đồng sâu sắc về cách giải quyết cuộc khủng hoảng gây chết người này, với việc Nga và Trung Quốc đã hai lần sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ đối với các dự thảo nghị quyết trừng phạt chính quyền Syria.
Giới quan sát cho rằng, vấn đề Syria đang đi vào ngõ cụt, một phần là do Chiến tranh lạnh giữa Mátxcơva và phương Tây. Và rằng cuộc cách mạng ở Syria khác với những gì đã xảy ra tại Tunisia và Ai Cập, “nơi lực lượng vũ trang bị phương Tây chi phối”.
Ở Libya – nơi phe nổi dậy đã kết thúc chế độ cầm quyền kéo dài 42 năm của Gaddafi – chính “dầu mỏ là miếng mồi thu hút NATO tiến hành can thiệp quân sự, còn ở Syria không có miếng mồi ngon như thế”.
Các nhà phân tích cũng cảnh báo về nguy cơ xảy ra nội chiến tại Syria và sự chia cắt đất nước, giữa một bên là những người Hồi giáo dòng Sunni chiếm đa số và một bên là cộng đồng người Alawite thiểu số của triều đại Assad.
Việc vũ trang cho phe đối lập sẽ chỉ đổ thêm dầu vào ngọn lửa xung đột giáo phái bởi những người Alawite đang ngày càng lo ngại cho số phận của mình và trở nên cực đoan hơn.
Tình hình hiện nay “có thể dẫn tới các cuộc thảm sát trong tương lai”. Giới quan sát cũng cảnh báo về khả năng xuất hiện một nhà nước Alawite có những liên kết với Hezbollah, phong trào gồm các tay súng người Shi’ite ở Liban.
Bất chấp một năm hoạt động ngoại giao, với nhiều lần phủ quyết của Nga và Trung Quốc, LHQ vẫn đang tiếp tục tìm một giải pháp được thương thuyết. Tuy nhiên, sự cấp thiết phải hành động vẫn còn nguyên.
Syria là một trung tâm địa chính trị quan trọng tại Trung Đông, có động chạm đến những lợi ích của hàng chục nước.
Bà Anne-Marie Slaughter, Giáo sư chính trị thuộc Trường đại học Princeton, nhận xét: “Nhiều người sẽ chết nếu cộng đồng quốc tế cho phép hiện trạng kéo dài. Trang bị vũ khí cho phe đối lập là phương án lựa chọn dễ dàng nhất, nhưng sẽ dẫn tới tình trạng mà thế giới quan ngại nhất: một cuộc chiến ủy nhiệm sẽ lan sang Liban, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Jordani và tách Syria thành các khu vực sắc tộc. Tình huống này cũng cho phép Al-Qaeda và các nhóm khủng bố khác giành được bàn đạp tại Syria và có thể tiếp cận các loại vũ khí hóa học và sinh học”.
Có lẽ cộng đồng quốc tế chỉ muốn can thiệp tại Syria để tự bảo vệ mình trong trường hợp chế độ của Tổng thống Assad sụp đổ. Người ta tin rằng, Syria có các kho dự trữ vũ khí hóa học và sinh học lớn nhất thế giới.
Washington quan ngại, trong một cuộc nội chiến tại Syria, các nhóm đối lập tại quốc gia này có liên hệ với Al-Qaeda hoặc Hezbollah có thể có các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Một lực lượng đặc nhiệm có thể đang hoạt động tại Syria. Theo một tài liệu, các đơn vị đặc nhiệm, có thể của Mỹ, Anh, Pháp, Jordani và Thổ Nhĩ Kỳ, đang tiến hành các hoạt động trinh sát và huấn luyện cho các lực lượng đối lập tại Syria.
Các chuyên gia cho rằng, can thiệp gián tiếp, tức là hỗ trợ quân sự và chính trị cho các nhóm đối lập với chế độ, là một phương án có nhiều khả năng thành công, với ít rủi ro và phí tổn.
Kiểu can thiệp gián tiếp này sẽ yêu cầu một chiến dịch, công khai hoặc bí mật để cung cấp cho phe đối lập Syria những phương tiện chống chế độ, làm suy yếu ý chí chiến đấu và cản trở khả năng hoạt động của quân đội và nhà nước Syria.
Giới ngoại giao cho rằng, điều nên làm hiện nay là phải phái các nhà quan sát – những người được cả chế độ Syria và phe đối lập tin tưởng – tới Syria.
Tuy nhiên, việc thành lập một nhóm quan sát viên của LHQ đòi hỏi phải có một nghị quyết và sự đồng thuận giữa các nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.
Bất cứ sự đồng thuận nào giữa 5 nước ủy viên thường trực của HĐBA cũng sẽ mở ra cánh cửa cho nhiều thỏa thuận hơn nữa, do đó cuộc khủng hoảng Syria sẽ gắn liền với 5 nước này.
Có thể đây sẽ là con đường quanh co và rất lâu dài để đạt được một cuộc ngừng bắn trong tương lai ở Syria.
Theo Petrotimes