> Đánh bom liều chết 'trả thù cho bin Laden'
Theo một quan chức chống khủng bố của Mỹ, hệ thống liên lạc toàn cầu của bin-Laden được xây dựng trên nền tảng kỷ luật và niềm tin. Trong dinh thự kín cổng cao tường ở đông bắc Pakistan, trùm khủng bố dùng máy tính không nối mạng để gõ nội dung email, lưu vào ổ USB nhỏ như ngón tay cái rồi đưa thiết bị lưu trữ di động này cho một người đưa tin tin cẩn. Người này đến một điểm truy cập Internet công cộng cách xa nơi ở của bin-Laden, sao chép thông điệp của trùm khủng bố vào email rồi gửi đi. Người đưa tin cũng copy thư gửi tới lãnh đạo mạng lưới al-Qaeda vào ổ USB rồi mang về dinh thự để bin-Laden đọc ngoại tuyến.
Quá trình gửi và nhận thư chậm chạp, nặng nhọc, tỉ mỉ, mất thời gian đến nỗi các quan chức tình báo cực kỳ ngạc nhiên về khả năng của bin-Laden trong việc duy trì hệ thống liên lạc này trong thời gian dài. Mỹ luôn nghi ngờ bin-Laden liên lạc qua những người đưa tin nhưng không đoán trước được độ phủ thông tin rộng rãi của trùm khủng bố. Sau vụ đột kích nơi ở của bin-Laden đêm 1-5, lính đặc nhiệm Mỹ thu được nhiều thiết bị lưu trữ có khả năng chứa hàng nghìn thư điện tử và hàng trăm địa chỉ email. Đặc nhiệm hải quân mang đi gần 100 ổ USB sau khi tiêu diệt bin-Laden, và các quan chức Mỹ nói rằng, chúng dường như lưu trữ thông tin liên lạc hai chiều giữa trùm khủng bố và đồng bọn khắp nơi trên thế giới.
Các thành viên al-Qaeda thay đổi địa chỉ email nên không rõ bao nhiêu người vẫn hoạt động sau cái chết của bin-Laden. Tuy nhiên, danh sách một loạt địa chỉ điện tử và số điện thoại trong các email là căn cứ để Bộ Tư pháp Mỹ tăng số lượng thư từ được đánh dấu là liên quan an ninh quốc gia. Theo đó, Cục Điều tra Liên bang (FBI) được phép nhanh chóng yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet cung cấp thông tin liên quan mà không phải thông qua thẩm phán. Các quan chức Mỹ không nói rằng bin-Laden liên lạc với người ở Mỹ, nhưng những kẻ khủng bố từng sử dụng dịch vụ email miễn phí hoặc các nhà cung cấp dịch vụ Internet có trụ sở tại Mỹ. Chính phủ Mỹ đã tuyển dụng nhiều người nói tiếng Ảrập trong cộng đồng tình báo để nghiên cứu đống tài liệu điện tử thu được tại nơi ở của bin-Laden.
Các quan chức Mỹ nói rằng, giải mã một số tài liệu cho thấy không có âm mưu khủng bố mới, nhưng bin-Laden tiếp tục dính dáng các chiến dịch của al-Qaeda sau khi Mỹ cho rằng trùm khủng bố đã chuyển giao quyền lực cho phó tướng Ayman al-Zawahri. Tài liệu thu được không những có thể giúp Mỹ tìm ra những nhân vật al-Qaeda khác mà còn buộc các đối tượng khủng bố thay đổi lề thói hằng ngày. Điều này có thể khiến chúng dễ mắc sai lầm, dễ bị phát hiện hơn, các chuyên gia chống khủng bố nhận định.
Theo các chuyên gia công nghệ thông tin, việc tìm hiểu dữ liệu điện tử của bin-Laden phụ thuộc vào kỹ thuật mã hóa mà trùm khủng bố sử dụng. Nếu dữ liệu được mã hóa theo chuẩn AES-256 thì có thể nói việc giải mật là mò kim đáy bể. Những tài liệu đóng dấu “Tuyệt mật” của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) được mã hóa AES-256. Năm ngoái, al-Qaeda được cho là xuất bản tạp chí Inspire có một bài báo về sử dụng phần mềm mã hóa Asrar al-Mujahideen 2.0. Phần mềm này dùng AES-256 và một số phương pháp mã hóa khác. Chris Mellen, người phụ trách dịch vụ chuyên nghiệp của AccessData (đơn vị cung cấp phần mềm điều tra cho chính phủ Mỹ), nói rằng, không biết NSA, Cục Tình báo Trung ương hay một cơ quan chính phủ khác có phụ trách việc giải mã tài liệu của bin-Laden, nhưng một tổ chức ít người biết đến là Trung tâm Khai thác Truyền thông Quốc gia của quân đội có thể đảm nhiệm việc này. |
Minh Long
Theo AP, New Scientist, CBS News