Tăng trưởng Nông nghiệp thấp nhất trong 6 năm
Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng ngành nông nghiệp 9 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt 0,65%, thấp nhất trong vòng 6 năm qua. Điều này đã kéo GDP cả nước xuống 5,93%. Một trong những nguyên nhân suy giảm tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp là sự cố môi trường biển khiến cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung. Sự cố này khiến ngư dân phải tạm dừng đánh bắt ở vùng ven bờ, sản lượng khai thác thủy sản các địa phương giảm bình quân trên 20% (Quảng Trị 27%; Thừa Thiên - Huế 23%...).
“Sự cố cá chết do Formosa gây ra khiến ngành thủy sản nói riêng, nông nghiệp nói chung giảm và làm giảm GDP. Mức độ ảnh hưởng của sự cố này còn kéo dài nhiều năm sau, tác động nhiều ngành khác như du lịch…”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê đánh giá.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Vụ trưởng Thống kê dân số và lao động, sự cố cá chết do Formosa còn làm tăng số lao động thất nghiệp cả nước trong 9 tháng đầu năm 2016 lên 40.000 người. Riêng tỉnh Hà Tĩnh có gần 25.000 người mất việc làm, nhất là lao động trong lĩnh vực đánh bắt và kinh doanh thủy sản, dịch vụ hậu cần, nuôi trồng, sản xuất muối.
Ngoài ra, hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng xảy ra tại khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ khiến diện tích cây trồng suy giảm. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán, xâm nhập mặn đã vào đến vùng lõi của đồng bằng, nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua, làm đảo lộn cuộc sống và sản xuất của người dân.
Mặt khác, ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam tiếp tục giảm sút (nhất là sản lượng khai thác than và dầu thô), khiến nền kinh tế càng khó khăn. Trong cơ cấu nền kinh tế 9 tháng, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 15%; công nghiệp và xây dựng chiếm 32,4%; dịch vụ chiếm 41,8%...
Cá ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) và nhiều nơi gần Formosa giờ vắng bóng. Ảnh: Sỹ Lực.
Giải pháp nào?
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, nền kinh tế nước ta đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để đạt được mục tiêu GDP tăng 6,7% trong năm 2016, Chính phủ cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, kiểm soát lạm phát. Tập trung đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích nghi với biến đổi khí hậu.
“Mục tiêu tăng trưởng 6,7% Chính phủ đặt ra sẽ khó đạt được trong năm 2016 vì tình hình kinh tế khó khăn (do thiên tai, tác động của giá dầu giảm sút). Động lực tăng trưởng GDP từ giờ đến cuối 2016 và những năm tiếp theo phải dựa vào cộng đồng DN, tái cơ cấu nông nghiệp và nhu cầu tiêu dùng trong nước”.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Tổng cục Thống kê cũng đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương: Có giải pháp trung và dài hạn đối phó, xử lý xâm nhập mặn, hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và Tây Nguyên; Nghiên cứu, quy hoạch lại cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hướng hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn…; Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) phát triển, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu; Làm tốt việc dự báo, tìm kiếm, mở rộng thị trường; Đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm hàng, mặt hàng có khả năng cạnh tranh; Hỗ trợ tài chính giúp cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam vươn lên. Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, Chính phủ nên tiếp tục đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa DN Nhà nước bảo đảm công khai, minh bạch.
Đánh giá động lực cho tăng trưởng GDP quý 4 năm 2016, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho rằng, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản đã “ấm” lên, đạt 0,65%; Chấm dứt chuỗi 6 tháng tăng trưởng âm liên tiếp. Nhập khẩu hàng hoá tăng 1,3%, chủ yếu là nguyên vật liệu và máy móc thiết bị sử dụng cho sản xuất. “Đây là tín hiệu tốt, báo hiệu tăng trưởng GDP quý 4 sẽ tăng cao hơn”, ông Tuyến nói.
Theo ông Tuyến, 9 tháng qua, cả nước có 81.000 DN mới được thành lập, tổng số vốn đăng ký 629.000 tỷ đồng, số DN quay trở lại hoạt động chiếm 25% tổng số DN là dấu hiệu đáng mừng. Hơn nữa, theo kết quả khảo sát gần đây của Tổng cục Thống kê, 83% số DN cho biết, sản xuất kinh doanh quý 3 ổn định và tốt hơn so với quý 2; dự đoán quý 4 tiếp tục ổn định, phát triển hơn quý 3.