Cơ quan nhà nước vẫn cố 'ôm' xe công

Hết năm 2016, cả nước có 34.211 ô tô công. Ảnh: Ngọc Châu.
Hết năm 2016, cả nước có 34.211 ô tô công. Ảnh: Ngọc Châu.
TP - Sau khi thực hiện rà soát, sắp xếp xe công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính phát hiện số lượng xe chuyên dùng tăng, một số đơn vị tìm cách chuyển từ xe công phục vụ công tác chung sang xe chuyên dùng để không phải trả lại xe.

Có xu hướng lách quy định

Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương rà soát, sắp xếp lại xe công. Kết quả rà soát cho thấy, số lượng ô tô công phục vụ chung đã giảm (hơn 2.000 xe công trang bị sai đối tượng phải điều chuyển, bán thanh lý). Bộ Tài chính nhận thấy số lượng xe chuyên dùng tăng.

Theo ông Thắng, điều này xảy ra do một số bộ ngành, địa phương chuyển xe công phục vụ chung sang xe chuyên dùng. Vì quy định đã phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức xe chuyên dùng về cho lãnh đạo các bộ ngành, địa phương. Dẫn tới việc ban hành tiêu chuẩn, định mức xe chuyên dùng chưa thống nhất, có xu hướng tăng số lượng xe chuyên dùng không hợp lý. Từ năm 2013 tới nay, số xe chuyên dùng tăng hơn 5.000 chiếc.

Ông Thắng lý giải, xe chuyên dùng có 2 nhóm, một nhóm có kèm trang thiết bị chuyên dùng (27 loại, như xe cứu hỏa, cứu thương…), nhóm hai là những xe phục vụ chung (xe tuần tra cảnh sát, thanh tra giao thông…). Với việc cho phép các bộ ngành, địa phương tự quyết định tiêu chuẩn, định mức xe chuyên dùng, một số đơn vị đã tìm cách chuyển xe phục vụ chung sang xe chuyên dùng. “Đa phần xe chuyển chức năng dạng này chỉ đúng về mặt quy định. Do quy định cho phép đơn vị nào chưa có xe chuyên dùng sẽ được trang bị, nên có hiện tượng xe phục vụ chung chuyển thành xe chuyên dùng”, ông Thắng nói.

Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ Tài chính đang đề xuất siết lại việc cấp xe chuyên dùng. Theo đó, những xe chuyên dùng có lắp thiết bị chuyên ngành vẫn giao lãnh đạo bộ ngành, địa phương quyết định tiêu chuẩn, định mức sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính. Với những xe chuyên dùng tương tự xe phục vụ chung, tiêu chuẩn, định mức trang bị cho các đơn vị phải được Thủ tướng quyết định trên cơ sở đề xuất của các bộ ngành, địa phương.

Nghiên cứu chế tài riêng xử phạt sử dụng xe công

Bộ Tài chính cũng vừa đưa ra dự thảo quyết định của Thủ tướng quy định về tiêu chuẩn mua sắm, sử dụng xe công. Theo đó, bộ này đề xuất khoán (bắt buộc) kinh phí sử dụng xe công phục vụ chức danh đưa đón đi làm với lãnh đạo có hệ số lương từ 1,25 tới cấp thứ trưởng và lãnh đạo địa phương. Riêng với xe công phục vụ công tác chung, đưa đón cán bộ đi công tác sẽ vẫn mang tính tự nguyện.

Trả lời báo chí về lý do chưa đề xuất khoán bắt buộc với xe công phục vụ công tác, ông Trần Đức Thắng cho rằng, việc này cũng đã được tính tới, nhưng nếu khoán cả xe công tác sẽ ảnh hưởng tới công việc của các lãnh đạo.

“Chúng tôi vẫn khuyến khích người đủ điều kiện nhận kinh phí khoán với cả xe phục vụ công tác và phục vụ chung, như đi công tác bằng xe riêng, xe dịch vụ. Chúng ta thực hiện và từng bước thăm dò trên nguyên tắc cao nhất là không làm ảnh hưởng đến công việc của các chức danh lãnh đạo”, ông Thắng nói. Theo ông Thắng, khi các lãnh đạo bộ ngành, địa phương cũng nhận khoán kinh phí đi lại, sẽ có tác dụng làm gương cho cấp dưới chấp hành theo và lan tỏa sang các lĩnh vực sử dụng tài sản công khác.

Để đảm bảo quy định khoán, cắt giảm số lượng xe công được thực hiện nghiêm túc, ông Thắng cho biết, hiện các chế tài xử lý về sai phạm báo cáo, sử dụng tải sản công (trong đó có ô tô) đã có đầy đủ, cả luật và các nghị định, thông tư. “Nhưng chúng tôi sẽ nghiên cứu để xem việc sử dụng ô tô công có cần thêm chế tài xử lý nữa không để đề xuất bổ sung”, ông Thắng nói.

Về 761 xe công bán thanh lý chỉ được giá bình quân 46,2 triệu đồng/xe, một cán bộ Bộ Tài chính cho biết, con số này được đưa ra căn cứ vào báo cáo của các bộ ngành, địa phương gửi về. Theo đó, có xe được giá, xe rẻ, thậm chí có cả xe không còn khả năng sử dụng.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, hết năm 2016, cả nước có 34.211 ô tô công. Trong đó, gồm 864 ô tô phục vụ chức danh; 17.047 xe phục vụ chung; 16.883 xe chuyên dùng. Chi phí ngân sách bỏ ra để “nuôi” mỗi xe khoảng 320 triệu đồng/xe/năm (chi phí khấu hao, lương lái xe, xăng xe, bảo dưỡng, sửa chữa). Năm 2016, cả nước mua mới thêm khoảng 820 xe công mới, trong đó khoảng 600 xe chuyên dùng. Số ô tô công này giá trị giá khoảng 1 tỷ USD, trị giá còn lại khoảng 7-8 nghìn tỷ đồng. Dự kiến, từ năm 2018, Bộ Tài chính sẽ thực hiện mua sắm ô tô công tập trung cho cả nước.

MỚI - NÓNG