Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay Tokyo sẽ liên lạc với các nhà thầu quốc phòng trong và ngoài nước ngay sau ngày 5/7, hạn chót để bày tỏ sự quan tâm trong hợp đồng 100 máy bay chiến đấu. Đây là một trong những hợp đồng máy bay chiến đấu lớn nhất được mở thầu nhiều năm qua, Reuters đưa tin.
Các nguồn tin thân cận cho biết 2 công ty của Mỹ là Boeing và Lockheed Martin đã được mời tham gia vào dự án, có tên gọi chương trình máy bay chiến đấu F-3, cùng Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi, nhà thầu nội địa chính của Nhật Bản.
Các nguồn tin trên cho biết thêm, quyết định cuối cùng nhiều khả năng sẽ đưa ra vào mùa hè năm 2018, với việc triển khai các máy bay mới dự kiến sẽ diễn ra sớm nhất là vào những năm 2020.
Với trị giá lên tới 40 tỷ USD, chương trình F-3 sẽ vượt qua tất cả các hợp đồng máy bay chiến đấu gần đây về giá trị và nhiều khả năng sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà thầu toàn cầu. Nhưng các nhà phân tích cho hay việc Nhật Bản ưu tiên một dòng máy bay có thể phối hợp chặt chẽ với quân đội Mỹ, do mối quan hệ thân thiết giữa Washington và Tokyo, khiến các đối thủ không phải từ Mỹ khó cạnh tranh hơn.
Dự án được khởi động trong bối cảnh Nhật Bản tìm một máy bay để duy trì ưu thế trên không so với Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng hung hăng trên biển. Các máy bay chiến đấu của Trung Quốc vẫn tụt hậu so với các máy bay của Mỹ và các đồng minh, nhưng các chuyên gia quân sự cho hay việc Bắc Kinh tăng cường năng lực là nguồn cơn cho một chính sách an ninh mạnh mẽ hơn của Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe.
Được kỳ vọng là nhằm thay thế các máy bay chiến đấu đa năng hiện thời F-2 của Mitsubishi, dòng máy bay chiến đấu mới sẽ hoạt động cùng các máy bay F-35 của Lockheed mà Nhật Bản đã đặt hàng, cùng các máy bay chiến đấu Boeing F-15J mà nước này đang nâng cấp.
Nhập khẩu hay chế tạo trong nước
Nhật Bản để ngỏ khả năng nhập khẩu các máy bay chiến đấu sẵn có trực tiếp từ các hãng cung cấp phương Tây, chế tạo chúng theo giấy phép ở trong nước, giống F-15J, theo các nguồn tin thân cận biết về vụ việc.
“Chúng tôi chắc chắn quan tâm tới một cơ hội tiềm năng khác nhằm thúc đẩy quan hệ lâu dài với Nhật Bản. Chúng tôi mong muốn biết thêm về các kế hoạch F-3 của Nhật trong bối cảnh các cuộc thảo luận đang tiếp tục”, Lockheed Martin cho biết với Reuters qua email.
Còn hãng Boeing thì cho biết: “Chúng tôi luôn tìm kiếm các cách thức nhằm gia tăng sự hiện diện tại Nhật Bản và để ngỏ khả năng tiến hành các cuộc thảo luận với khách hàng để xem chúng tôi có thể giúp đáp ứng các nhu cầu an ninh của họ như thế nào”.
Nhật Bản từ lâu đã muốn sở hữu máy bay tàng hình động cơ kép với tầm bay xa và được trang bị tên lửa.
Dòng máy bay duy nhất hiện đang hoạt động mà đáp ứng được các yêu cầu của Nhật Bản là F-22 của Lockheed, nhưng máy bay này hiện không được sản xuất và Mỹ cũng không ý định xuất khẩu nó, bất chấp sự quan tâm của Tokyo.
Điều đó khiến Nhật Bản nhiều khả năng phải thiết kế và chế tạo máy bay chiến đấu F-3 ở trong nước, đẩy chi phí của dự án lên cao. Chi phí phát triển cao có thể là một trở ngại đối với Nhật Bản trong bối cảnh nước này cân nhắc ngân sách quốc gia, mặc dù động thái nhằm dỡ bỏ lệnh cấm kéo dài nhiều năm đối với các vụ buôn bán vũ khí hồi năm ngoái có thể mở đường cho việc xuất khẩu trong tương lai để giảm bớt gánh nặng chi phí.
Ngoài Boeing và Lockheed, các đối tác tiềm năng khác có tập đoàn Eurofighter - một liên doanh châu Âu giữa tập đoàn Airbus, BAE Systems PLC và Leonardo Finmeccanica SpA vốn chế tạo máy bay chiến đấu Typhoon - và Saab AB của Thụy Điển, hãng gần đây đã trình làng phiên bản mới nhất của máy bay chiến đấu Gripen.
Thay mặt tập đoàn Eurofighter, một phát ngôn viên của Airbus cho hay: “Chúng tôi giữ liên lạc thường xuyên với Nhật Bản và ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản để thảo luận các khả năng và cơ hội hợp tác tiềm tàng”.