Cuộc chiến ủy nhiệm 'chuyển vùng' sang Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Erdogan (trái) và người đồng cấp Obama trong một cuộc gặp riêng ở Antalya.
Tổng thống Erdogan (trái) và người đồng cấp Obama trong một cuộc gặp riêng ở Antalya.
Nếu như cách đây hơn một tháng, người ta lo ngại khả năng xảy ra cuộc chiến ủy nhiệm giữa Nga và Mỹ tại Syria khi mà hai bên cùng hỗ trợ vũ khí, binh lực cho các phe đối nghịch ở đây thì giờ lo ngại ấy lại được chuyển sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga ở biên giới Syria, Nga đã có nhiều hình thức trả đũa nhưng Mỹ và NATO đều đứng ra bênh vực cho Ankara. Tuy vậy, cuộc chiến ủy nhiệm tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể nói mới chỉ đang diễn ra ở giai đoạn “đấu võ mồm”.

Một ngày sau khi Bộ Quốc phòng Nga tố cáo những quan chức hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và người nhà của ông, thông đồng với IS buôn dầu lậu, Mỹ đã lên tiếng bênh vực.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói rằng “không có sự thông đồng của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong một số hoạt động mua bán dầu bất hợp pháp từ IS”. Ông nói thêm: "Chúng tôi hoàn toàn không tin đó là sự thật". Còn phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho rằng, nếu người Nga thực sự lo ngại về việc tài trợ bất hợp pháp IS thì Nga nên nêu vấn đề đó với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Tuần trước, Washington cáo buộc Chính phủ Syria mua dầu từ IS và áp đặt những biện pháp trừng phạt nhắm vào một doanh nhân mang hai quốc tịch Syria-Nga (George Haswani), cáo buộc ông ta tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh dầu mỏ giữa Chính phủ Assad và IS. Lầu Năm Góc cũng bác bỏ những cáo buộc của Nga. Phát ngôn viên cho chiến dịch chống IS của Mỹ, Đại tá Steve Warren, nói trong một cuộc họp báo trực tiếp từ Baghdad rằng Thổ Nhĩ Kỳ là "đối tác tốt của chúng tôi". Ông gọi ý tưởng cho rằng "họ bằng cách nào đó đang làm việc với IS là hàm hồ".

Ngày 2/12, trong một cuộc họp báo ở Moscow, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Anatoly Antonov gọi IS là "thủ lĩnh tuyệt đối" trong chủ nghĩa khủng bố quốc tế, và nói rằng những kẻ khủng bố ở Syria kiếm được khoảng 2 tỉ USD mỗi năm từ việc khai thác dầu mỏ bất hợp pháp mà chúng sử dụng để tuyển mộ và vũ trang những kẻ khủng bố khắp thế giới.

"Đó là lý do tại sao IS ra sức bảo vệ cơ sở hạ tầng sản xuất dầu bất hợp pháp ở Syria và Iraq. Khách hàng chính của dầu bị lấy cắp từ những người chủ sở hữu hợp pháp của nó - Syria và Iraq - chính là Thổ Nhĩ Kỳ. Theo thông tin mà chúng tôi đã nhận được, tầng lớp lãnh đạo chính trị cao nhất của nước này - Tổng thống Erdogan và gia đình của ông ta - có dính líu tới hoạt động kinh doanh phạm pháp này" - ông Antonov nói. Không có bằng chứng cho thấy ông Erdogan hoặc bất kỳ thành viên nào trong gia đình ông ta tham gia buôn bán dầu mỏ với IS được trưng ra tại cuộc họp báo.

Về phần mình, Tổng thống Erdogan đã phản bác những cáo buộc mới nhất của Nga. "Không ai có quyền vu khống Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang mua dầu từ IS" - ông nói khi đang đi thăm Qatar.

Những tuyên bố mới nhất của Nga được đưa ra giữa lúc căng thẳng tăng cao giữa Moscow và Ankara. Về mặt quân sự, Nga đã chuyển tới Syria giàn tên lửa siêu hiện đại S-400 và một số tàu chiến. Ngay sau khi máy bay Su-24 bị bắn rơi, Nga đã "bằm nát" khu vực chiếc máy bay bị bắn, đây được coi là nơi phiến quân Syria do Thổ Nhĩ Kỳ yểm trợ.

Trên phương diện kinh tế, Nga cũng đã khuyên người dân nước này hạn chế tới Thổ Nhĩ Kỳ du lịch. Du khách Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 1/4 tổng lượng khách du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ mỗi năm. Bên cạnh đó, Nga cũng ngưng nhập hàng nông sản từ Ankara. Đối với những dự án lớn hơn, hôm 2/12, Nga tuyên bố ngưng đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" và công trình Nhà máy điện hạt nhân Akkuyu. Tuy nhiên, theo Interfax, việc cung cấp khí đốt của Nga hiện tại không rơi vào phạm vi cấm vận và sẽ được thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký trước đó với Thổ.

Cuộc chiến ủy nhiệm 'chuyển vùng' sang Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1

Tổng Thư ký NATO (trái) và Thủ tướng Montenegro Milo Djukanovic.

Cuộc đàm phán về đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” được tiến hành đã một năm nay. Thoạt đầu có vướng mắc về cấu trúc gói giao kèo: sự đồng ý cho xây dựng đường ống dẫn khí bị ràng buộc vào mức giá ưu đãi về khí đốt của Nga. Sau đó, tại Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra bầu cử.

Trung tuần tháng 11 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ hy vọng rằng tân nội các Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai gần sẽ nghiên cứu dự án. Tuy nhiên, vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay của Nga hôm 24/11 đã dội một gáo nước lạnh vào dự án này. Thổ Nhĩ Kỳ là nước đứng thứ hai sau Đức về mức tiêu thụ khí đốt của Nga. Trước đó ngày 1/12, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu hy vọng Nga không cắt nguồn cung cấp khí đốt sang nước ông.

Dự án đường dẫn khi đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, có công suất 47 tỉ m3/năm, được Nga tuyên bố xây dựng vào tháng 2/2015, nhằm thay thế cho dự án Dòng chảy phương Nam, buộc phải hủy bỏ do những rắc rối về pháp lý với Bulgaria.

Nga là đối tác thương mại lớn thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải nhập siêu lên tới 25 tỉ USD hàng hóa các loại từ Nga. Kể từ đầu năm nay, Nga đã đầu tư trực tiếp vào Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 755 triệu USD, trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ cũng đầu tư vào Nga ít nhất là 55 triệu USD. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, trong năm ngoái, Ankara đã xuất khẩu lượng sản phẩm nông nghiệp trị giá khoảng 1,06 tỉ USD sang Nga. Trong khi đó, có khoảng 20% lượng rau Nga nhập khẩu là từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo đánh giá của các chuyên gia Nga, những biện pháp trừng phạt kinh tế mà Moscow đang áp đặt với Ankara sau sự cố máy bay Su-24 có thể khiến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sụp đổ thực sự.

Về mặt ngoại giao, kể từ sau sự cố Su-24 cho đến nay, phía Nga và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ tiến hành một cuộc gặp cấp cao. Đó là cuộc hội đàm nhanh giữa ngoại trưởng hai nước diễn ra bên lề một hội nghị của OSCE tại Belgrade (Serbia) hôm 3/12. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga nói chẳng có gì mới sau cuộc gặp với Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã năm lần bảy lượt đòi gặp Tổng thống Putin nhưng Điện Kremlin cho biết giờ chưa phải lúc.

Cuộc chiến ủy nhiệm 'chuyển vùng' sang Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 2

Căng thẳng Nga - Thổ sau vụ rơi máy bay SU-24.

Tính từ đầu vụ khủng hoảng Nga-Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay, Mỹ và NATO cũng đã nhiều lần lên tiếng bênh vực chính quyền Ankara. Ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga, NATO ra thông báo cho biết ủng hộ quyết định của Ankara và cho đó là quyền bảo vệ chính đáng không phận. Mới đây, tại Pháp nhân Hội nghị COP21 về biến đổi khí hậu, Tổng thống Mỹ Obama cũng đã lên tiếng yêu cầu Nga - Thổ Nhĩ Kỳ giảm nhiệt căng thẳng để tập trung vào đánh IS.

Về phía NATO, ngày 2/12, tại buổi họp báo sau ngày đầu tiên của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên NATO, ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký tổ chức này thông báo rằng Anh đã sẵn sàng đưa máy bay đến căn cứ Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ và Đan Mạch sẽ điều tàu chiến tới phía đông Địa Trung Hải. Ông Stoltenberg nhấn mạnh rằng những động thái trên không liên quan đến sự việc máy bay Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi ở Syria, vì quyết định tăng cường phòng thủ biên giới cho Thổ Nhĩ Kỳ đã được NATO thông qua hồi đầu tháng 10/2015, nghĩa là trước khi xảy ra sự cố nêu trên.

"Trước đây chúng tôi đã từng giúp Thổ Nhĩ Kỳ phòng thủ đất nước và giờ đây vẫn tiếp tục thực hiện sự giúp đỡ ấy" - ông Stoltenberg nói. Các biện pháp tăng cường năng lực phòng thủ cho Thổ Nhĩ Kỳ cũng được nêu trong thông cáo chung của Hội nghị Ngoại trưởng NATO: "Các nước thành viên sẽ làm mọi việc cần thiết để giúp chính quyền Ankara chọn ra được những phương án phòng thủ tốt nhất trong thời gian ngắn nhất". Các bộ trưởng ghi nhận sự bất ổn ở biên giới phía đông của NATO.

"An ninh của liên minh không thể bị phá vỡ và các nước thành viên đoàn kết chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang đối mặt với nhiều thách thức từ phía nam, bao gồm cả các mối đe dọa khủng bố" - thông cáo chung nhấn mạnh.

Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, những tuyên bố trấn an của NATO không làm Nga yên tâm. Chưa kể mới đây hôm 2/12, dù Nga đã nhiều lần tuyên bố về sự khiêu khích và mối đe dọa cho sự ổn định của khu vực phía tây Balkan, NATO vẫn quyết định mời Montenegro trở thành thành viên thứ 29 của liên minh quân sự này.

Dường như biết trước được tình hình sắp tới còn rất căng thẳng, trong Thông điệp liên bang 2015, ngoài việc nêu ra những kế hoạch cho tương lai, Tổng thống Nga Putin cũng khẳng định rõ quyết tâm của Nga trong cuộc chiến với IS và cả những "kẻ bảo kê, dung túng" và lợi dụng chúng làm giàu bằng buôn lậu dầu hỏa từ IS ở Syria. Mà theo Nga những kẻ đó chính là Thổ Nhĩ Kỳ và những thế lực phía sau.

Theo Theo An Ninh Thế Giới
MỚI - NÓNG